Bộ Công an sẽ khai trương, đưa vào hoạt động hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống sản xuất, cấp và quản lý căn cước công dân vào ngày 25-2 tới.
Theo Thượng tá Tô Anh Dũng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội kiêm Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư (Bộ Công an), sau khi bấm nút khai trương, mục tiêu đến ngày 1-7-2021 sẽ cấp được 50 triệu thẻ căn cước công dân có gắn chíp điện tử.
"Mục tiêu Bộ Công an đặt ra là 50 triệu thẻ vì một bộ phận người dân chưa đến tuổi cấp; một bộ phận hiện đang dùng chứng minh thư, căn cước công dân cũ còn hiệu lực vẫn được tiếp tục sử dụng. Sau khi bấm nút khai trương hai dự án, Bộ Công an chỉ đạo công an các tỉnh, thành phố cấp căn cước công dân có gắn chíp điện tử trên toàn quốc" - Thượng tá Tô Anh Dũng cho biết.
Hiện nay, cả nước đã cấp hơn 29 nghìn thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, trong đó đã cấp cho 1.369 đại biểu tham dự Đại hội XIII của Đảng. Nhiều tỉnh, thành phố lớn đã có kinh nghiệm trong việc cấp căn cước công dân sẽ đẩy mạnh công tác này, sau đó sẽ tăng cường, hỗ trợ cho các tỉnh còn lại. Như tại Hà Nội, mỗi quận trong mỗi ngày có thể thu thập và cấp cho khoảng 900-1.000 người. Dự kiến, đến tháng 4, Hà Nội có thể hoàn thành việc cấp căn cước công dân có gắn chíp điện tử.
Người dân tạm trú không phải về quê để làm thủ tục
Cũng theo Thượng tá Tô Anh Dũng, việc cấp căn cước công dân sau khi bấm nút khai trương sẽ có những giải pháp tạo thuận lợi cho người dân.
"Nếu như trước đây không cấp cho đối tượng tạm trú, thời gian tới sẽ cấp. Người dân có quê ở các tỉnh, thành khác đến sinh sống, làm việc ở Hà Nội, nếu trước đây người dân tạm trú phải về địa phương, nơi đăng ký thường trú để làm thủ tục cấp căn cước, hiện nay có thể làm thủ tục cấp ở Hà Nội" - Thượng tá Tô Anh Dũng cho biết.
Một thuận lợi nữa là người dân cũng không cần mang nhiều giấy tờ khi làm thủ tục cấp căn cước công dân. Người dân chỉ cần đọc tên, tuổi, địa chỉ, quê quán,... hoặc đọc số chứng minh thư nhân dân cũ là cán bộ tiếp nhận sẽ thao tác trên máy, tra ra thông tin cá nhân. Người dân làm thủ tục chỉ cần thực hiện những bước như: Chụp ảnh, lăn tay, xác định những dấu hiệu nhận dạng... để tiến hành cấp căn cước công dân.
"Đây là những nội dung trước đây chưa xử lý được, sau khi đưa hệ thống dữ liệu dân cư vào hoạt động sẽ có những tiện ích mới này để tạo thuận lợi cho người dân" - Thượng tá Tô Anh Dũng nhấn mạnh.
Đảm bảo dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống"
Thời gian qua, hai dự án quan trọng do Bộ Công an chủ trì đã được đẩy nhanh tiến độ. Bộ Công an đã rà soát, xây dựng, sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật liên quan phục vụ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Bộ Công an đã cơ bản hoàn thành việc thu thập thông tin dân cư trên toàn quốc với 17 trường thông tin theo quy định tại Luật Căn cước công dân; đồng thời triển khai nhiều giải pháp bảo đảm thông tin dân cư chính xác, cập nhật thường xuyên theo nguyên tắc “đúng, đủ, sạch, sống”.
Theo thống kê, đến hết tháng 1-2021, Bộ Công an đã thu thập được hơn 86 triệu phiếu và nhập được hơn 81 triệu phiếu vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được thiết kế để kết nối, cho phép các hệ thống thông tin khác khai thác thông qua nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia NGSP và Cổng dịch vụ công quốc gia. Nhờ đó sẽ tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, giảm chi phí ngân sách nhà nước trong xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Hiện nay, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) - đơn vị được Bộ Công an giao trực tiếp xây dựng, quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đang cùng các cơ quan, đơn vị liên quan thử nghiệm kỹ thuật kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu từ hệ thống này với một số hệ thống thông tin của bộ, ngành, địa phương và các đơn vị của ngành Công an.
