Đền Đô thuộc làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh, là nơi thờ 8 vị vua nhà Lý nên được gọi là đền Lý Bát Đế. Theo phong thủy, Đình Bảng là đất gối đầu của 8 con rồng và rất ngẫu nhiên ứng với 8 vị vua nhà Lý trị vì đất nước. Lý Thái Tổ lên ngôi vua mở đầu vương triều Lý kéo dài 216 năm.
Hát quan họ tại lễ hội Đền Đô
Việc lớn đầu tiên khi Lý Công Uẩn lên ngôi vua là dời đô ra Đại La. Ông thấy Hoa Lư chật hẹp, kinh tế nông, công, thương còn thấp kém, giao thông vận tải gặp rất nhiều khó khăn, vị trí giao thông của sông Đáy đã giảm sút “không đủ làm chỗ ở của đế vương, muốn dời đô đi nơi khác”. Ngày rằm tháng 3 năm Canh Tuất 1010, vua Lý Thái Tổ viết Chiếu dời đô, nhưng đến tận mùa thu năm Canh Tuất mới chính thức chuyển đô từ Hoa Lư về thành Đại La để xây dựng nên kinh đô Thăng Long. Sử cũ ghi rằng: “Mùa thu năm Canh Tuất - 1010, nhà vua dời kinh đô từ thành Hoa Lư sang kinh đô lớn là Đại La của Kinh Phủ. Thuyền tạm đỗ dưới thành, có rồng vàng hiện lên thuyền ngự, vì thế đổi là thành Thăng Long...”. 995 năm đã trôi qua, ý nghĩa Chiếu dời đô của Lý Thái Tổ vẫn còn nguyên giá trị, thực sự là một bản tuyên ngôn chính xác về địa lý chiến lược, kinh tế, chính trị, văn hóa, đánh dấu một bước phát triển mới trong lịch sử xây dựng đất nước của dân tộc ta. “Huống gì thành Đại La, kinh đô cũ của Cao Vương ở vào nơi trung tâm trời đất, được cái thế rồng cuộn hổ ngồi. Đã đúng ngôi Nam Bắc Đông Tây lại tiện hướng nhìn sông dựa núi. Địa thế rộng mà bằng, đất đai cao mà thoáng. Dân cư khỏi phải chịu cảnh thống khổ ngập lụt; muôn vật cũng rất mực phong phú tốt tươi. Xem khắp đất Việt ta, chỉ nơi này là thắng địa. Thật là chốn tụ hội trọng yếu của bốn phương đất nước, cũng là nơi kinh đô bậc nhất của đế vương muôn đời”. Bằng con mắt có tầm nhìn chiến lược về sự phát triển của dân tộc, Lý Thái Tổ đã định đô Thăng Long và riêng sự đặt tên kinh đô mới là Thăng Long - rồng bay lên đã tạo hùng khí phát triển cho cả đất nước, để dân chúng đời đời được no ấm, thiên hạ thái bình. Vị vua anh minh, tài giỏi này đã “tính kế cho muôn đời”, cho thế hệ chúng ta hôm nay và con cháu chúng ta mai sau. Các vị vua Lý đã có nhiều đóng góp xây dựng đất nước hưng thịnh, phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nâng cao dân trí, coi trọng pháp luật, xây dựng Quốc Tử Giám - trường đại học đầu tiên của nước ta, chiến thắng giặc ngoại xâm bảo vệ vững chắc Tổ quốc...
Gần 1000 năm sau, đất nước chúng ta lại có Bác Hồ. Người đã đưa dân tộc chúng ta thoát khỏi ách thống trị của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, mở đầu một thời đại mới của dân tộc - thời đại Hồ Chí Minh. Tuyên ngôn Độc lập năm 1945 là áng văn lập quốc vĩ đại, kiệt tác về tư tưởng, lý luận của Hồ Chí Minh, bản tổng kết những giá trị tinh thần của cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc của nhân dân ta, chấm dứt hệ thống thực dân cũ và mới, đồng thời cũng là lời tuyên ngôn mở đầu kỷ nguyên độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Việt Nam. Với hùng khí rồng bay lên, lớp con cháu đã tiếp bước cha ông xây dựng đất nước phồn thịnh, kinh tế phát triển, đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...
Bác Hồ kính yêu sau nhiều năm bôn ba tìm đường cứu nước đã về Đền Đô dâng hương tưởng nhớ công đức của các vị vua nhà Lý. Bác là người nêu gương sáng uống nước nhớ nguồn. Bác cùng Quốc hội thống nhất chọn Hà Nội làm thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa và bây giờ là nước CHXHCN Việt Nam. Thăng Long - Hà Nội mãi mãi là trái tim của Tổ quốc thân yêu, là Thành phố Vì hòa bình, là Thủ đô Anh hùng, thủ đô của những phẩm giá con người.
Vào mỗi dịp đầu xuân, mọi người hành hương về Đền Đô tưởng nhớ những vị vua nhà Lý, những người xây dựng nên non sông Đại Việt cường thịnh, tưởng nhớ Bác Hồ của chúng ta. Đền Đô vinh dự 4 lần được đón Bác Hồ và các đoàn lãnh đạo Đảng và Nhà nước về thăm. Bác Hồ về lần đầu vào 13-9-1945, trong buổi nói chuyện với nhân dân nơi đây, Bác đã căn dặn: “Hôm nay, thay mặt Chính phủ, tôi về Đình Bảng thăm đồng bào và cùng đồng bào tưởng nhớ công ơn của Lý Bát đế. Hơn 80 năm qua, nước nhà bị thực dân Pháp thống trị, dân ta bị bóc lột đến tận xương tủy. Nhờ có cách mạng thành công mà nước nhà được độc lập, dân ta được tự do... Đình Bảng vốn có truyền thống cách mạng, cần phát huy để xứng là một làng cách mạng kiểu mẫu”.
Ngày 17-12-1955, Bác Hồ lại về thăm Đền Đô, nhân dân ở đây đã dựng một hội trường lợp lá trên nền khu phế tích Đền Đô bị giặc phá năm 1952 đón Bác. Bác đã dặn nhân dân và cán bộ phải bảo tồn những di sản văn hóa của dân tộc, khi có điều kiện sẽ xây dựng lại.
Trong không khí chung cả nước cùng hướng tới 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, thực hiện lời căn dặn của Bác, Nhà nước và địa phương đã quan tâm việc khôi phục, tôn tạo để Đền Đô trở thành một công trình văn hóa lớn của cả nước, xứng đáng với tiền nhân đã khởi lập Thăng Long, xây dựng Đại Việt cường thịnh, năm 2005 sẽ hoàn thành ngôi đền này để kỷ niệm 995 năm Thăng Long - Hà Nội, đón nhân dân cả nước về thắp hương các vị vua nhà Lý và tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu.
HNM
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.