Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đêm áp Tết ở nơi giành giật lại sự sống

T.Hoa| 27/01/2017 09:54

(HNMO)- Đêm về khuya, xe vận chuyển người bệnh 115 hú còi lao thẳng lên sảnh rồi nhanh chóng rời đi. Người bệnh lập tức được chuyển vào trong, nơi dường như chưa bao giờ có Tết.



Xe cấp cứu vận chuyển bệnh nhân liên tục từ các nơi chuyển đến


Phòng cấp cứu Bệnh viện Việt Đức tối và đêm 29 Tết (29/1) vẫn liên tục đón nhận các ca cấp cứu từ khắp nơi chuyển đến. Ê -kíp trực gồm hàng chục y tá, bác sĩ không khi nào ngơi tay bởi quy trình thăm khám ban đầu, làm xét nghiệm, hoàn tất thủ tục cho bệnh nhân nhập viện, chuyển về các khoa phòng chuyên môn hoặc nặng hơn là đưa đi phẫu thuật...

Với đặc thù là bệnh viện tuyến đầu của cả nước nên các ca cấp cứu nặng đều được chuyển về đây. Vào những ngày giáp Tết, số ca tai nạn giao thông, tai nạn lao động tăng đột biến luôn gây nhiều áp lực với những y bác sĩ nơi luôn ứng trực 24/24h với tâm thế sẵn sàng cao nhất.

Gần 22h, một ca cấp cứu khá đặc biệt từ Phú Thọ được chuyển đến. Xe cấp cứu chuyên dụng nháy đèn xin đường vào sân bệnh viện, trên xe là một bé trai 14 tuổi với một bên tay đen đúa, tay còn lại băng kín, bết máu. Các bệnh nhân khác đang chờ làm thủ tục thấy vậy lập tức nhường chỗ để cháu bé được vào cấp cứu nhanh nhất. Hai người đàn ông đi theo cháu bé đều đã luống tuổi, không giấu nổi nỗi lo lắng, sợ hãi khi lập cập đọc tên tuổi và các thông tin khác để y tá trực hoàn tất hồ sơ.

Cháu C. với một bên tay bị thương  đang nằm chờ tại Phòng cấp cứu


Khi đã bình tĩnh trở lại, cháu bé bớt đau đớn, nằm im trên cáng, bố của cháu kể, vào khoảng 16h cùng ngày, sau tiếng nổ lớn ngay trong nhà, mọi người hốt hoảng phát hiện C. đã lén lút tự chế tạo pháo nổ bằng cách cạo diêm sinh từ rất nhiều đầu que diêm. Khi đang nhồi pháo thì vụ nổ xảy ra, một bàn tay của cháu đã bị thương. Sau khi sơ cứu tại địa phương, tiên lượng vết thương khá nặng, cần phải cấp cứu ngay trong đêm nên bố đẻ và chú ruột của C. đã lập tức lên xe cấp cứu chạy gần 5h đồng hồ đưa cậu bé nghịch ngợm này lên bệnh viện tuyến trên mà không kịp ăn uống.
Còn không may mắn như cháu C, anh H, 24 tuổi được chuyển tới phòng cấp cứu khi đã rơi vào trạng thái hôn mê. Toàn bộ phần một phần của mắt và má phải anh sau tai nạn giao thông còn đang rướm máu. Mẹ của nạn nhân tất tả chạy đi nộp viện phí, trong khi người bố ngồi lại liên tục lau dịch đang tràn ra từ miệng. Một lát sau, khi được phát quần áo và chuẩn bị chuyển đi phẫu thuật sọ não, họ run rẩy không tin vào tai mình. Cả hai liên tục hỏi đi hỏi lại xem có đúng là con trai họ không vì cùng tối, có hai bệnh nhân cùng tên H. nhưng khác họ đang cấp cứu.

Khu vực xét nghiệm cũng luôn đông đúc bệnh nhân 


Không chỉ tại Khoa cấp cứu, tại cổng số 5 của Bệnh cách đó hơn trăm mét, đồng hồ sắp nhích sang vòng quay của ngày mới, nhưng các y tá của Khoa Điều trị theo yêu cầu vẫn tiếp nhận một bệnh nhân cũ của khoa. Sau gần 2 tháng phẫu thuật tại đây và vừa xuất viện chưa đầy một tuần, người phụ nữ này đã phải nhập viện trở lại để theo dõi một vài biến chứng sau mổ. Đó là lý do thường gặp của những bệnh nhân trong diện theo dõi đặc biệt  phải “bất đắc dĩ” đón xuân trong bệnh viện.

Trực tại Phòng cấp cứu trong đêm 29, BS-TS Trần Chí Thanh, Phó Trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu 1C chia sẻ, không chỉ có những người bệnh kém may mắn phải nhập viện trong dịp Tết mà ngay cả các bác sĩ cũng gần như không có khái niệm đón Tết. Thậm chí, họ cũng đã quen với việc đón tiếp bệnh nhân vào đúng giao thừa. Cũng bởi thế, niềm vui sum họp vào thời khắc chuyển giao thiêng liêng được thay thế bằng việc cứu chữa, giành giật lại sự sống cho biết bao người...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đêm áp Tết ở nơi giành giật lại sự sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.