Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đèo Son: Bao giờ "yên tĩnh" tiếng bom, đạn

HONGVAN| 05/10/2004 11:13

Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn thành phố Quy Nhơn (Bình Định) hàng chục người đã chết không toàn thây do đào tìm phế liệu và đục phá đầu đạn. Thế nhưng, những người chuyên sống bằng cái nghề nguy hiểm này vẫn liều mạng, lén lút lên khu vực Đèo Son, thuộc địa bàn 2 phường Quang Trung và Đống Đa - nơi còn sót lại nhiều phế liệu, bom mìn từ thời chiến tranh để

Chỉ trong một thời gian ngắn, trên địa bàn thành phố Quy Nhơn (Bình Định) hàng chục người đã chết không toàn thây do đào tìm phế liệu và đục phá đầu đạn. Thế nhưng, những người chuyên sống bằng cái nghề nguy hiểm này vẫn liều mạng, lén lút lên khu vực Đèo Son, thuộc địa bàn 2 phường Quang Trung và Đống Đa - nơi còn sót lại nhiều phế liệu, bom mìn từ thời chiến tranh để "đùa giỡn" với tử thần...

Nhật ký của tử thần

...Ngày 13.8.2004, Nguyễn Sơn Tùng, 20 tuổi, ở khu vực 1, phường Quang Trung, TP Quy Nhơn trong khi tìm kiếm sắt phế liệu tại Đèo Son thì một quả đạn pháo phát nổ. Tùng bị đứt một bàn tay, 2 mắt bị hỏng.

Cũng trong tháng 8, Công an phường Quang Trung phát hiện và thu giữ gần 500 đầu đạn các loại, 52 quả đạn pháo 105 ly tại điểm thu mua phế liệu của bà Phan Thị Dung, ngụ ở khu vực 7, phường Bùi Thị Xuân.

Lúc 9h30 sáng ngày 7.9, anh Đặng Văn Út, ở khu vực 6, phường Bùi Thị Xuân chết tại chỗ vì đập đầu đạn M79.

Chiều ngày 7.9, một vụ nổ lớn phát ra từ một mô đá nằm giữa lòng hồ Phú Hòa thuộc tổ 9, khu vực 8, phường Nhơn Phú đã cướp đi sinh mạng của 7 người, 3 người bị thương tật vĩnh viễn.

Ngày 13.9, anh Nguyễn Nhơn, 39 tuổi, ở khu vực 1, phường Đống Đa bị cụt bàn chân trái vì "đụng" phải mìn trong khi đào sắt phế liệu.

Tất cả thảm họa trên đều có xuất xứ từ khu vực Đèo Son.

Chiều 7.9, hàng trăm người dân thành phố Quy Nhơn kinh hoàng khi phải chứng kiến cảnh tượng khủng khiếp. Bên những xác chết không toàn thây là tiếng kêu gào, than khóc của người thân. Một thanh niên lấm lem máu, bùn đất sau một hồi lặn lội thu nhặt xác của những nạn nhân thiệt mạng ở giữa lòng hồ Phú Hòa, thốt lên một câu lạnh tanh: "Tan xác hết rồi. Không một xác chết nào nguyên vẹn". Rồi anh lặng lẽ bỏ đi... Thi thể những nạn nhân được xếp dài trên bờ hồ. Một xác chết không có nửa thân dưới. Một xác chết khác: da thịt bị băm nát, đầu bị dập. Một xác nữa: bay mất tứ chi... Một buổi chiều tang thương.

Ông Tống Văn Mạo ở phường Nhơn Phú thất thần khi nhìn người con trai là Tống Văn Bảo và người cháu Tống Văn Còn nằm bất động dưới một lớp chiếu được phủ vội, kêu la: "Làm sao mà đến nông nỗi thế này, con tôi không thể chết, cháu tôi không thể chết...". Sự nuối tiếc của ông Mạo đã quá muộn. Anh Bảo và anh Còn đã ra đi vĩnh viễn. Trong số 10 nạn nhân hôm ấy có 7 người ở Đồng Xuân (Phú Yên). Sau khi xảy ra sự cố, công an địa phương lập tức liên lạc với thân nhân những người bị nạn đến nhận xác.

Ông Huỳnh Châu Lang đau xé lòng khi 2 người con của ông là Huỳnh Công Phương và Huỳnh Công Hậu cũng bị tan xương nát thịt do vụ nổ. Lời ông ngập chìm trong tiếng khóc uất nghẹn: "Tui nghĩ tụi nó chỉ đi làm công nhân. Ai ngờ chúng nó dại dột làm cái việc tày đình, gây hậu quả tang thương thế này...". Họ đã chết. Không kịp để lại một lời trăn trối.

