Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đền bù giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh phải là hình mẫu cho các dự án khác

An Tôn| 24/03/2023 18:37

(HNMO) - Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3 để có thể khởi công dự án quan trọng này vào ngày 30-6-2023. Tuy nhiên, khối lượng công việc hiện tại là rất lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành phải có quyết tâm cao.

Sơ đồ hướng tuyến đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh.

Lo lắng tái định cư

Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương phải giải quyết nhiều trường hợp đền bù giải tỏa mặt bằng, bố trí tái định cư lớn nhất trong các tỉnh, thành có tuyến Vành đai 3 đi qua. Theo UBND thành phố Hồ Chí Minh, có 1.738 trường hợp sẽ bị dự án ảnh hưởng. Trong số này, có 395 trường hợp đủ điều kiện bố trí tái định cư.

Tại huyện Hóc Môn, qua khảo sát, tính toán, có 332 trường hợp trong phạm vi giải phóng mặt bằng, bao gồm 10 trường hợp đủ điều kiện bố trí tái định cư và 38 trường hợp giải tỏa trắng. Tuy nhiên, đến thời điểm này (ngày 24-3), vẫn chưa có phương án đền bù giải tỏa và bố trí chỗ ở mới.

Hướng đoạn tuyến đường Vành đai 3 qua xã Tân Thới Nhì, huyện Hóc Môn.

Theo Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn Nguyễn Văn Tuyên, Sở Xây dựng đã trình UBND thành phố Hồ Chí Minh 2 phương án bố trí nơi ở mới cho những hộ dân giải tỏa trắng, không đủ điều kiện bố trí tái định cư. Một là mua căn hộ chung cư tại Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) hoặc mua chung cư khu 10ha tại phường Tân Thới Nhất (quận 12). Khi có quyết định cuối cùng, huyện sẽ đàm phán với các hộ dân để họ lựa chọn, đồng thuận giải tỏa.

Với 10 trường hợp đủ điều kiện bố trí tái định cư, UBND huyện Hóc Môn dự kiến bố trí cho các hộ dân đến ở tại khu tái định cư mới sẽ được đầu tư xây dựng trên địa bàn. Tuy nhiên, chị Nguyễn An, một trong các hộ dân thuộc vùng ảnh hưởng của dự án, bày tỏ băn khoăn: “Nay đã là cuối tháng 3-2023, nhưng các thủ tục pháp lý để sớm thi công khu tái định cư tại xã Xuân Thới Đông, huyện Hóc Môn vẫn chưa hoàn thành. Liệu đến trước ngày 30-6, có kịp để các hộ dân chuyển đến nơi ở mới, bàn giao mặt bằng cũ, bảo đảm mục tiêu bàn giao đến 90% mặt bằng dự án qua địa phương hay không?".

Thành phố Thủ Đức có tới 595 trường hợp bị ảnh hưởng bởi dự án. Trong số này, có 239 trường hợp đủ điều kiện bố trí tái định cư; 131 trường hợp giải tỏa trắng. Địa phương dự kiến bố trí cho 239 hộ tái định cư tại Khu tái định cư Long Bình - Long Thạnh Mỹ, giai đoạn 2. Các hộ giải tỏa trắng được xem xét mua căn hộ tại chung cư C8 (đường Lê Văn Việt, phường Tăng Nhơn Phú A, thành phố Thủ Đức).

Khu đất dự kiến xây dựng Khu tái định cư Long Bình - Long Thạnh Mỹ.

Khu tái định cư Long Bình - Long Thạnh Mỹ có diện tích khoảng 13.593,5m2, nằm gần trường, chợ và Khu đô thị Vinhomes Grand Park. Ông Vũ Việt Thắng, cư dân phường Long Bình (thành phố Thủ Đức) chia sẻ: “Vị trí tái định cư rất thuận tiện. Nhưng chúng tôi mong hạ tầng khu này sớm hoàn thiện đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi về đây sinh sống”.

Chính quyền tích cực

Trong buổi giám sát kế hoạch triển khai dự án đường Vành đai 3 qua huyện Hóc Môn hôm 23-3, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Chí Minh Lê Trương Hải Hiếu, nhấn mạnh: "Chúng ta ứng xử với người dân như là khách hàng. Họ tìm hiểu “căn hộ mẫu” để quyết định có mua hoặc không. Các cấp chính quyền cần tuyên truyền về các tiện ích của nơi ở mới… Người dân sẽ chọn nếu thấy tốt hơn nơi ở cũ".

Ông Lê Trương Hải Hiếu phát biểu trong buổi làm việc với UBND huyện Hóc Môn ngày 23-3.

Tính đến ngày 24-3, dù thành phố Hồ Chí Minh chưa có phương án giá bồi thường, hỗ trợ cụ thể, nhưng quan điểm của HĐND thành phố là cố gắng vận dụng tối đa các quy định pháp luật để người dân được hỗ trợ giá đền bù cao nhất, giá mua nhà tái định cư hoặc nền tái định cư rẻ nhất.

Ngay trước khi đưa ra phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư để đàm phán với người dân, thành phố đã ban hành hệ số K rất cao, áp dụng cho bồi thường giải phóng mặt bằng.

Một số mức tính hệ số K mới nhất tại thành phố Hồ Chí Minh.

Cụ thể, giá đất bồi thường tại thành phố Hồ Chí Minh năm 2023 tùy theo vị trí, loại đất mà người dân có thể nhận được cao tối đa 38 lần so với quy định (chính sách có hiệu lực từ ngày 18-3). Theo đó, hệ số K tính theo từng loại đất, chia thành 2 nhóm nông nghiệp và phi nông nghiệp. Đối với đất ở, hệ số K từ 3 - 25 lần, khu vực trung tâm có hệ số thấp hơn khu vực ngoại thành như Thủ Đức, Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh và Nhà Bè.

Đất ở được chia theo 4 vị trí. Vị trí 1 là tiếp giáp mặt tiền đường trong bảng giá đất; vị trí 2 tiếp giáp hẻm rộng 5m trở lên, được tính bằng 0,5 của vị trí 1; vị trị trí 3 tiếp giáp hẻm rộng 3 - 5m, được tính bằng 0,8 của vị trí 2; vị trí 4 áp dụng các khu đất còn lại, được tính bằng 0,8 của vị trí 3.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi chỉ đạo việc thực hiện dự án đường Vành đai 3.

Đối với đất thương mại, dịch vụ được tính bằng 80% giá đất ở liền kề; các loại đất khác như cơ quan, công trình sự nghiệp, nghĩa trang, y tế, giáo dục, tôn giáo bằng 60%. Còn đất nông nghiệp có hệ số K khá cao, từ 5 - 38 lần. Các quận nội thành cao hơn khu vực ngoại thành.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Công tác bồi thường, tái định cư dự án đường Vành đai 3 phải trở thành kiểu mẫu cho các dự án khác”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đền bù giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 3 thành phố Hồ Chí Minh phải là hình mẫu cho các dự án khác

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.