Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đi theo con đường mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân lựa chọn (*)

Theo Quân đội nhân dân| 08/08/2020 07:48

LTS: Trong sự nghiệp hoạt động cách mạng của mình, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam có nhiều bài nói, bài viết sâu sắc về lý luận và giá trị thực tiễn. Trân trọng lược trích, giới thiệu một phần bài viết "Đi theo con đường mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân lựa chọn" trong cuốn sách "Lê Khả Phiêu - Những điều tâm đắc", do Nhà xuất bản Thế giới ấn hành năm 2011.

Khai phá được con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội (CNXH) là nhờ Đảng ta, từ những tổ chức tiền thân cho đến ngày nay, đã ráo riết học tập, kế thừa và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho mọi hoạt động. Cho nên, để kiên định và kiên trì con đường mà Bác Hồ và Đảng ta đã lựa chọn thì trong mọi hoạt động của Đảng, phải lấy Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam.

Không thực hiện điều quan trọng này thì sa vào vũng bùn của chủ nghĩa cơ hội "tả khuynh" hoặc "hữu khuynh", lâm vào nguy cơ chệch hướng, tự phát hay tự giác phản bội lại thành quả cách mạng mà mồ hôi và xương máu chiến đấu hy sinh của nhiều thế hệ xây đắp nên.

Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh: TTXVN.

Hiện nay nhờ có hòa bình, độc lập, thống nhất, kinh tế phát triển, giao lưu văn hóa và khoa học mở rộng, chúng ta được học tập nhiều gấp bội so với trước. Bằng cấp, chức danh, cấp quân hàm nhiều hơn trước, cao hơn trước. Điều đó rất quý. Nhưng, một vài lớp bồi dưỡng chính trị, một bằng cử nhân, một chức danh tiến sĩ, một chức vụ trung cấp, cao cấp trong Đảng và chính quyền... chưa thể đảm bảo là đã am tường sâu sắc Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Không thể hiểu Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh một cách thô thiển, không có gốc, không có hệ thống, sơ lược, chắp vá. Có hiện tượng chỉ hiểu câu chữ mà không nắm được sự tinh túy và nguyên lý có tính chất phổ quát; có hiện tượng cắt xén lý luận cơ bản, dẫn theo sách vở phương Tây, sách vở chống cộng. Không dày công lăn lộn nghiên cứu thực tiễn. Có hiện tượng lợi dụng phát huy dân chủ, tự do dân chủ để truyền bá những quan điểm sai trái trên báo chí, trên mạng, trên các diễn đàn nghiên cứu.

Những hiện tượng ấy là miếng đất cho xu hướng giáo điều mới và xu hướng xét lại mới phát triển, ngăn trở việc nắm vững và vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn một cách đúng đắn.

Bác Hồ dạy: "Đảng muốn vững thì phải có chủ nghĩa làm cốt".

Tôi nghĩ rằng chúng ta cần khắc phục một cách nghiêm túc những khuyết điểm về dạy và học Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh cho cán bộ, đảng viên. Cần lấy việc học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm một tiêu chuẩn rèn luyện đảng viên và bồi dưỡng cán bộ.

- Phải kết hợp nghiên cứu Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh trong việc học tập, soạn thảo các nghị quyết của Đảng.

- Phải rà soát chương trình học tập Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh ở các trường học.

- Coi trọng đào tạo một thế hệ giáo viên truyền giảng Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh có đạo đức và tài năng cao.

- Quan tâm tổng kết tình hình thực tiễn. Tổng kết thực tiễn là dựa trên nền tảng Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để soi rọi tình hình và thực tiễn để kiểm tra đường lối chính sách và từng bước hoàn thiện đường lối, chính sách.

- Trình độ hiểu biết và khả năng vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là một tiêu chuẩn để tuyển chọn công chức, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ.

- Kiên quyết chống lại các quan điểm sai trái trong nội bộ Đảng và trong xã hội, các quan điểm chống phá của các thế lực thù địch, các khuynh hướng cơ hội, cố tình bôi bác Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, đang tạo ra nguy cơ “tự diễn biến” rất nguy hiểm.

Học tập đi đôi với rèn luyện. Học tập chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh là rèn luyện đạo đức, nâng cao ý chí chiến đấu phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, tác phong lãnh đạo và tác phong làm việc, tác phong lao động, nền nếp công tác và sản xuất, tinh thần đoàn kết thương yêu lẫn nhau giữa các thế hệ và trong mỗi gia đình. Đặc biệt là cán bộ, đảng viên cần nêu cao các tấm gương tốt, "một tấm gương tốt còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền", như Bác Hồ dạy. Thoái hóa về đạo đức sẽ dẫn đến thoái hóa về chính trị.