Theo Thượng tá Tô Anh Dũng, mục tiêu cuối cùng của dự án là phục vụ nhân dân, đáp ứng nhu cầu cần thiết của nhân dân. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một trong 5 cơ sở dữ liệu gốc của chính phủ điện tử, là nền tảng để xây dựng kinh tế số, xã hội số, làm tiền đề để xây dựng các cơ sở dữ liệu khác.
Để có cơ sở dữ liệu này, lực lượng công an đã thu thập, rà soát, quét dữ liệu của 63 tỉnh. Khối lượng công việc là rất lớn, trong khi mỗi tỉnh, thành, địa phương lại có đặc trưng, văn hóa riêng của vùng miền. Như ở vùng biển, người dân có thể đi biển cả tháng mới về; vùng núi, cán bộ, chiến sĩ phải đi cả ngày mới lên đến nơi, người dân lại ở nương, ở rẫy chứ không ở nhà... nên việc thu thập, rà soát thông tin dân cư gặp nhiều khó khăn. Lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực, làm không quản ngày đêm để dự án đảm bảo tiến độ.
Thời gian qua, Bộ Công an thực hiện chủ trương tăng cường lực lượng công an xã ở cơ sở, qua đó đã góp phần hỗ trợ cho việc thu thập dữ liệu dân cư. Thời gian tới, công an xã cũng là lực lượng chính để dữ liệu thông tin dân cư đảm bảo tiêu chí "sống".
Thượng tá Tô Anh Dũng phân tích, thông tin cá nhân thường xuyên thay đổi và phải đảm bảo luôn luôn được cập nhật. Một người dân nay có thể ở đây, ngày mai có thể ở chỗ khác,... công an xã chính là lực lượng chính để cập nhật thông tin, dữ liệu, để dữ liệu dân cư đảm bảo tiêu chí "sống".
Bộ Công an đã phối hợp với Bộ Tư pháp cấp và trả thành công hơn 4,8 triệu số định danh cá nhân cho trẻ em đăng ký khai sinh từ ngày 1-1-2016 trên toàn quốc. Những số liệu về số sinh, số tử, thông tin người dân thay đổi nơi ở, nơi cư trú... sẽ luôn được cập nhật.
An toàn, an ninh thông tin được đảm bảo ở mức độ cao
Vấn đề an toàn, an ninh thông tin của cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đảm bảo ở mức độ cao về hệ thống máy chủ, thiết bị mạng, bảo mật... Về đường truyền, có 10.527 xác thực/ký số toàn vẹn dữ liệu và bảo mật kênh truyền do Ban Cơ yếu Chính phủ cung cấp. Hệ thống đáp ứng an ninh, an toàn thông tin cấp độ 4.
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam là đơn vị chủ trì về công nghệ cho toàn bộ hai dự án. Theo ông Phạm Đức Long, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), dự án cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một trong những cơ sở dữ liệu quan trọng của đất nước. Đây là cơ sở dữ liệu nền tảng cho việc xây dựng chính phủ điện tử, hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là một bài toán hết sức phức tạp với quy mô lớn và phạm vi rộng. Hệ thống quản lý dữ liệu của hơn 100 triệu người dân, phạm vi sử dụng trên cả nước với hơn 1.500 điểm từ cấp xã, huyện đến trung ương; với lượng người truy nhập vào hệ thống rất lớn.
"Chính vì sự quan trọng và phức tạp như vậy, với vai trò là đối tác chủ trì về công nghệ, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cùng với các đối tác trong liên doanh đã xây dựng và triển khai bài bản, thận trọng nhất của công nghệ tốt nhất và bảo đảm hệ thống được tuân thủ tiêu chuẩn cấp độ 4 về an ninh, an toàn thông tin theo quy định của Chính phủ" - ông Phạm Đức Long cho biết.
Với kinh nghiệm triển khai, nhiều dự án trọng yếu của Chính phủ, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã tập trung tối đa nguồn lực huy động đội ngũ kỹ sư có trình độ cao nhất của tập đoàn và 63 tỉnh, thành phố cùng các đối tác trong liên doanh quyết liệt triển khai dự án với tiến độ và hiệu quả tốt nhất. Trong vòng 5 tháng (từ tháng 9-2020 đến tháng 2-2021), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam đã triển khai xong toàn bộ hạ tầng kết nối, tích hợp hệ thống và triển khai các phần mềm ứng dụng cũng như tổ chức đào tạo, huấn luyện cho hơn 23.000 cán bộ, chiến sĩ công an sử dụng hệ thống.
"Có thể khẳng định, đến nay, công tác chuẩn bị về hạ tầng công nghệ và kỹ thuật để đưa hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào vận hành đã sẵn sàng" - ông Phạm Đức Long nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.