(HNMCT) - Ca khúc “Đêm đông” của cố nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương (1919-2002) sáng tác năm 1939 tại Hà Nội, tính đến nay đã hơn 80 năm. Bài hát là một kỷ niệm đặc biệt trong cuộc đời ông.
Tết năm đó, gia đình không có tiền gửi lên để mua vé tàu hỏa cho ông về Huế. Đêm giao thừa, buồn, nhớ nhà tái tê, ông lang thang ở ga Hàng Cỏ, nhìn người qua lại tay xách nách mang, lũ lượt bước lên chuyến tàu cuối năm với tiếng còi giục giã. Ông lại bách bộ dọc đường tàu tới phố Khâm Thiên. Vào thời gian này phố Khâm Thiên có nhiều nhà hát cô đầu (hát ca trù). Khi đi ngang căn nhà còn để đèn, một cô bước ra chào mời nhưng thấy ông chỉ là một cậu học trò nghèo bèn quay vào. Nhạc sĩ chợt thấy nét buồn đó thoáng qua chiếc gương soi treo ở cửa ra vào. “Đêm đông, ôi ta nhớ nhung đường về xa xa/ Đêm đông ta mơ giấc mơ gia đình yên vui/ Đêm đông, ta lê bước chân phong trần tha hương/ Đêm đông, ca nhi đối gương ôm sầu riêng bóng…”. Bài hát “Đêm đông” ra đời trong thời điểm cận kề giao thừa như vậy. Sau đó, người bạn của nhạc sĩ là Kim Minh đã cùng ông trau chuốt lời ca. Vì vậy, trong bản in chính thức ông đã đề kèm tên bạn.
Nhạc sĩ không ngờ bài hát có sức lay động, truyền cảm và được người nghe đón nhận nhanh chóng. Sinh thời, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương đã từng kể chuyện về ca sĩ Bạch Yến, người đã góp phần định hình bài hát sâu sắc hơn với sự sáng tạo mới lạ. Trước đó, ca sĩ Bạch Yến thường hát ở vũ trường Sài Gòn. Khi đọc bản nhạc “Đêm đông”, ca sĩ Bạch Yến rất xúc động và xin phép nhạc sĩ đổi nhịp điệu bài hát từ Tango (dập dìu, nhộn nhịp) sang Slow Rock (nhẹ nhàng, chậm rãi). Đây là sự sáng tạo làm rung động người nghe với nỗi niềm sâu lắng trong nỗi thương nhớ quê hương của tác giả.
Ca sĩ Bạch Yến, khi đó mới 15 tuổi, bất ngờ nổi lên như một ngôi sao với bài hát “Đêm đông” (vào năm 1957). Mọi người đều có ấn tượng đặc biệt với bài hát qua giọng hát trầm ấm cùng nhịp điệu mới của tác phẩm. Sự sáng tạo của ca sĩ cũng làm nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương sửng sốt, thán phục. Ngay lập tức trên khuông nhạc đầu tiên ông đã thay nhịp điệu chỉ định từ Tango thành Slow Rock. Và ông bộc bạch: “Tôi cảm ơn Bạch Yến rất nhiều về sự đóng góp đầy ý nghĩa trong cách thể hiện tác phẩm của tôi…”. Chính vì thế, bài hát “Đêm đông” không những là điểm khởi đầu định danh cho nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương mà cũng là tác phẩm làm cho ca sĩ Bạch Yến nổi tiếng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.