Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đến “Vùng đất của gió” ở Malaysia (tiếp theo)

Nguyễn Ngọc Tiến| 28/05/2013 06:15

(HNM) - Do sự bảo hộ của thực dân Anh kéo dài hơn 80 năm nên văn hóa ở vùng đất này chịu ảnh hưởng của văn hóa Anh. Tuy nhiên, Sabah vẫn giữ được những nét văn hóa riêng do văn hóa đạo Hồi chi phối cuộc sống.

Do sự bảo hộ của thực dân Anh kéo dài hơn 80 năm nên văn hóa ở vùng đất này chịu ảnh hưởng của văn hóa Anh. Tuy nhiên, Sabah vẫn giữ được những nét văn hóa riêng do văn hóa đạo Hồi chi phối cuộc sống. Không ngạc nhiên khi đi trong thị xã Sandakan dễ dàng bắt gặp những tấm panô: "Sandakan Heritage Trail" (con đường di sản Sandakan). Có 11 điểm trên con đường di sản với nhà thờ Hồi giáo, bảo tàng văn hóa dân gian, tín ngưỡng... khiến du khách tò mò. Không chỉ có các công trình xưa cũ, Sandakan ngày nay được bổ sung bằng các công trình tôn giáo và công trình văn hóa mới, trong đó phải kể đến ngôi chùa xây trên một ngọn đồi cao nhìn ra biển, cách trung tâm thị xã không xa. Chùa này do cộng đồng người Hoa góp tiền xây dựng năm 1987. Kiến trúc đơn giản, mái bằng, trang trí bên trong nhiều màu sắc và căn cứ vào cách sắp đặt tượng có thể chắc chắn rằng đạo Phật ở đây theo dòng Tiểu thừa. Đây là nơi sinh hoạt tâm linh của cộng đồng người Hoa và cũng là nơi tham quan của các tộc người khác trong bang và du khách nước ngoài. Một công trình khác phải kể đến là Công viên tưởng niệm Sandakan, nơi ghi công những người Malaysia và người Australia đã hy sinh khi chiến đấu với phát xít Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ II (1942-1945). Nhà tưởng niệm được xây dựng khá đơn giản, nhưng bao quanh là khuôn viên với cây và suối rất đẹp, trang trọng. Đồ vật chủ yếu là ảnh cùng một vài cuốn sách do người Australia viết về những đồng hương của họ tham gia quân đồng minh ngã xuống ở đây. Thế nhưng nó là nơi thu hút khách du lịch bản địa và là điểm đến cho các tour khách nước ngoài, đặc biệt là du khách Australia. Một di tích khác là Agnes Keith house (Nhà của Agnes Keith). Agnes Keith là nữ nhà báo Mỹ, sống ở đây từ năm 1936 đến 1940 và trong thời gian đó bà đã viết một cuốn sách về Sandakan cùng những bài báo đăng trên một số tờ báo Mỹ thời kỳ đó. Căn nhà thuộc loại sang vào thời đó nằm riêng biệt trên một quả đồi. Bên trong gồm những đồ đạc sinh hoạt của gia đình Keith, các bài báo. Hỏi nhân viên trông coi, rằng một nhà báo từng sống ở đây thì có gì đặc biệt mà phải giữ gìn, nhân viên này bảo: "Người Mỹ sao biết Sandakan nếu không có bà ấy?". Ở mũi cực Bắc đảo Borneo còn có đài tưởng niệm Công ty Anh Bắc Borneo (British North Borneo Company), chính công ty này đã mở ra giao thương với các nước tạo cơ hội để Sandakan phát triển, hóa ra họ rất sòng phẳng với lịch sử, tất cả những ai có công đều được họ ghi ơn.

Chợ truyền thống phố Grya ở tỉnh Sandakan.


Sabah có khí hậu nhiệt đới với hai mùa rõ rệt, mùa khô bắt đầu từ tháng 10 và kết thúc vào tháng 3, từ tháng 4 đến tháng 9 là mùa mưa. Chính khí hậu nhiệt đới lại bị bao bọc bởi biển đã tạo ra sự đa dạng sinh học. Tuy nhiên một thời gian dài, rừng ở đây bị chặt phá để lấy đất trồng cọ, động vật bị săn bắt đã đe dọa đến môi trường sống không chỉ của con người mà còn tác động xấu đến động vật trong đó có đười ươi, loài động vật không có ở các quốc gia Đông Nam Á mà chỉ có ở rừng già Sepilok, cách trung tâm Sandakan không xa. Trước nguy cơ do con người gây ra, chính quyền đã xây dựng trung tâm bảo tồn lớn nhất thế giới vào năm 1964 để bảo tồn những con đười ươi mồ côi. Trung tâm bảo tồn nằm trên diện tích 4.300ha rừng Kabili - Sepilok, do Sở Động vật hoang dã Sabah quản lý. Ngoài mục tiêu chính là bảo tồn đười ươi, trung tâm Sepilok còn tập trung vào giáo dục cộng đồng về bảo tồn và nghiên cứu các loài khác đang bị đe dọa tuyệt chủng như tê giác.