Thượng tá Phan Minh Hải, Trưởng Công an TP Quy Nhơn cho biết, những nạn nhân này đã lén lút thâm nhập vào khu vực Đèo Son tìm đạn pháo rồi mang ra mô đá giữa hồ Phú Hòa đập để lấy đầu đạn và thuốc súng. Trong lúc làm, một quả đạn pháo 105 ly phát nổ. Máu me vung vãi. Hiện trường vẫn còn 4 quả 105 ly, 3 quả cối 81 ly và một số dụng cụ đập phá đầu đạn...

Vẫn liều "cưa"sự sống

Một tuần sau vụ nổ kinh hoàng làm 7 người tan xác, Đèo Son vẫn chưa yên tĩnh. Trong sương sớm, từng đoàn người mặt mày hốc hác sau một đêm “đánh đu với tử thần”, thất thểu mang từng bao phế liệu, đèn pin kẹp bên hông lục đục đi ra từ phía Đèo Son. Họ đang tự "cưa" đi sự sống của mình.

Anh Thái - một chủ đại lý chuyên thu mua phế liệu cho biết: "Những ngày qua, do bộ đội canh giữ liên tục, nên dân đào tìm phế liệu... né. Chỉ đổ bộ vào ban đêm". Nếu vấp phải mìn thì sao? "Cái ấy không nói trước được", anh Thái chép miệng. Những người bám trụ với cái "nghề" này vẫn bất chấp hiểm nguy. Một "cuốc" liều mạng "đùa giỡn" với tử thần như vậy đem về cho họ một số tiền kha khá. Số tiền ấy, có người dành dụm phụ giúp gia đình. Nhưng cũng có người "nướng" vào số đề, nhậu nhẹt, cá độ...

Anh Thái nói tiếp: "Cái nghề này càng bạo, càng kiếm được nhiều tiền. Phá thành công một quả đạn pháo 105 ly, kiếm gần hai trăm ngàn. "Xử" được 10 quả như thế thì... nhậu tới bến". Nhậu "tới bến" đâu chưa thấy, chỉ thấy nhiều người đã vĩnh viễn nằm xuống trong nỗi đau thương, tiếc nuối vô hạn của người thân.

Đi tìm sự bình yên

Thượng tá Nguyễn Thanh An, Phó chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định cho biết khu vực Đèo Son nguyên là căn cứ tàng trữ bom đạn của Mỹ ngụy thời chiến tranh, nên phế liệu và số bom đạn rơi vãi còn sót lại rất nhiều. Nhận thức được mối nguy hiểm, sau khi tiếp quản khu vực này, Tỉnh đội đã bố trí lực lượng canh phòng. Nhưng do địa hình hiểm trở, chưa thể kiểm soát hết nên những người đi đào phế liệu vẫn tìm mọi cách xâm nhập.

Trước đó, ngày 7.8.2004, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành công điện khẩn số 12, yêu cầu tất cả mọi người không có phận sự không được vào khu vực Đèo Son; giao cho Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh chịu trách nhiệm bố trí lực lượng, cắm biển cấm và quản lý chặt chẽ khu vực ra vào... nhằm bảo đảm tính mạng cho người dân, tránh xảy ra tai nạn. Tuy nhiên, công điện khẩn của Chủ tịch UBND tỉnh dường như nằm ngoài "sự chú ý" của dân đào tìm phế liệu và cũng chưa được cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc. Thượng tá Nguyễn Thanh An nói: "Khu vực Đèo Son rộng tới 135ha, tiếp giáp với nhiều phường như: Quang Trung, Đống Đa, Nhơn Phú...

Tuy nhiên, lực lượng canh phòng chặn chỗ này, người dân lách vào chỗ kia. Rất khó kiểm soát. Chỉ có cách là rà phá triệt để số bom mìn ở khu vực này mới tránh được tai nạn. Nhưng giải quyết nhanh nhất cũng phải mất từ 1 đến 2 năm...".

Những người xem thường mạng sống của mình đã phải chịu hậu quả. Nhưng, để những chuyện đau lòng như đã kể trên xảy ra không thể không nói đến sự quản lý lỏng lẻo của những người có trách nhiệm. Dù đã xảy ra bao nhiêu vụ nổ tang thương, đến nay Đèo Son vẫn chưa "sạch" bom, mìn. Dòng người đào tìm phế liệu vẫn bất chấp hiểm nguy, lén lút cày xới... Bao giờ Đèo Son bình yên vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp.

(Theo TN)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đèo Son: Bao giờ "yên tĩnh" tiếng bom, đạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.