Theo dõi Báo Hànộimới trên

Design – Thế mạnh của nền kinh tế tri thức Hàn Quốc

Nguyễn Thu Thủy| 14/07/2011 15:00

(HNNN)- Trong hai ngày 8 & 9/7 vừa qua tại Hà Nội, Ủy ban UNESCO Hàn Quốc phối hợp với Văn phòng giáo dục UNESCO khu vực châu Á Thái Bình Dương và Ủy ban UNESCO Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội đã tổ chức Diễn đàn chuyên gia Việt Nam- Hàn Quốc nhằm nâng cao năng lực thiết kế.



(HNNN)- Trong hai ngày 8 & 9/7 vừa qua tại Hà Nội, Ủy ban UNESCO Hàn Quốc phối hợp với Văn phòng giáo dục UNESCO khu vực châu Á Thái Bình Dương và Ủy ban UNESCO Việt Nam, Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội đã tổ chức Diễn đàn chuyên gia Việt Nam - Hàn Quốc nhằm nâng cao năng lực thiết kế.

Tham gia diễn đàn có ngài Kim Gwang-jo, Trưởng đại diện-Văn phòng Giáo dục UNESCO khu vực châu Á-TBD, Giáo sư Baik Jong Won từ trường Đại học Thiết kế Mỹ thuật Kye Won, Giáo sư khoa Công nghiệp thiết kế Lee Eun Jong từ trường Đại học Han Dong, Giáo sư Nah Ken từ Viện Đào tạo sau Đại học Thiết kế Quốc tế trường Đại học Hongik ; phía Việt Nam có họa sĩ Ngô Anh Cơ, Phó hiệu trưởng trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, họa sĩ Hồ Trọng Minh - Đại học Mỹ thuật Việt Nam, nhà thiết kế Lê Quý Hải và họa sĩ Trịnh Tuân- giảng viên trường ĐH Mỹ thuật Công nghiệp, Họa sĩ nhà báo Nguyễn Thu Thủy – Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hà Nội. Thông qua diễn đàn này, các giáo sư và nghệ sĩ của Hàn Quốc và Việt Nam đã trao đổi các kinh nghiệm về việc thúc đẩy vai trò của Thiết kế trong phát triển kinh tế và văn hóa xã hội hiện nay. Hai bên cùng đưa ra những gợi ý và ý tưởng cho chương trình hợp tác Thiết kế Việt Nam- Hàn Quốc.

Nhà báo, họa sỹ Thu Thủy đọc tham luận về tính mỹ thuật ứng dụng tại cuộc Hội thảo


Thuật ngữ Design-Thiết kế thuộc lĩnh vực Mỹ thuật ứng dụng, là nghệ thuật thị giác có vai trò thẩm mỹ hóa toàn bộ sản phẩm xã hội, nâng cao trình độ thẩm mỹ của người dân và góp phần cạnh tranh kinh tế, thể hiện trình độ văn hóa nghệ thuật trong giai đoạn hội nhập, trong xu thế toàn cầu hóa. Một xã hội có nền kinh tế mạnh, có bộ mặt đất nước đẹp thì phải có nhiều hàng hóa sản phẩm mới, chất lượng cao, mẫu mã mới. Vậy thì phải có những nhà thiết kế tâm huyết, có trình độ mỹ thuật, kỹ thuật cao. Giáo sư Nah Ken phân tích: “Bắt đầu từ năm 2008, do ảnh hưởng từ suy thoái kinh tế và cạnh tranh trên toàn cầu, sự thay đổi tình hình kinh tế thế giới khiến các nước phải tận dụng triệt để các tài sản vô hình, hữu hình mình đang sở hữu để chạy đua trong cuộc cạnh tranh không ngừng tạo ra giá trị (lợi ích) mới. Để giành chiến thắng trong cuộc cạnh tranh này, tôi nghĩ rằng có một yếu tố quan trọng đó chính là Thiết kế”.

Thiết kế đã trở thành yếu tố quyết định ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của không chỉ doanh nghiệp mà còn của quốc gia và các thành phố. Thủ đô Thiết kế Thế giới (World Design Capital) do ICSID chủ quản đã thể hiện điều đó. Năm 2007, thủ đô Seoul của Hàn Quốc được bầu chọn là “Thủ đô thiết kế thế giới năm 2010” và các thành phố lớn trên toàn thế giới đã bắt đầu tận dụng thiết kế như một phương tiện chiến lược quan trọng trong việc marketing thành phố, một công cụ đầy hiệu quả để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Điều này đã trở thành cơ hội để thông báo việc mở ra một thời đại “Thiết kế đô thị” (Urban Design).

Trẻ em tập làm các tác phẩm mỹ thuật ứng dụng (Ảnh Tim Maloney)


Hàn Quốc là quốc gia trong top 10 các cường quốc về thiết kế trên thế giới bởi sự hỗ trợ không ngừng của chính phủ cùng các sản phẩm điện tử gia dụng, nhờ vào đội ngũ nhân lực cao cấp, sự phát triển công nghệ số. Viện Xúc tiến Thiết kế Hàn Quốc (Korea Institute of Design Promotion - KIDP) được thành lập từ năm 1970, trong vòng 40 năm qua, đã nỗ lực không ngừng trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thông qua thiết kế. Giáo sư Baik Jong Won nhận định: “Thiết kế đang được sử dụng như một công cụ để thương mại hóa công nghệ kỹ thuật, thể hiện các đặc trưng thiết kế (design identity) và tính riêng biệt của thương hiệu, tạo ra các giá trị mới và mở ra tương lai mới cho doanh nghiệp. Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 1997, Chính phủ và các doanh nghiệp Hàn Quốc đã dự đoán: “Thiết kế sẽ là yếu tố cuối cùng quyết định sự thành bại”, do vậy ngay sau cuộc khủng hoảng họ đã đẩy mạnh đầu tư vào thiết kế. Và kết quả là vào thế kỷ 21, thiết kế đã trở thành lực lượng trọng tâm sáng tạo giá trị tương lai của không chỉ các tập đoàn lớn, các doanh nghiệp nhỏ nhưng có sức cạnh tranh mà còn của cả đất nước Hàn Quốc”.

