Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đến hẹn lại… khát

Triệu Dương| 30/05/2013 06:55

(HNM) - Từ khi vào hè đến nay, người dân khu vực ngoài đê sông Hồng luôn sống trong tình trạng


"Khu Hàm Tử Quan đã mất nước gần nửa tháng nay rồi. Đề nghị Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội nếu muốn tăng giá thì cứ tăng, nhưng phải bảo đảm nhu cầu nước sinh hoạt cho dân, chứ mất nước thì sao chịu được. Anh Nguyễn Văn Dũng một người dân phố Hàm Tử Quan bức xúc cho biết. Sống ngay gần đó, anh Phạm Hoàng Hà, tổ 62 phường Chương Dương cũng phàn nàn: Khu nhà chúng tôi 10 ngày nay hầu như không có nước, nằm trong số các khu dân cư được nêu trên một số tờ báo về tình trạng không có nước. Chúng tôi khẩn thiết đề nghị công ty nước sạch sớm khắc phục sự cố và cung cấp nước trở lại cho các hộ gia đình. Chị Trần Thị Sơn ở nhà B5 tập thể Trung ương Đoàn (Cầu Giấy) cho biết vừa trải qua đợt mất nước kinh hoàng dài hơn 10 ngày, dân kêu quá, hôm qua nước mới tậm tịt trở lại, khi có khi không. Nhưng "ngày vui ngắn chẳng tày gang" người dân ở đây lại vừa được thông báo: "Sắp sửa chữa đường ống nên tình trạng mất nước sẽ còn kéo dài".

Máy bơm của một gia đình ở Đầm Trấu lúc nào cũng trong tình trạng trực chiến nhưng chẳng có một giọt nước.



Cách Hồ Gươm chưa đầy 2km, người dân khu Đầm Trấu lâu nay vẫn phải làm cái việc cực chẳng đã là thức khuya dậy sớm, huy động xô chậu và bất cứ đồ vật gì có thể chứa được nước để trông ngóng bên chiếc máy bơm hứng từng giọt nước sinh hoạt. Ông Lê Hữu Phương, nhà 7A11, năm nay 77 tuổi nhưng hằng ngày vẫn phải cùng con cháu chạy lên chạy xuống khắp mấy tầng để xem kim đồng hồ nước có nhúc nhích không, hễ kim đồng hồ ngọ nguậy là cụ hể hả cắm máy bơm, xong ngồi đó canh vì sợ cháy máy bơm nếu không có nước. Từ đầu hè đến giờ, cụ Phương vẫn phải "tập thể dục" theo kiểu cực chẳng đã như vậy.

Hiện tượng cứ đến hè bị mất nước ở khu Đầm Trấu xảy ra đã nhiều năm nhưng không được khắc phục triệt để, riêng năm nay thì lại xảy ra quá sớm, mới Tết ra đã mất nước liên tục và trên diện rộng. Nhiều hộ dân Đầm Trấu đã phải thức đêm mà canh nước để bơm. Gia đình nào cũng lắp thêm nhiều ống phụ để kích cho máy bơm hoạt động hết công suất mà chẳng ăn thua. Khi báo chí nêu về tình trạng hơn 600 hộ dân Đầm Trấu mất nước, ngành nước lại cung cấp đầy đủ ngay, nhưng cũng chỉ được dăm ba bữa lại đâu vào đấy, nhiều gia đình đã phải chấp nhận mua nước từ xe téc với giá… cắt cổ. Cùng chung cơn khát với Đầm Trấu, còn có nhiều điểm "cháy nước" khác như Khu đô thị Dịch Vọng, phường Chương Dương, ngõ Chợ Khâm Thiên…

Có hay không chuyện bảo kê cấp nước ở Đầm Trấu?

Ở những khu vực thường xuyên mất nước nói trên đến nay chưa có xe téc ra vào mỗi ngày để bán nước sinh hoạt, dù là bán với giá cao. Nhưng riêng khu Đầm Trấu, nước sinh hoạt bỗng trở nên "quý hơn vàng" khi ngày ngày có cả xe téc vào bán cho từng hộ dân với giá "cắt cổ". Tuy nhiên, không phải cứ có tiền là có xe mang nước đến tận nơi để nối vòi vào thẳng bể chứa. Theo nhiều hộ dân cho biết, muốn mua được nước phải có quen biết với "lãnh đạo ngành nước" quận Hai Bà Trưng, và dường như đã có sự bảo kê "ngầm" ở đây. Ông Nguyễn Văn Thắng ở số 5A11 Đầm Trấu xác nhận, xe téc vẫn ra vào bán với giá 1,4 - 1,8 triệu đồng/xe. Nhưng oái ăm ở chỗ nếu 2 - 3 hộ muốn mua chung thì không được, cứ phải mỗi nhà mua một xe, nếu không "thuận mua vừa bán" là lái xe nguây nguẩy bỏ đi. Nhiều người dân bất bình về hiện tượng trên đã bí mật ghi hình điều tra và bước đầu làm rõ, những xe téc này từ các quận khác sang, chính vì thế mới có cái giá đắt gấp đôi so với mua nước dịch vụ của quận Hai Bà Trưng. Thế nên người dân mới đặt câu hỏi: Có hay không chuyện ngành nước Hai Bà Trưng cố tình cắt nước sinh hoạt và "bảo kê" cho xe chuyên dụng chở nước từ những địa bàn khác như Đống Đa, Ba Đình… đến Đầm Trấu để kinh doanh thu lời lớn?

