(HNM) - 23h đêm một ngày cận Tết, Hà Nội rét đậm, chúng tôi cùng nhóm tình nguyện
Nơi đầu nguồn sông Mã
Để đến Mường Lát, từ Hà Nội chúng tôi theo quốc lộ 6, trườn sang đường 15A đi Mai Châu của tỉnh Hòa Bình. Xuôi theo dòng sông Mã đến thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa, rồi lại ngược tỉnh lộ 520 lên Mường Lát. 6h sáng, chúng tôi có mặt ở nhà thầy giáo Sinh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trung Lý, huyện Mường Lát. Mặc dù trời lạnh tê tái nhưng dường như thầy đã thức giấc chờ từ bao giờ, tất bật ra tận cửa xe đón đoàn. Cái bắt tay thật chặt, nụ cười thật tươi, thầy Sinh vồn vã mời đoàn vào nhà rửa mặt cho tỉnh táo sau một đêm hành quân vượt hơn 300km đường núi. "Các anh chị cứ tự nhiên rồi ta sang trường kẻo các em chờ. Biết được tặng quà, các em đã xuống từ sớm lắm!" - Thầy Sinh không giấu được sự nóng ruột.
Bữa ăn trưa của học sinh Trường Trung Lý. |
Hà Nội đang lạnh khiến học sinh tiểu học và các trường mầm non phải nghỉ ở nhà. Và tất nhiên, ở Mường Lát, cái lạnh sẽ càng giá buốt hơn khi buổi sớm, sương giăng mờ trên từng ngọn cây, từng chỏm núi đá. Lây phây vài vạt bụi sương khiến nhiều thành viên trong đoàn phải co người lại trong chiếc khăn ấm. Thế mà vừa nhìn thấy chiếc ô tô của chúng tôi xuất hiện ở cổng trường, rất đông học sinh đã ùa ra, vây quanh chúng tôi, tình nguyện… khuân quà vào sân trường. Nhìn những khuôn mặt tím tái trong giá lạnh, gầy guộc trong manh áo mỏng, chúng tôi quặn thắt trong lòng. Trong câu chuyện vội, thầy Sinh cho biết, trường có 452 học sinh thì 100% là người dân tộc Mông, Mường, Thái. Hiện tại, trường có 10 điểm trường đóng ở 10 bản của xã là Bản Táo, Khằm I, Khằm II, Suối Mạ, Pá Quăn, Nà Ón, Ma Hác, Xa Lao, Suối Tung và Suối Hộc. Các điểm trường cách xa nhau, từ khu trường chính đến điểm trường gần nhất là 7km, đến điểm xa nhất là 18km. Vì thế, việc dạy học cho học sinh ở đây vô cùng khó khăn, việc học của các em theo đó cũng không được các gia đình quan tâm bởi cái ăn, cái mặc còn thiếu thốn quá. "Trong cái giá lạnh của ngày giáp Tết thế này lại được nhận áo ấm từ Thủ đô gửi lên, không chỉ các em mong mà chúng tôi cũng mong lắm lắm" -Thầy Sinh cứ nhắc đi nhắc lại với chúng tôi thế.
Ông Phạm Văn Tôn, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Trung Lý cũng cho biết, toàn xã có 603 hộ thì có tới 67% hộ nghèo. Cũng bởi đặc thù của xã Trung Lý điều kiện giao thông đi lại khó khăn, vào mùa mưa chủ yếu là đi bộ. Đời sống bà con dân tộc còn nghèo với những tập tục lạc hậu. Những năm trước, người Mông ở đây còn thường xuyên di cư nên cuộc sống thiếu ổn định, nói gì đến chuyện học hành cho con em. Vài năm trở lại đây, tập tục du canh, du cư đã bớt nhưng cái nghèo, cái khó vẫn bám riết người dân nơi đây. Nếu như nói Thanh Hóa là một tỉnh còn nghèo thì Mường Lát là một trong những huyện nghèo nhất của Thanh Hóa, Trung Lý lại là một trong những xã nghèo của Mường Lát. Thế nên dù toàn xã có đến hơn 3.300 nhân khẩu nhưng Trường Tiểu học Trung Lý chỉ có hơn 400 học sinh. Có những điểm trường không đủ 5 khối lớp như thông thường mà chỉ có 4 khối lớp với số học sinh quá khiêm tốn, 16-17 em/điểm trường. Điển hình như điểm trường ở bản Suối Mạ chỉ có 4 khối lớp với 17 học sinh. Ở điểm trường bản Xa Lao cũng vậy, chỉ có 4 khối lớp với 18 học sinh trong đó khối 4 chỉ có 2 học sinh. "Trước kia, các bậc phụ huynh ở đây hầu như không cho con em mình đi học để ở nhà làm rẫy. Giờ dù được các thầy cô cùng chính quyền vận động đi học nhưng đến mùa học sinh vẫn nghỉ để làm rẫy. Thế nên các thầy cô lên đây dạy học cũng vất vả lắm, vừa dạy học vừa vận động các em tiếp tục theo học lại vừa phải giúp gia đình các em mỗi mùa vụ" - ông Tôn cho biết.
Nhọc nhằn con chữ
"Đã lâu lắm rồi, hôm nay chúng em mới được ra điểm trường chính, được thoải mái nói tiếng Kinh đấy, còn toàn nói tiếng dân tộc thôi anh ạ" - câu nói của các thầy, cô giáo cắm bản nghe thật nao lòng. Đường đi khó, xe máy mùa khô còn đi được chứ mùa mưa thì chịu. Mà có đi xe máy cũng phải mất chừng 3-4 giờ đồng hồ để đi quãng đường 20km mới tới được điểm trường chính.
