Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đến năm 2030, trên 90% ngành công nghiệp Hà Nội là chế biến, chế tạo

Võ Lâm| 11/09/2020 12:03

(HNMO) - Phấn đấu đến năm 2030, Hà Nội hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa; trở thành thành phố có ngành công nghiệp theo hướng hiện đại; phát triển các ngành sản xuất công nghiệp có chọn lọc, đột phá vào những ngành, sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, có hàm lượng chất xám cao, làm cơ sở phát triển kinh tế tri thức; là động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cả nước.

Đến năm 2030, tỷ trọng giá trị công nghiệp chiếm trên 70% giá trị lĩnh vực công nghiệp xây dựng. Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm trên 90%.

Đây là nội dung được nêu trong Kế hoạch số 204-KH/TU ngày 10-9-2020 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TƯ ngày 22-3-2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Hà Nội cũng phấn đấu đến năm 2030, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong các ngành chế biến, chế tạo đạt tối thiểu là 80%. Tốc độ tăng trưởng giá trị gia tăng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng đạt bình quân trên 9-10%/năm, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo đạt bình quân trên 9%/năm. Tốc độ tăng năng suất lao động đạt bình quân trên 7,5%/năm.

Đặc biệt, Hà Nội phấn đấu xây dựng một số cụm liên kết ngành công nghiệp, doanh nghiệp công nghiệp trong nước có quy mô lớn, đa quốc gia, có năng lực cạnh tranh quốc tế.

Thành phố cũng xác định tầm nhìn đến năm 2045, trở thành thành phố công nghiệp phát triển hiện đại của khu vực và quốc tế, là trung tâm công nghệ thông tin của cả nước; tăng hàm lượng khoa học, công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa của sản phẩm công nghiệp; phát triển mạnh các ngành, các sản phẩm công nghiệp vượt trội có lợi thế cạnh tranh, tác dụng dẫn đường thúc đẩy phát triển kinh tế tri thức; tham gia hiệu quả vào các chuỗi giá trị gia tăng và mạng phân phối toàn cầu.

Kế hoạch nêu rõ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và 5 nội dung phân công tổ chức thực hiện. Đáng chú ý, thành phố sẽ tập trung phân bố không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp; phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển công nghiệp; phát triển doanh nghiệp công nghiệp, nguồn nhân lực công nghiệp; xây dựng chính sách khoa học và công nghệ cho phát triển công nghiệp...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đến năm 2030, trên 90% ngành công nghiệp Hà Nội là chế biến, chế tạo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.