Đem nghi vấn này hỏi ông Phùng Ngọc Minh, Giám đốc Xí nghiệp Kinh doanh nước sạch Hai Bà Trưng, ông Minh trả lời: "Năm nào chúng tôi cũng nhận được bức xúc của bà con khu Đầm Trấu. Những giải pháp kỹ thuật khắc phục đưa nước qua đê và lên khu vực cao từ Nhà máy Nước Lương Yên để phối hợp với Trạm bơm Vân Đồn phục vụ bà con cũng phải được tính toán phù hợp với tất cả những khu vực khác vẫn được áp dụng là phân khu theo giờ để bơm nước. Kèm theo đó thì xe téc của xí nghiệp cũng sẵn sàng phục vụ nhu cầu tối thiểu của bà con khi tổ dân phố có yêu cầu". Theo ông Minh điều này là sự "cải tiến" lớn bởi trước đây muốn xe téc phục vụ phải có ý kiến của lãnh đạo phường. Lý giải về có hay không hiện tượng "bảo kê" để bán nước sạch với giá cắt cổ, ông Minh khẳng định hiện toàn bộ xí nghiệp mới có một xe ô tô chuyên dụng sơn màu xanh BKS 29S - 2615, in logo ngành nước, nếu không phải xe mang BKS trên ra vào khu vực Đầm Trấu chắc chắn là xe mạo danh xí nghiệp. Xe bán nước mà dân ghi hình được không phải là xe của xí nghiệp. Vậy là đã rõ, vì quá thiếu phương tiện nên ở quận Hai Bà Trưng đã xảy ra tình trạng bán nước "lậu" để trục lợi. Và tất nhiên người chịu thiệt không ai khác chính là những hộ dân đang sinh sống ở đây.

Mới vào hè, UBND thành phố liên tục nhận được phản ánh của người dân về tình trạng không có nước sạch nhiều ngày. Trong số đó có 45 hộ tại tổ 26, khu dân cư 7, phường Quảng An, (quận Tây Hồ); 100 hộ tại các tổ 43, 45, 46 phường Quan Hoa; tại tòa nhà B10A, Khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy); các hộ dân ở tổ 62, phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm); các hộ dân ngõ 354 Trường Chinh, ngõ Chợ Khâm Thiên, (quận Đống Đa);… đặc biệt là 2.000 hộ dân xã Ngọc Mỹ, (huyện Quốc Oai) hiện vẫn phải dùng nước ao tù…

Trước những bức xúc của người dân về tình trạng nhiều khu vực bị mất nước sinh hoạt, mới đây Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã có buổi làm việc với các công ty nước sạch trên địa bàn thành phố về kế hoạch cấp nước hè năm 2013. Tại buổi làm việc, đại diện các công ty có nhiều lý do để biện minh cho những yếu kém của mình, đó là nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ nước tăng đột biến khiến lượng nước đến cuối nguồn bị giảm sút rõ rệt, vì vậy những khu dân cư cuối ngõ, cốt nền cao bị thiếu nước. Giá nước sinh hoạt trên địa bàn Hà Nội hiện nay quá thấp so với các đô thị trên cả nước, dẫn đến tình trạng sử dụng lãng phí và gây thất thoát nhiều, các công ty kiến nghị thành phố nên có lộ trình điều chỉnh giá hợp lý để đáp ứng chi phí sản xuất hiện nay; đề nghị thành phố chỉ đạo Sở Công thương và Tổng Công ty Điện lực Hà Nội ưu tiên cấp điện ổn định, không cắt điện các nhà máy sản xuất nước và các trạm bơm tăng áp…

Tuy nhiên, dù có lý do gì đi nữa, để nhiều khu dân cư phải khốn khổ vì thiếu nước sinh hoạt, trách nhiệm trước hết thuộc về các đơn vị cung cấp nước sạch. Điều đáng nói là nguyên nhân cũng như nhiều điểm thường xuyên "khát" nước sạch không phải là mới, vậy mà không hiểu vì sao từ nhiều năm nay ngành nước vẫn chưa có biện pháp khắc phục triệt để?

UBND TP Hà Nội đã có văn bản truyền đạt kết luận của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo tại buổi kiểm tra, làm việc với các đơn vị cung ứng nước sạch. Theo đó, đối với các dự án cấp nước hai bên Đại lộ Thăng Long, giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với Sở NN&PTNT, Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội rà soát, khu vực nào có dự án cấp nước đã bố trí được nguồn vốn thì cho phép triển khai ngay… Thành phố cũng thống nhất với Tổng Công ty CP Vinaconex triển khai đầu tư tuyến ống cấp nước số 2 dọc Đại lộ Thăng Long từ Hòa Bình về Hà Nội. Vinaconex thực hiện ngay việc bổ sung thêm 20.000m3 nước/ngày đêm cho khu vực nội thành (phạm vi do Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội quản lý, đang sử dụng 40.000m3 nước sông Đà/ngày đêm). Hiện mới chỉ có một đường truyền dẫn từ Hòa Bình về Hà Nội nên khi xảy ra sự cố, phạm vi ảnh hưởng diễn ra trên diện rộng.

Khánh Khoa
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đến hẹn lại… khát

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.