(HNMO) - Sau khi đi vào vùng biển các tỉnh từ Thái Bình đến Thanh Hóa, bão số 7 đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Đến 18h ngày 14-10, áp thấp nhiệt đới đi vào đất liền ven biển các tỉnh từ Thái Bình đến Thanh Hóa, sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Sau đó, áp thấp nhiệt đới đi vào đất liền các tỉnh từ Thái Bình đến Nghệ An và sẽ suy yếu thành một vùng áp thấp…
Do ảnh hưởng của bão nên từ 19h ngày 13-10 đến 16h ngày 14-10, các tỉnh, thành phố thuộc khu vực Bắc Bộ xảy ra mưa to đến rất to; tổng lượng mưa đo được tại Trạm thủy văn hồ Cạn Thượng (tỉnh Hòa Bình) 124mm, Lương Nha (tỉnh Phú Thọ) 113mm, Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) 114mm…
Tại thành phố Hà Nội, từ 7h30 đến 18h30 ngày 14-10 đã xảy ra mưa, tổng lượng mưa phổ biến 35-60mm, một số nơi cao hơn, như: Quận Hoàng Mai 66mm, huyện Thạch Thất 67mm... Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố Hà Nội và các tỉnh còn lại thuộc khu vực Bắc Bộ chưa xảy ra úng ngập…
Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 7 kết hợp với không khí lạnh nên từ ngày 14 đến 16-10 các tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng và ven biển Bắc Bộ, Hòa Bình, Sơn La, Phú Thọ, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An xảy ra đợt mưa to đến rất to với tổng lượng mưa phổ biến 150-250mm, có nơi cao hơn 300mm; tỉnh Hà Tĩnh và các nơi khác ở Bắc Bộ phổ biến khoảng 50-100mm.
Khu vực thành phố Hà Nội từ tối 14-10 đến ngày 16-10 xảy ra mưa vừa; lượng mưa phổ biến tại khu vực trung tâm thành phố và các huyện phía Tây, phía Bắc 30-60mm, có nơi cao hơn 60mm; các huyện phía Nam thành phố 40-80mm, có nơi cao hơn 80mm…
Về diễn biến của áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông, cơ quan khí tượng thủy văn cho biết, áp thấp vẫn đang di chuyển hướng vào Biển Đông. Đến 13h ngày 15-10, áp thấp nhiệt đới cách đảo Song Tử Tây khoảng 550km; sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9 và sau đó có khả năng mạnh lên thành bão. Đến 13h ngày 16-10, tâm bão cách đảo Song Tử Tây khoảng 330km; sức gió mạnh cấp 8, giật cấp 10…
Cập nhật thông tin sạt lở đất tại tỉnh Thừa Thiên - Huế làm 13 người mất tích, Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, ngày 14-10, Bộ Quốc phòng, Bộ Công Thương và tỉnh Thừa Thiên - Huế đã huy động 983 người, 189 phương tiện các loại, 3 chó nghiệp vụ tham gia cứu hộ, cứu nạn. Trong ngày, các lực lượng cứu hộ đã san, gạt thông đường, tiếp cận vị trí sạt lở đất và tìm kiếm nhưng vẫn chưa có kết quả…
Tính đến 18h30 ngày 14-10, Văn phòng Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chưa nhận được thông tin thiệt hại do bão số 7 gây ra. Về thiệt hại do mưa, lũ và bão số 6, thống kê đến 16h ngày 14-10, thiên tai đã làm 44 người chết; trong đó, tỉnh Quảng Trị 13 người, tỉnh Thừa Thiên - Huế 10 người, tỉnh Quảng Nam 10 người… Ngoài ra, mưa, lũ, bão số 6 còn làm 6 người mất tích, 15 người bị thương…
Trong ngày 14-10, các tỉnh, thành phố miền Trung tiếp tục huy động 8.426 người, 209 ô tô, tàu, xuồng các loại tham gia công tác tìm kiếm người còn mất tích, giúp nhân dân khắc phục hậu quả mưa, lũ, bão...
Để khắc phục nhanh hậu quả mưa, lũ, bão và tiếp tục ứng phó với các đợt thiên tai tiếp theo, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống thiên tai đã tổng hợp, đề nghị cơ quan có thẩm quyền hỗ trợ các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam 6.500 tấn gạo, 5,5 tấn lương khô, 20.000 thùng mì tôm, 300 cơ số thuốc, 3 tấn hóa chất, 119 xuồng các loại, 81 máy phát điện, 257 nhà bạt, 17.420 phao và 3 xe lội nước…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.