(HNM) - Nếu xây dựng Đảng là nhiệm vụ “then chốt”, công tác tổ chức cán bộ là nhiệm vụ “then chốt của then chốt”. Thấu suốt tầm quan trọng của nhiệm vụ này, ngành Tổ chức xây dựng Đảng thành phố Hà Nội đã không ngừng phát huy truyền thống vẻ vang của Đảng bộ Thủ đô, phấn đấu, gương mẫu, đi đầu trong công tác, chủ động dám nghĩ, dám làm để đổi mới.
Dấu ấn xuyên suốt
Ngay sau khi được thành lập, Đảng bộ thành phố Hà Nội đã quan tâm chăm lo công tác tổ chức cán bộ và đã làm rất tốt công tác này. Từ chỗ chỉ có một số cán bộ cốt cán, Đảng bộ đã không ngừng lớn mạnh. Trước các đòn khủng bố của thực dân Pháp, nhiều cán bộ, đảng viên kiên trung bị bắt. Nhưng đồng chí này bị bắt, lại có đồng chí khác thay thế; tổ chức mỗi lần bị chống phá, nhanh chóng được xây dựng lại ngay.
Trong hành trình phát triển, Đảng bộ thành phố đã khẳng định sự lớn mạnh của tổ chức và đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên. Đến năm 1959, ở Đại hội lần thứ I, Đảng bộ thành phố đã có 12.000 đảng viên. Đến Đại hội lần thứ II diễn ra đầu năm 1961, số lượng đảng viên đã tăng lên thành hơn 20.000 đồng chí.
Trong khi đó, sự ra đời của Đảng ta và của Đảng bộ Hà Nội và cao trào cách mạng 1930-1931 đã tác động sâu sắc đến Hà Đông - Sơn Tây. Sau khi hình thành tổ chức Đảng đầu tiên (tháng 5-1930, Chi bộ Đảng Đông Phù (Thanh Trì) - chi bộ đầu tiên của Đảng bộ Hà Đông ra đời; đầu năm 1938, Chi bộ dự bị Đa Phúc được công nhận là cơ sở Đảng đầu tiên trên đất Sơn Tây), Đảng bộ Hà Đông, Sơn Tây đã không ngừng lớn mạnh, củng cố lực lượng và phát huy vai trò lãnh đạo cách mạng ở địa phương.
Đến Đại hội đầu tiên sau khi đất nước thống nhất, tháng 1-1976, số lượng đảng viên Đảng bộ thành phố Hà Nội đã là 67.000 đồng chí. Sau khi thực hiện Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 ngày 29-5-2008 của Quốc hội khóa XII về “Điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, cùng với kết quả nổi bật về công tác phát triển đảng viên (hằng năm kết nạp mới 9.000-10.000 đồng chí), đến nay, số lượng đảng viên toàn Đảng bộ đã lên tới hơn 470.000 đồng chí, chiếm khoảng 9% tổng số đảng viên cả nước.
Cùng với sự phát triển mạnh về quy mô, số lượng, Đảng bộ Hà Nội luôn gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, có nhiều đổi mới, sáng tạo trong công tác tổ chức xây dựng Đảng. Năm 1964, Đảng bộ thành phố triển khai cuộc vận động xây dựng chi bộ “bốn tốt”, tác động tích cực đến sự lãnh đạo phong trào cách mạng; đồng thời tạo nguồn cho công tác phát triển Đảng. Trong 5 năm sau đó, thành phố đã kết nạp thêm hơn 20.000 đảng viên mới… Ngày 20-9-1975, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ra Nghị quyết số 22 về “Cải tiến việc phân công và phân cấp quản lý cán bộ”. Thực hiện nghị quyết này, hàng nghìn cán bộ đã được đào tạo về lý luận chính trị. Tỷ lệ cán bộ trẻ cũng tăng từ 20% năm 1974 lên 27% năm 1975. Tỷ lệ cán bộ khoa học - kỹ thuật cũng tăng từ 12% lên 27%...
Chủ động tìm tòi, sáng tạo
Tiếp nối và phát huy truyền thống của Đảng bộ thành phố, ngành Tổ chức xây dựng Đảng thành phố Hà Nội luôn đi đầu tìm tòi đổi mới, sáng tạo. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XVII Đảng bộ thành phố đến nay, Ban Tổ chức Thành ủy đã tập trung chủ trì, tham mưu ban hành 1 nghị quyết, 1 chương trình, 1 đề tài khoa học, 10 đề án, 20 quy chế, quy định và 4 hướng dẫn về công tác tổ chức xây dựng Đảng. Tất cả đều thể hiện rõ tinh thần đổi mới.
