Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đi lại dịp Tết Nguyên đán: Hành khách vẫn cần chủ động

Lương Ninh Giang| 14/01/2017 06:45

(HNM) - Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 và câu chuyện tàu xe ngày Tết lại

Đại diện nhiều doanh nghiệp (DN) vận tải cho biết đã có phương án bố trí đủ cũng như tăng cường phương tiện khi hành khách gia tăng đột biến. Tuy nhiên, hành khách vẫn nên chủ động có kế hoạch mua vé, ra sân bay, nhà ga trước giờ khởi hành sớm hơn bình thường nhằm tránh ùn tắc, nhỡ chuyến...


Hành khách tại Bến xe Giáp Bát.Ảnh: Anh Tuấn


Đường bộ - Không lo thiếu phương tiện

Ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty cổ phần Bến xe (BX) Hà Nội cho biết, dịp Tết Nguyên đán, một số tuyến như Quảng Ninh, Thanh Hóa, Thái Bình, Nghệ An, Sơn La, Lào Cai... có thể xảy ra tình trạng ùn tắc cục bộ vào các ngày cao điểm. Nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân, Công ty đã yêu cầu các đơn vị vận tải bố trí phương tiện, bảo đảm số lượng để vận hành theo biểu đồ đã đăng ký và tăng cường khi phát sinh. Theo đó, tại BX Giáp Bát, lượt khách trong các ngày cao điểm sẽ tăng 130-150% so với ngày thường, bố trí dự kiến 1.230 lượt xe/ngày (tăng 125% so với ngày thường); tại BX Mỹ Đình, lượng khách tăng khoảng 200%, bố trí dự kiến 1.600 lượt xe/ngày (tăng 115%); tại BX Gia Lâm, lượng khách tăng khoảng 200%, bố trí dự kiến 890 lượt xe/ngày (tăng 115%). Cùng với tăng cường phương tiện để vận tải hành khách liên tỉnh, Công ty cổ phần BX cũng sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan trong Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) tăng tần suất và số chuyến xe buýt để kịp thời phục vụ hành khách đến bến đi vào nội đô và giải tỏa khách trong trường hợp ùn tắc; họp với các đơn vị vận tải trên các bến ký cam kết với từng lái xe không thu tiền cao hơn giá vé đã đăng ký và không chở quá số ghế quy định...

Về việc Hà Nội thực hiện điều chuyển 691 nốt xe chưa phù hợp quy hoạch gây xáo trộn ít nhiều cho phương án kinh doanh của các DN, liệu có ảnh hưởng tới việc đi lại của người dân khi Tết đang cận kề, đại diện Sở GT-VT Hà Nội khẳng định, sẽ không có người dân nào phải ở lại vì thiếu xe. Hiện đã có 75-80% số phương tiện thực hiện xong việc điều chuyển theo chủ trương của thành phố, sẵn sàng phục vụ hành khách.

Liên quan đến xe buýt trung chuyển và giải tỏa khách, ông Nguyễn Việt Triều, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Transerco cho biết, dự kiến lưu lượng hành khách trước và sau các kỳ nghỉ Tết sẽ tăng cao hơn so với ngày thường, tập trung nhiều về các BX Giáp Bát, Gia Lâm, Mỹ Đình, Yên Nghĩa, Nước Ngầm, Nam Thăng Long, Ga Hà Nội và các tuyến trục đường chính ra vào thành phố, như quốc lộ 1, 3, 5, 6, 32. Nhằm đáp ứng tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, trong suốt dịp Tết, Transerco sẽ bố trí từ 5.440 đến 10.395 lượt xe/ngày (tùy thời điểm). Ngoài ra, còn dự phòng 29 xe/ngày trên 22 tuyến buýt để sẵn sàng tăng cường giải tỏa khi lượng hành khách tăng đột biến.

Đường sắt, hàng không - Chủ động mua vé sớm

Để phục vụ tối đa nhu cầu đi lại của nhân dân và tổ chức tốt việc vận chuyển hành khách, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN) sẽ tổ chức chạy 15 đôi tàu khách. Cụ thể, tổ chức 11 đôi tàu chạy suốt giữa Hà Nội - Sài Gòn và ngược lại. Ngoài 5 đôi tàu chính, ĐSVN tổ chức thêm các tàu chạy hằng ngày giữa Hà Nội - Sài Gòn và ngược lại trước và sau Tết. Đặc biệt, trong giai đoạn nghỉ Tết từ ngày 28-1 đến ngày 5-2, ĐSVN vẫn tổ chức chạy thường xuyên 6 đôi tàu giữa Hà Nội - Sài Gòn, 1 đôi tàu giữa Sài Gòn - Vinh và ngược lại.

