Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đền Bạch Mã

ANHTHU| 19/09/2006 15:09

Bạch Mã là một trong những di tích lịch sử- văn hóa nổi tiếng của Hà Nội. Người Hà Nội xưa và nay, cũng như khách thập phương trong, ngoài nước vẫn coi đây là một trong những chốn hành hương không thể không đến trong cuộc đời.

Bạch Mã là một trong những di tích lịch sử- văn hóa nổi tiếng của Hà Nội. Người Hà Nội xưa và nay, cũng như khách thập phương trong, ngoài nước vẫn coi đây là một trong những chốn hành hương không thể không đến trong cuộc đời.

Đền Bạch Mã tọa trên phố Hàng Buồm, là nơi thờ một trong bốn vị thần trấn giữ bốn phương của kinh thành Thăng Long xưa. Thần đền Bạch Mã thuộc một trong (tứ thần tứ trấn ấy là: bắc Trấn Võ, nam Cao Sơn, tây Linh Lang, đông Bạch Mã). Sự giao thoa văn hóa Hán - Việt trong thời kỳ Bắc thuộc đã để lại những dấu ấn phong phú. Từ thực tế lịch sử đó, trong thư tịch cổ vẫn còn một vài ghi chép chưa thật nhất quán về thần Bạch Mã. Khi đọc tấm văn bia nói về việc trùng tu đền, dựng năm Đinh Mão, niên hiệu Chính Hòa 8 (1687) và sách thờ cúng ở đền, thì đền thờ Mã Phục Ba đời Hán, tức Mã Viện từng giữ chức Phục Ba tướng quân. Nhưng theo các sách Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh thì đền thờ thần Long Đỗ (hay Long Độ) của đất Đại La, tức Thăng Long, nay là Hà Nội.


Đại diện Đền Bạch Mã

Trước khi bàn về vấn đề này, xin nhắc lại một chút sự tích thần Bạch Mã hiện được chép trong các sách Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái.

Như chúng ta đã biết xưa kia khi Cao Biền người nhà Đường sang cai trị nước ta, có cho bồi đắp thành Đại La. Một hôm Biền đang vơ vẩn dạo chơi ngoài thành cửa Đông, thấy có đám mây 5 màu rực rỡ bốc lên từ mặt đất, rồi tụ lại ở không trung. Giữa đám mây mông lung mờ ảo, Biền thấy hiện ra một người cưỡi rồng vàng, đầu đội mũ hoa đỏ, mình mặc áo tía xiêm thêu, đi giầy đỏ. Rồi mùi thơm tỏa ra ngào ngạt, tiếng nhạc vang lừng, hồi lâu mới tan đi. Đêm hôm đó, Biền mộng thấy người gặp lúc ban chiều. Người ấy bảo Biền rằng: “Ta là Long Độ vương khí quân, thấy ông mở rộng kinh thành thì đến xem chơi, chớ có ngờ”. Biền tỉnh dậy sai bọn thủ hạ dựng đền tô tượng, rồi ngầm dùng một tấm sắt đồng làm bùa trấn yểm. Bỗng một trận cuồng phong nổi lên quật đổ cây to, làm cho tất cả đồ yểm bằng sắt đồng đều biến thành cát bụi. Biền than thở: “Ta sẽ phải về đất Bắc thôi”. Quả nhiên sau đó, Biền phải trở về Trung Quốc.


Tượng thần Bạch Mã

Đến đời Lý Thái Tổ (1010), khi vua dời đô về đây, muốn mở rộng phủ thành, nhưng đắp thành nhiều lần không được. Vua cho người đi hỏi dân chúng, mới biết ở đất này có hiển linh từ trước, vua bèn sai biện lễ cầu đảo. Đêm ấy vua nằm mộng gặp thần tới chúc mừng và dặn nhà vua rằng cứ theo dấu vó ngựa mà đắp, tất sẽ thành công. Bấy giờ vua thấy có con ngựa trắng phi thẳng vào đền rồi biến mất. Hôm sau, nhà vua thấy có dấu chân ngựa in trên mặt đất thành đường vòng tròn, bèn sai người cứ theo đó mà xây thành đắp lũy, xây tới đâu được chắc tới đấy. Nhà vua sai tạc một con ngựa trắng để thờ và ban sắc phong cho thần làm “Thăng Long Thành hoàng Đại vương”. Vì thế gọi đây là đền Bạch Mã (đền ngựa trắng).