Nổi bật là, nhằm nâng cao chất lượng công tác cán bộ, Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu xây dựng Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 31-5-2021 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII về “Tập trung xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo”. Nghị quyết đề ra các giải pháp quyết liệt nhằm siết chặt kỷ cương kỷ luật, nâng cao chất lượng các khâu của công tác cán bộ, nhất là đánh giá cán bộ, điều động luân chuyển và bổ nhiệm cán bộ, bảo đảm đặt cán bộ ở đúng vị trí sở trường, kiên quyết xử lý cán bộ sai phạm, cán bộ yếu kém, mất uy tín, tín nhiệm... Đến nay, toàn thành phố đã có 28/30 bí thư cấp ủy cấp huyện và 21/30 chủ tịch UBND cấp huyện không phải người địa phương.
Cùng với đó, Ban Tổ chức Thành ủy tiếp tục tham mưu đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đánh giá cán bộ hằng tháng, tập trung vào 2 giải pháp. Đó là ứng dụng phần mềm vào công tác đánh giá vừa tiết kiệm thời gian, giấy tờ, vừa bảo đảm liên thông, đồng thời đánh giá gắn với kế hoạch công tác, lấy “thước đo” là sản phẩm, là kết quả công việc cụ thể. Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu với Ban Thường vụ Thành ủy sửa đổi, bổ sung 9 nội dung “Quy định đánh giá, xếp loại hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức, lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị thành phố Hà Nội”, xác định đúng chủ thể đánh giá, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền.
Ngành Tổ chức xây dựng Đảng thành phố còn chú trọng nắm bắt tình hình, đi sâu, đi sát cơ sở với trọng tâm là việc rà soát, đánh giá thường xuyên tình hình chi bộ, tổ chức cơ sở Đảng để lập “bản đồ” những đơn vị yếu kém, đưa vào danh sách theo dõi, thường xuyên đôn đốc, hướng dẫn củng cố. Ban Tổ chức Thành ủy đã tổ chức nghiên cứu khoa học, trên cơ sở đó đề xuất với Ban Thường vụ Thành ủy ban hành nhiều đề án, quy định, kế hoạch mới quan trọng, tập trung đổi mới đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo vị trí chức danh, vị trí việc làm; rà soát, luân chuyển, điều động, chuyển đổi vị trí công tác cán bộ; đổi mới sinh hoạt chi bộ; nâng cao chất lượng kết nạp, quản lý, thực hiện sàng lọc đảng viên...
Năm 2022, Ban Tổ chức Thành ủy đã cụ thể hóa xây dựng các chương trình, quy định, đề án quan trọng về công tác tổ chức xây dựng Đảng bảo đảm chất lượng, tiến độ; hoàn thành 14/14 nhiệm vụ trình Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, Thường trực, Ban Thường vụ Thành ủy (đạt 100%). Trong đó, Ban đã chủ trì tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy gợi ý kiểm điểm sâu năm 2022 đối với 29 tập thể, các cá nhân có liên quan (số lượng lớn nhất trong hai nhiệm kỳ qua).
Tiếp tục trên tinh thần đổi mới, sáng tạo, Ban Tổ chức Thành ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Đề án số 21-ĐA/TU thí điểm đổi mới thi tuyển chức danh lãnh đạo cấp phòng thuộc các ban Đảng, Văn phòng Thành ủy, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể thành phố, Báo Hànộimới, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong. Vừa qua, Ban Tổ chức Thành ủy đã gương mẫu thực hiện trước với 2 đợt thi, tuyển được 5 vị trí trưởng, phó phòng.
Ngành Tổ chức xây dựng Đảng thành phố còn đi đầu trong triển khai ứng dụng phần mềm vào công tác; mới đây nhất là phần mềm “Sổ tay đảng viên điện tử” và “Điều hành tác nghiệp quản lý đảng viên”…
Có thể nói, với những kết quả rõ nét, truyền thống vẻ vang của ngành Tổ chức xây dựng Đảng, của Đảng bộ Thủ đô đã được các cán bộ ngành Tổ chức xây dựng Đảng thành phố tiếp nối và phát huy mạnh mẽ, sâu sắc và hiệu quả. Đây là cơ sở để Đảng bộ thành phố tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra từ nay đến hết nhiệm kỳ 2020-2025 và những năm tiếp theo, xây dựng Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.