Ảnh : Tim Maloney


Trong nhiều năm qua, Chính phủ Hàn Quốc chú trọng phát triển Design như một chiến lược phát triển kinh tế và văn hóa. Kết quả của chiến lược này là đầu những năm 1990, từ khoảng 600 công ty thiết kế đã tăng lên con số 3000 công ty trong năm 2010. Nước bạn có hẳn những tổ chức chuyên nghiên cứu và thúc đẩy Thiết kế phát triển như Viện xúc tiến thiết kế Hàn Quốc (KIDP), Hiệp hội Thiết kế Hàn Quốc (KFDA), Trung tâm Xúc tiến Thiết kế Công nghiệp (IDPA), Bộ Kinh tế Tri thức (Ministry of Knowledge Economy)…Chính thành quả của những nỗ lực thúc đẩy Thiết kế phát triển là Hàn Quốc có được những sản phẩm công nghiệp thiết kế đẹp mắt của các hãng KIA, SamSung, LG, Hyundai… các sản phẩm thời trang mà người tiêu dùng ở nhiều nước khác ưa chuộng. Một slogal rất nổi tiếng mà các bạn quảng bá cho ngành thiết kế của đất nước là “Những thiết kế xuất sắc của ngày hôm nay sẽ là di sản văn hóa của mai sau”.

Ảnh : Tim Maloney


Ông Cho Doohyun, Trưởng phòng Phát triển Chính sách, viện Xúc tiến Thiết kế Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm: “Tại Hàn Quốc, chính sách thiết kế đã đạt được thành công ở mức độ nào đó, là nhờ có nền tảng chế độ xúc tiến có đầy đủ cơ sở pháp lý và ý chí mạnh mẽ của chính phủ. Hàn Quốc đã xây dựng luật pháp cho công cuộc phát triển ngành thiết kế, thiết lập cơ quan chuyên ngành là KIDP sau đó thúc đẩy thực hiện dự án. Tại Việt Nam cũng nên có một cơ quan chuyên ngành (dù nhỏ hay lớn) để thúc đẩy việc nghiên cứu, lập chính sách”. Các giáo sư của Hàn Quốc cũng nhận xét rằng nhà tiêu dùng số 1 của thiết kế là doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp không đầu tư cho thiết kế thì không chỉ sự phát triển của chính doanh nghiệp đó mà sự phát triển của ngành công nghiệp cũng chỉ là những bước tiến chậm. Đặc biệt, trong tình hình thị trường coi trọng cá tính hiện nay thì để đạt được sự phát triển kinh tế nhanh chóng, việc sử dụng thiết kế một cách có hiệu quả là điều rất cần thiết.

Tiếp theo diễn đàn của các chuyên gia và nghệ sĩ hai nước Việt Hàn nhằm nâng cao năng lực thiết kế, một cuộc hội thảo về sức sáng tạo trong thiết kế dành cho trẻ em đã được tổ chức hết sức thú vị. 15 em thiếu nhi Hàn Quốc cùng với các em thiếu nhi Việt Nam đã trổ tài thiết kế robot. Những chú robot ngộ nghĩnh do các em thiết kế được gắn động cơ và có thể làm những chiếc chân là những bút dạ màu chuyển động, vẽ thành một bức tranh trừu tượng đẹp mắt.

Trong những năm gần đây, UNESCO không ngừng đề cao vai trò của văn hóa trong phát triển và đưa ra các chính sách và hành động biểu dương sự đóng góp đặc biệt của văn hóa cho quá trình phát triển. Như một phần của nỗ lực này, UNESCO đã đưa các ngành công nghiệp sáng tạo vào chương trình phát triển quốc tế vì chúng không chỉ mang lại lợi nhuận kinh tế mà còn đóng một vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng tính đa dạng văn hóa thông qua thị trường. Các ngành công nghiệp sáng tạo bao gồm từ nghệ thuật truyền thống, nghệ thuật trình diễn, văn học và nghệ thuật thị giác đến các hoạt động như quảng cáo, thiết kế, xuất bản và các hoạt động truyền thông liên quan nằm trên đường cắt giữa nghệ thuật, kinh doanh và công nghệ. Trong số những lĩnh vực nhận biết này, lĩnh vực thiết kế (design) trở thành đầu vào quan trọng của quá trình sản xuất của mọi loại hàng hóa và dịch vụ cũng như đến việc hoàn thiện môi trường sống nói chung. Bài học của Hàn Quốc cho thấy Thiết kế có thể nổi lên như động lực phát triển chính trong nền kinh tế tri thức thế kỷ 21.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Design – Thế mạnh của nền kinh tế tri thức Hàn Quốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.