Suốt từ đời Lý Thái Tông sang tới đời Trần, Thăng Long phát triển trở thành nơi đô hội, song cũng không biết bao phen hỏa hoạn loạn tặc, nhưng không biết vì lẽ gì đó riêng đền thờ thần Bạch Mã vẫn nguyên vẹn. Vì thế, triều đình gia phong cho thần được hưởng lộc: Các kỳ nghinh xuân đều cử hành tại đây.


Đền Bạch Mã trên phố Hàng Buồm

Hiện trong đền vẫn còn tấm biển gỗ đề thơ của Thái sư Trần Quang Khải rằng:

Tích văn hách trạc Đại vương linh,

Kim nhật phương tri quỉ mị kinh.

Hỏa bắc tam khu thiêu bất tận,

Phong lôi nhất trận phiến nan khuynh.

Chỉ huy vọng lượng tam thiên chúng,

Hô hấp tiễu trừ bách vạn binh.

Nguyện trượng dư uy thanh Bắc khấu,

Đôn linh vũ trụ lạc thăng bình.

Tạm dịch:

Hiển hách từng nghe tiếng Đại vương,

Nay hay quỉ quái thảy kinh nhường.

Lửa đốt bao phen không thể cháy,

Phong ba một trận chẳng hề long.

Ra tay trừ diệt loài hung quỉ,

Thét lớn một lời dẹp vạn binh.

Nguyện cậy dư uy trừ giặc bắc,

Khiến cho thiên hạ sống thanh bình.

Các nhà nghiên cứu đã căn cứ vào các sách Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái, Trấn Vũ quán lục, Bạch Mã thần từ khảo chính và truyện Quảng Lợi thánh hựu uy tế phu ứng đại vương phân tích và chỉ ra rằng, do nhân việc trùng tu đền Bạch Mã vào năm Đinh Mão (1687), bấy giờ bức tường đằng Đông bị đổ nát, các thương nhân Bắc quốc như Chiêm Trọng Liên đứng ra quyên góp tiền bạc để tu bổ lại đền

Trịnh Tuấn Am trong Bạch Mã thần từ khảo chính từng phân tích, nhân dịp trùng tu đền, các thương nhân Bắc Quốc đã vô tình hay hữu ý đưa tên hiệu của Mã Viện, một nhân vật lịch sử của Trung Quốc vào sách thờ ở đây, từ chữ “Bạch Mã” họ đã chữa ra Mã Viện, điều này không khó. Tác giả kết luận: “Cái cảm ngư lỗ truyền ngoa chi ngộ” tức cảm thấy đây là một sự lầm lẫn, chữ “ngư” đánh thành chữ “lỗ”, nhất thiết phải đính chính, để khỏi truyền mãi cái sai về sau. Cho nên cần phải hiểu đó là nơi thờ thần đất Hà Nội.

Theo một cách lý giải khác, từ cảm nhận của chúng tôi, như đã trình bày ở đầu bài viết, Bạch Mã chính là nơi hội tụ tính linh thiêng thời gian trong quá trình hình thành và phát triển của đấtThăng Long xưa, và cũng là nơi ít nhiều để lại dấu ấn của những kiều dân Trung Hoa trong thời kỳ di dân phát nghiệp xuống phía Nam từ thế kỷ 17. Đó chính là sự tất nhiên của một nền văn hóa mà không ai có thể phủ nhận. Vấn đề ở đây là: Cốt lõi văn hóa Việt của con người Việt được thể hiện một cách dung dị và mang tính thuyết phục cao, qua kiến trúc, văn bia, thần tích, tục lệ, lễ hội của đền Bạch Mã, đồng thời dung nạp những tinh hoa văn hóa bên ngoài một cách có chọn lọc.

Bạch Mã - Huyền thoại và hiện thực đan xen nhau, tạo ra một bức tranh lịch sử sinh động, rất đáng để cho mỗi chúng ta, những người con của Hà Nội nay, suy ngẫm và cống hiến cho ngày mai của Hà Nội.

Vũ Xuân Hiển

Viện nghiên cứu Hán Nôm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đền Bạch Mã

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.