Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đền bù bằng tiền hay đất?

Hà Phạm| 02/04/2018 06:57

(HNM) - Chủ trương xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (tỉnh Đồng Nai) được Quốc hội thông qua từ tháng 6-2015. Sân bay này khi đi vào hoạt động sẽ giảm tình trạng quá tải tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.


Tại hội thảo “Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Sân bay Long Thành” vừa được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, bộ phấn đấu khởi công dự án vào năm 2020 ở hạng mục san nền. Đến năm 2021 sẽ xây dựng các khu bay và những năm tiếp theo xây dựng nhà ga, dự kiến hoàn thành và khai thác giai đoạn 1 vào năm 2025.


Về cơ sở cho việc thực hiện kế hoạch trên, theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông, hiện Quốc hội đã thông qua nguồn vốn sẵn sàng cho công tác giải phóng mặt bằng từ nay đến năm 2020 là 23.000 tỷ đồng. Mặt khác, cơ hội phát triển ngành Hàng không của nước ta hiện nay rất sáng sủa, bằng chứng là những năm qua thị trường vận tải hàng không Việt Nam có sự tăng trưởng cao, khoảng 15% đến 17%/năm.

Tuy nhiên, ông Đông cũng cho rằng, để thực hiện đúng tiến độ cần nhiều giải pháp quyết liệt và linh hoạt. Trong đó, việc xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút nguồn vốn từ thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào dự án cũng hết sức quan trọng.

Ông Đỗ Tất Bình, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam cho biết, cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng Sân bay Long Thành, vì ngoài việc đáp ứng nhu cầu vận tải thì chi phí xây dựng sân bay cứ 5 năm lại tăng gấp đôi. Do đó, nếu lùi lại 5 năm so với kế hoạch hoàn thành vào năm 2025 thì giai đoạn 1 có thể tăng lên 10 tỷ USD thay vì 5,4 tỷ USD như dự tính hiện nay. Trong khi đó, theo các đại biểu tham gia hội thảo, có hai điểm nghẽn lớn nhất hiện nay trong việc xây dựng Sân bay Long Thành là nguồn vốn đầu tư và công tác giải phóng mặt bằng.

Làm sao tháo điểm nghẽn để đẩy nhanh tiến độ dự án Sân bay Long Thành? Theo ông Nguyễn Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, thuận lợi lớn nhất trong công tác giải phóng mặt bằng phục vụ cho xây dựng sân bay là hơn 1.800ha (trong tổng số hơn 5.000ha) thuộc đất của Nhà nước đang cho Công ty Cao su Đồng Nai thuê nên việc thu hồi sẽ dễ dàng. Đối với người dân phải di dời giải tỏa, ông Hưng khẳng định, trước khi ra phương án thu hồi phải có phương án tái định cư cho người dân...

Trong khi đó, theo đánh giá của ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện nay nhìn tổng thể có nhiều thuận lợi trong quá trình giải quyết hai điểm vướng trên. Cụ thể, về mặt bằng, diện tích phục vụ xây dựng sân bay đa số là đất nông nghiệp với gần 85%, hơn 15% còn lại là đất phi nông nghiệp, rất thuận lợi cho quá trình thu hồi đất. Bên cạnh đó, với tổng vốn khoảng 23.000 tỷ đồng phục vụ giải phóng mặt bằng và tái định cư chỉ chiếm chưa tới 10% tổng số vốn đầu tư xây dựng sân bay.

Tuy nhiên cái vướng sẽ là cơ chế trong công tác giải phóng mặt bằng. Ông Đặng Hùng Võ cho rằng, để tháo gỡ, thay vì áp dụng tư duy thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bằng tiền như lâu nay, có thể thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bằng đất mà Hàn Quốc và Nhật Bản thực hiện rất thành công.

Cùng quan điểm, Tiến sĩ Lương Hoài Nam, chuyên gia hàng không khẳng định, việc huy động vốn cho dự án này không khó. Theo đó, sân bay là hình thức kinh doanh gần như độc quyền nên tính chất kinh doanh và lợi nhuận của sân bay tương đối được bảo đảm. “Thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước vào sân bay là điều không khó nhưng chúng ta phải làm thực sự bằng nhiều giải pháp linh hoạt mới ra kết quả”, ông Lương Hoài Nam nhấn mạnh.

Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành được chia làm 3 giai đoạn, với tổng mức đầu tư hơn 336.000 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014). Trong đó giai đoạn 1 là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD) và chậm nhất năm 2025 phải hoàn thành đưa vào khai thác. Dự án có tổng diện tích đất thu hồi hơn 5.000ha, ảnh hưởng khoảng 47.000 hộ dân, với chi phí giải phóng mặt bằng gần 23.000 tỷ đồng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đền bù bằng tiền hay đất?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.