(HNM) - Công tác di dời nhà ở trên và ven kênh rạch trên địa bàn TP Hồ Chí Minh diễn ra chậm, không đạt chỉ tiêu đề ra do nguồn kinh phí hạn hẹp. Từ nay đến năm 2020, thành phố có kế hoạch di dời trên 17.000 hộ nhưng phương án di dời hiện vẫn gặp nhiều khó khăn.
TP Hồ Chí Minh đang phải nặng gánh di dời hàng chục nghìn hộ sống ven kênh, rạch. |
Giai đoạn 2006-2010, TP Hồ Chí Minh đề ra mục tiêu phải di dời 15.000 hộ dân sống trên và ven thuộc 4 tuyến kênh rạch nội đô. Tuy nhiên, kế hoạch này gần như bị "phá sản" khi thành phố chỉ di dời được khoảng 5.000 hộ. Đến năm 2015, thành phố cũng chỉ di dời được khoảng trên 5.000 hộ. Tính chung 10 năm (2006-2015), thành phố di dời tổng cộng khoảng 10.800 hộ. Như vậy, trung bình mỗi năm thành phố di dời trên 1.000 hộ, đạt trên 70% mục tiêu đề ra. Theo UBND TP Hồ Chí Minh, nguyên nhân được cho là trong giai đoạn đó đã xảy ra khủng hoảng kinh tế, thị trường bất động sản đóng băng, nguồn thu ngân sách hạn hẹp vì chương trình chủ yếu chỉ dựa vào vốn ngân sách. Bên cạnh đó, thành phố lại đang tập trung vào các dự án trọng điểm hơn như đầu tư hạ tầng giao thông, hệ thống thoát nước; đồng thời còn gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng, công tác hậu di dời khiến nhiều dự án chậm trễ.
Không dừng lại ở đó, theo Sở Xây dựng, sau 10 năm thực hiện công tác di dời, số lượng nhà trên và ven kênh phát sinh thêm từ 15.000 hộ lên gần 20.800 hộ. Mới đây, cơ quan này cũng đã phối hợp với UBND quận, huyện tiến hành rà soát thực trạng nhà ở tạm bợ, lụp xụp tại các tuyến kênh rạch trên địa bàn, kết quả ghi nhận đã phát sinh thêm trên 7.000 hộ. Như vậy, ngoại trừ 10.800 hộ đã di dời, đến thời điểm này thành phố còn hơn 17.000 hộ cần phải di dời trong thời gian tới. Các trường hợp di dời này chưa bao gồm dân sống ở 67 tuyến kênh rạch khác chưa có số liệu thống kê chính thức.
Theo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh, giai đoạn 2016-2020, việc di dời với số lượng hơn 17.000 hộ là rất khó và không khả thi. Chính vì vậy, cơ quan này đề xuất trong 5 năm tới chỉ nên tập trung di dời khoảng trên 11.000 hộ sống trên và ven các tuyến kênh trọng điểm như Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, Kênh Tẻ, kênh Văn Thánh, rạch Bùi Hữu Nghĩa, rạch Xuyên Tâm, rạch Bàu Trâu, kênh Thanh Đa... Sở Xây dựng cũng dự tính, kinh phí để di dời số hộ trên khoảng hơn 12.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc huy động nguồn vốn ngoài ngân sách để phục vụ công tác này rất khó khăn, khó kêu gọi tư nhân tham gia do chính sách dành cho nhà đầu tư chưa thật sự hấp dẫn. Trong khi đó, nhiều dự án hạ tầng có thứ tự ưu tiên khác nhau nên các nguồn vốn chủ yếu được cân đối cho các dự án cấp bách hơn.
Để tạo nguồn kinh phí cho công tác di dời trên, Sở Xây dựng cho rằng, có thể bán quỹ nhà tái định cư và cân đối quỹ đất chưa có nhu cầu sử dụng trên địa bàn thành phố. Theo đó, Sở Xây dựng cũng đã có tờ trình đề xuất bán đấu giá khoảng 8.300 căn hộ và nền đất để có vốn phục vụ di dời nhà ven kênh giai đoạn 2016-2020. Đối với nguồn vốn phục vụ công tác tái định cư hậu di dời, Sở đề xuất thực hiện đa dạng các nguồn vốn, trong đó khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng quỹ nhà. Ngoài ra, một giải pháp cũng được thành phố nghiên cứu, xem xét là đấu giá quỹ đất công để tái đầu tư xây dựng quỹ nhà tái định cư, đồng thời mời gọi các doanh nghiệp tham gia xây dựng quỹ nhà ở sau đó bán lại cho thành phố để phục vụ công tác hậu di dời.
Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, rút kinh nghiệm trong quá trình điều hành, xây dựng, phát triển đô thị, TP Hồ Chí Minh đang ra sức nỗ lực, đặt ra mục tiêu xây dựng thành phố có chất lượng sống tốt, trong đó chiến lược nhà ở là một trong những ưu tiên hàng đầu. "Trong quá trình hội nhập phát triển, TP Hồ Chí Minh phải cố gắng làm sao khắc phục những thiếu sót, tồn tại trong xây dựng đô thị. Vấn đề này đòi hỏi phải huy động trí tuệ của mọi thành phần xã hội để sự phát triển của thành phố mang tính chiến lược và bền vững", ông Lê Hoàng Quân nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.