Theo bà Phùng Thị Lý Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Hà Nội, nhằm hạn chế tình trạng "cò" vé, dịp cao điểm Tết năm nay, Ngành Đường sắt thực hiện mức phí khi đổi vé, trả vé là 30% giá vé áp dụng cho vé cá nhân và vé tập thể. Cùng với mức phí trả đổi vé cao hơn, Ngành Đường sắt cũng thực hiện quy định khi đổi vé vào dịp Tết vẫn phải giữ nguyên tên của người đã đặt vé chứ không được đổi sang tên người khác. Người giữ vé không thanh toán trong thời hạn quy định sẽ không được đặt lại chỗ đã đặt trước đó.

Trong các ngày 12 và 13-1, phóng viên Báo Hànộimới đã truy cập hệ thống mua vé trực tuyến của Ngành Đường sắt (tại địa chỉ dsvn.vn). Thấy rõ, ngoại trừ tuyến Hà Nội - Vinh, Hà Nội - Thanh Hóa... khan hiếm vé thì các tuyến khác, nhất là tuyến Bắc - Nam vẫn còn khá nhiều.

Với lĩnh vực hàng không, Vietnam Airlines đã ra thông báo bổ sung gần 900 chuyến bay, tương ứng hơn 185.000 ghế, trong khoảng thời gian từ ngày 15-1 đến ngày 13-2 trên các chặng bay nội địa. Như vậy, tổng số ghế Vietnam Airlines cung ứng cho thị trường trong dịp lễ đặc biệt này lên đến 1,6 triệu ghế, tăng khoảng 13% so với thường lệ và tăng 46% so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, dịp này Vietjet sẽ khai thác 44 máy bay, tăng thêm 12 máy bay so với cùng kỳ năm trước. Từ ngày 12-1, Vietjet thực hiện chương trình giảm giá tới 40% trên các chuyến bay đêm từ Sân bay Tân Sơn Nhất đi các tỉnh, thành phố, cho các chuyến bay từ ngày 20-1 (tức 23 tháng Chạp năm Bính Thân) đến ngày 7-2 (tức 11 tháng Giêng năm Đinh Dậu).

Khẳng định hành khách không lo thiếu vé, song các hãng cũng khuyến cáo, thời điểm cận kề Tết Nguyên đán hằng năm là dịp cao điểm của các hãng hàng không nội địa. Khách hàng nên mua vé máy bay tại các đại lý chính thức, hoặc trực tiếp đặt vé qua trang web của hãng, để tránh trường hợp vé giả, khai sai, thiếu sót thông tin… Mọi thông tin liên quan đến đặt chỗ, giờ bay và tình trạng chuyến bay đều được các hãng hàng không cập nhật liên tục trên website và thông qua mạng tin nhắn điện thoại, email của hành khách.

Theo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, tính đến 12h ngày 13-1, Ngành Đường sắt còn khoảng 51.600 vé tàu Bắc - Nam trong dịp cao điểm trước và sau Tết Nguyên đán. Cụ thể, chiều từ Ga Sài Gòn đến Ga Hà Nội, các ngày từ 20 đến 26-1 (tức từ ngày 23 đến 29 tháng Chạp) cơ bản đã bán hết chỗ. Từ ngày 17 đến 19-1 (tức từ ngày 20 đến 22 tháng Chạp) còn 7.276 chỗ đi từ Ga Sài Gòn đến các ga: Nha Trang, Quy Nhơn, Quảng Ngãi, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Thanh Hóa, Hà Nội; khoảng 1.636 chỗ các ga từ Nha Trang đến Đà Nẵng đi Hà Nội.

Đối với cao điểm sau Tết, chiều từ Ga Hà Nội đến Ga Sài Gòn, từ ngày 31-1 đến 12-2 (tức từ ngày 4 đến 16 tháng Giêng) còn 42.743 chỗ, đi từ các ga Hà Nội, Thanh Hóa, Vinh đến Ga Sài Gòn. Ngoài ra, còn vé tàu đi các chặng ngắn, như: Ga Sài Gòn đi Biên Hòa; Vinh, Thanh Hóa đi Hà Nội và ngược lại... phát sinh từ việc cắt các chặng dài phục vụ hành khách đi chặng ngắn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đi lại dịp Tết Nguyên đán: Hành khách vẫn cần chủ động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.