Nhớ lại những ngày đầu lên trường, thầy Đoàn Văn Sơn, Hiệu phó Trường THCS Trung Lý vẫn nhớ như in những ánh mắt ngơ ngác của học sinh. Sự bất đồng ngôn ngữ khiến thầy không thể diễn tả được hết lời giảng của mình. Thầy cho biết, "Sau những buổi giảng dạy này, sự bất lực hiện rõ trong suy nghĩ của mỗi thầy, cô giáo. Bất đồng ngôn ngữ với học sinh đã khiến việc dạy và học gặp không ít khó khăn. Nhiều em không hề biết tiếng Kinh, loại ngôn ngữ các thầy cô giáo đang sử dụng để giảng dạy". Thế rồi các thầy lại phải học tiếng để giao tiếp với các em. Rồi nhiều em bị bố mẹ bắt ở nhà để làm rẫy, các thầy lại cắt cử nhau đến hỗ trợ gia đình các em, vừa là để vận động các em tiếp tục đến trường theo học. "Ấy thế mà nhiều học sinh vẫn bỏ học để ở nhà cưới vợ đấy nhà báo ạ". Thấy chúng tôi tròn mắt "Học sinh cấp 2 mà đã lấy vợ?" thầy Sơn cười ngất: "Bố mẹ các em bắt chúng phải lấy vợ để có người làm mà. Thế nên nam sinh thì lấy vợ xong vẫn đi học được chứ nữ sinh thì thường bỏ học luôn". Nhiều lần, thầy được học sinh mời đến dự cưới mà không biết có nên đi hay không. Đi dự cưới thì đồng nghĩa với việc ủng hộ các em tảo hôn, bỏ học lấy vợ lấy chồng. Nhưng nếu không đi thì không thể tiếp tục công tác dân vận được, thầy Sơn chia sẻ. Chỉ tay ra dãy lán trọ học của các em bên ngoài cổng trường, thầy Sơn nói: "Những em đang trọ học ngoài kia là đã cố gắng lắm đấy. Nhà các em ở xa, không có điều kiện thành lập điểm trường nên nhiều em không chịu đi học. Vì vậy, ngoài công tác vận động gia đình các em, chúng tôi còn phải trực tiếp dựng lán để các em có chỗ ăn, chỗ ở mà theo học".
Lúc chúng tôi đến lán, trời đã xế trưa, nhiều học sinh đang nhóm lửa nấu cơm. Trên bếp của các em, ngoài nồi cơm thì rất ít lán có thêm nồi canh luộc. Gặp Sùng A Pủa ngoài đầu lán, tôi hỏi: "Sao em chưa nấu cơm?", đôi mắt Pủa nhìn xuống đất đáp khẽ: "Hôm nay hết gạo, mẹ chưa mang lên". Nhà Pủa nghèo, chỉ có 3 mẹ con, anh trai Pủa phải ở nhà theo mẹ lên nương. Mùa rẫy, Pủa vẫn phải về nhà giúp mẹ và anh. Chúng tôi vào lán của Pủa, chiếc giường tre kê gọn bên góc. Xung quanh lán tuềnh toàng những kẽ liếp có thể nhìn sang tứ phía nhưng trên giường chỉ có một chiếc chăn đơn mỏng. Tôi hỏi: "Chăn mỏng thế này, có lạnh lắm không?". Tay vân vê tà áo vừa được tặng, Pủa mím chặt môi gật đầu. Đi cùng chúng tôi, thầy Sơn đỡ lời: "Hầu hết các em ở đây thuộc các hộ nghèo. Họa hoằn lắm mới được ăn no. Trời lạnh lắm thì đốt lửa sưởi chứ cũng không có nhiều quần áo ấm để mặc. Chiếc áo ấm mới được đoàn tặng mà Pủa đang mặc có lẽ là chiếc áo mới đầu tiên trong đời.
Rời lán của Pủa, chúng tôi rẽ sang một lán khác. Ba em học sinh đang chụm đầu bên nồi cơm và nồi canh cải luộc, không muối, không nước mắm. Thấy chúng tôi sang, các em buông bát đũa đứng cả dậy. Tôi bảo các em cứ ngồi ăn cơm nhưng cả thảy cứ đứng trân trân nhìn nồi cơm đang ăn dở. Thấy tôi ngồi xuống mâm, nhón vài hạt cơm cho vào miệng cả 3 cùng cười rồi không đứa nào bảo đứa nào cùng ngồi xuống tiếp tục ăn một cách ngon lành. Nhìn mâm cơm và cách các em ăn mà tôi thấy xót xa, chợt so sánh chúng với những đứa trẻ đang được nâng niu chăm bẵm nơi phố thị ồn ào. Những đứa trẻ phố thị, mỗi khi Tết đến Xuân về, chắc không thiếu thứ gì. Còn những đứa trẻ nơi Mường Lát, chiếc áo ấm cùng sách vở, bút, màu mà chúng tôi mang đến có lẽ là món quà giá trị nhất trong mùa xuân này.
Có thể với 450 chiếc áo ấm, chúng tôi không giúp tất cả các em có được một cái Tết đầm ấm, no đủ, nhưng chắc chắn đó sẽ là những hơi ấm mùa xuân - là tấm lòng sẻ chia của những bạn trẻ Thủ đô để tiếp thêm cho các em học sinh nơi đầu nguồn sông Mã có nghị lực vượt qua gian khó, tiếp tục theo học, dù cuộc sống còn nhiều gian khó.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.