Cần nâng cao đạo đức cách mạng và lối sống lành mạnh trong nhân dân và thanh niên, thiếu niên. Có chiến lược thực hiện lời Di chúc của Bác Hồ: Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau, vừa hồng vừa chuyên, thế hệ kế thừa sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Cần nhớ mãi lời dạy của Người: "Muốn xây dựng CNXH, trước hết cần có những con người XHCN", "không có tư tưởng XHCN thì không làm được công việc của CNXH". Tập trung khắc phục bằng được tình hình thoái hóa biến chất về lý tưởng XHCN. Không thể để đến Đại hội Đảng lại lặp lại nhận định: "Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa biến chất làm giảm lòng tin của nhân dân đối với Đảng".

Hàng ngàn, hàng vạn trang sách và trang báo mấy chục năm qua đã nói nhiều về tệ tham nhũng, quan liêu.

Đảng đã đề ra nhiều biện pháp. Tôi chỉ xin nhấn mạnh một điểm: Thực thà tự phê bình và phê bình từ dưới lên trên và từ trên xuống dưới, đặc biệt từ cấp lãnh đạo, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng và nhà nước, trong cán bộ cao cấp, trung cấp.

Không xây dựng được tinh thần và nền nếp thực thà tự phê bình và phê bình thì không thể nào xây dựng Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị trong sạch và vững mạnh. Sức mạnh của một đảng bộ, mỗi đảng viên không chỉ ở chỗ phát huy ưu điểm, mà còn là nhận ra, nhận rõ và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm của mình.

Việc thật thà tự phê bình và phê bình nên bắt đầu từ đợt học tập các văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI, nằm trong quá trình xây dựng chương trình hành động của Đảng bộ và đảng viên thực hiện Nghị quyết Đại hội XI.

Cùng với thật thà tự phê bình và phê bình là kiên quyết và thực hành rộng rãi dân chủ trong Đảng và ngoài xã hội. Bác Hồ dạy: "Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết được mọi khó khăn".

Cùng với mở rộng dân chủ là phải tăng cường kỷ luật, giữ vững chuyên chính. Bác Hồ dạy: "Chế độ nào cũng có chuyên chính, vấn đề là chuyên chính với ai?... Như cái hòm đựng của cải, thì phải có cái khóa. Nhà thì phải có cửa... Dân chủ là cái quý báu nhất của nhân dân, chuyên chính là cái khóa, cái cửa để phòng phá hoại... Thế thì dân chủ cũng cần phải có chuyên chính để giữ lấy dân chủ".

Để thực hiện mở rộng dân chủ, đề cao kỷ luật, thì một biện pháp rất quan trọng là phải kiểm tra, thanh tra và giám sát.

Bên cạnh ưu điểm, hiện nay trong một số trường hợp thanh tra, kiểm tra, giám sát còn né tránh, còn thỏa hiệp để giữ ghế, giữ ôn hòa, "nín thở qua sông", chờ qua khỏi các kỳ đại hội, các kỳ bầu cử. Vậy thì làm sao phân biệt được cán bộ tốt xấu, làm sao đưa được cán bộ tốt vào bộ máy lãnh đạo và quản lý? Thanh tra đi, thanh tra lại vẫn không phát hiện được vấn đề. Đến khi đổ bể mới biết. Thanh tra xong, có kết luận rồi, nhưng do nhân nhượng, thỏa hiệp với nhau nên không giải quyết được dứt điểm. Động đến cấp chức càng cao, càng khó thanh tra, kiểm tra. Vậy sức chiến đấu của Đảng có còn hiệu lực nữa không?

Đi theo con đường mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn là một cuộc đấu tranh để xây dựng cái mới và loại trừ cái cũ không còn phù hợp, là sự nghiệp mãi mãi của các thế hệ Việt Nam. Chúng ta khẳng định quyết tâm không gì lay chuyển nổi, tiếp tục thực hiện con đường cách mạng vinh quang đó tới đích. Chúng ta biết rằng: Thời kỳ quá độ lên CNXH là một thời kỳ dài, nhưng không phải là vô hạn. CNXH nhất định sẽ giành được thắng lợi cuối cùng.

LÊ KHẢ PHIÊU

(*) Lược trích "Lê Khả Phiêu - Những điều tâm đắc", Nxb Thế Giới, Hà Nội, 2011, tr.52.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đi theo con đường mà Bác Hồ, Đảng và nhân dân lựa chọn (*)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.