Không chỉ bảo tồn động vật, chính phủ và chính quyền bang còn lập dự án bảo vệ cánh rừng dọc theo sông Kinabatangan, con sông dài thứ hai tại Malaysia, với chiều dài 560km bắt nguồn từ vùng núi phía tây nam Sabah, đến cửa sông tại biển Sulu. Rừng hai bên sông Kinabatangan được biết đến với nhiều loài động vật hoang dã cùng hệ sinh thái đầm lầy nước ngọt và đầm lầy nước mặn. Nhờ hỗ trợ tài chính, cung cấp nước sạch, và giáo dục họ ý thức bảo vệ sinh thái nên hệ sinh thái thượng nguồn sông đã bị tàn phá nghiêm trọng dần hồi phục. Các khu rừng đất thấp và đầm lầy ngập mặn gần bờ biển phần lớn đã hồi sinh tạo môi trường sống cho cá sấu nước mặn và động vật hoang dã. Đặc biệt là khỉ vòi bản địa Borneo và đười ươi, voi lùn Bornean, tê giác hai sừng.

Phát triển du lịch biển và rừng

Không có lợi thế về sản xuất công nghiệp nên bang Sabah tận dụng ưu thế biển và rừng, núi để phát triển du lịch và chính quyền coi đó là hướng phát triển chính của bang. Sabah có đường bờ biển dài hơn 1.400km với nhiều đảo nhỏ gần bờ, từ thủ phủ Kota Kinabalu đi canô mất khoảng 45 phút là đến đảo đầu tiên, và từ đảo này qua đảo khác cũng chỉ mất chừng ấy thời gian. Hầu hết các hòn đảo đều được quy hoạch để phục vụ du lịch và bảo tồn động, thực vật quý hiếm. Du khách không chỉ tắm tại những bãi biển cát trắng, sóng mềm, các đơn vị làm du lịch còn tạo ra nhiều thú chơi khác để thu hút và hấp dẫn du khách như lặn biển, bơi thuyền... Trò lặn biển khá hài hước, du khách ngồi trên một chiếc ghế, thở bằng bình ôxy và chui đầu vào trong hộp mica để nhìn biển. Để có thể di chuyển, một nhân viên sẽ kéo khách ra xa. Bên trên có một quả bóng nổi trên mặt nước, nếu nhân viên dắt du khách đi quá phao an toàn, quả bóng sẽ bị chặn lại và họ sẽ đưa khách quay trở lại. Du lịch biển thu hút rất đông du khách Trung Quốc, do tiếng Anh hạn chế nên một trong những tiêu chuẩn để vào làm việc tại các công ty này là phải biết tiếng Hoa. Tại đảo Gayana, gây ấn tượng mạnh cho bất cứ ai đến đây là Eco resort nằm ngay dưới chân núi nhưng gối đầu lên biển. Những dãy nhà nghỉ nhỏ nhắn có kiến trúc theo kiểu nhà truyền thống của dân địa phương, tạo ra phố trên biển. Lãng mạn và thanh bình đến lạ thường. Cạnh dãy nhà nghỉ là Trung tâm Nghiên cứu sinh thái biển, các nhân viên trung tâm cho hay do ngư dân dùng thuốc nổ đánh cá nên những rặng san hô bị tàn phá nghiêm trọng và nhờ trồng lại nên san hô ở đây đã phục hồi. Ở trung tâm này còn nuôi những động vật biển quý hiếm cho du khách tham quan và nó cũng là giáo cụ trực quan giáo dục ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ biển.

Giỏi làm du lịch biển, các công ty du lịch Sabah làm du lịch rừng cũng rất khéo. Ở khu bảo tồn đười ươi Sepilok, họ buộc du khách phải sát trùng tay trước khi vào xem khỉ. Thực ra họ chẳng lo lắng ai đó bắt tay khỉ sẽ lây bệnh sang cho các con vật này mà họ làm vậy ngầm thông báo rằng khỉ của họ rất quý. Họ cho làm cầu gỗ đi vào rừng và dựng sân chờ cho du khách xem khỉ. Họ kéo dài sự chờ đợi và khi du khách bắt đầu nản mới mang thức ăn ra cái bục. Do đã tạo ra phản xạ có điều kiện cho lũ khỉ nên khi có người mang thức ăn đến là các loại khỉ theo các sợi dây leo ra chỗ cho ăn. Khỉ vốn là loài vật tinh khôn và hài hước nên khi ăn chúng chọc ghẹo nhau và đùa nghịch, lúc đó ai mang theo máy ảnh không thể bỏ lỡ cơ hội chụp mấy kiểu. Tour du lịch thành công và với giá vé 30 RM (khoảng 200.000 đồng Việt Nam), ai cũng nghĩ nó không quá đắt khi có những tấm ảnh... khỉ. Làng Sukau cũng là điểm du lịch rừng thú vị và tất nhiên những chú khỉ chuyền từ cành này sang cành kia bên bờ sông nhỏ Miangol cũng là nhân vật trung tâm của tour này. Còn tại Trung tâm Nghiên cứu và khám phá rừng cách thị xã Sandakan 25km, sử dụng lợi thế khu rừng nhiều chim, hằng năm họ đã tổ chức liên hoan chim thu hút sự tham gia của nhiều người đam mê chim trên khắp thế giới. Cung cách liên hoan chim khá đặc biệt, họ chọn mùa sinh sản và cho chim cái vào một chiếc lồng và rất tự nhiên chim đực bay đến tán tỉnh lũ chim cái và từ xa du khách có thể dùng ống nhòm quan sát.

Nhờ biết cách làm du lịch, số lượng du khách đến Malaysia ngày càng tăng. Quốc gia này hy vọng đón 18 triệu khách vào năm 2013, cho dù nền kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đến “Vùng đất của gió” ở Malaysia (tiếp theo)

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.