(HNMO) - Dông, lốc, sét, gió giật mạnh trong chiều tối và đêm 22-6 đã gây ra nhiều thiệt hại trên địa bàn thành phố Hà Nội. Những ngày tới, thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, cơ quan phòng, chống thiên tai Hà Nội đề nghị các cơ quan, đơn vị chủ động triển khai biện pháp ứng phó.
Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội cho biết, trận mưa dông xảy ra chiều tối và đêm 22-6 đã gây úng ngập cục bộ trong thời gian ngắn tại một số tuyến phố thuộc khu vực nội thành với độ sâu 0,2-0,3m. Đặc biệt, mưa dông kèm lốc, sét, gió giật mạnh đã làm 537 cây xanh tại các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Tây Hồ, Long Biên, Thanh Xuân, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Đông Anh, Thạch Thất bị nghiêng, gãy, đổ làm 2 người tham gia giao thông trên đường 420 (huyện Thạch Thất) bị thương, hư hỏng 10 xe máy, ô tô...
Dông, lốc, gió giật mạnh gây ra 70 sự cố đường dây cao thế, trung thế, hạ thế; tốc mái nhà, xưởng sản xuất của 50 hộ dân và sập đổ nhà sơ chế thực phẩm Trường Mầm non xã Hương Ngải, sập mái nhà để xe của Trường THCS xã Hương Ngải (huyện Thạch Thất)... Ngay sau khi xảy ra thiên tai, các địa phương đã huy động lực lượng tại chỗ thu dọn, trồng lại cây xanh, hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả.
Trong khi đó, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ cho biết, đêm nay (23-6) và sớm mai, thành phố Hà Nội nhiều mây, tiếp tục xảy ra mưa rào và dông kèm lốc, sét, gió giật mạnh; trời mát, nhiệt độ dao động 24-27 độ C. Trưa mai (24-6), thành phố Hà Nội giảm mây, trời nắng, nhiệt độ cao nhất phổ biến 32-34 độ C, riêng khu vực trung tâm thành phố 33-35 độ C.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió trên cao nên chiều tối và đêm các ngày 24 và 25-6, thành phố Hà Nội tiếp tục xảy ra mưa vừa, mưa to kèm dông, lốc, sét, gió giật mạnh.
Để giảm thiệt hại do dông, lốc, sét, gió giật mạnh gây ra, Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp thoát nước, cây xanh tăng cường ứng trực, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư để kịp thời xử lý, khắc phục sự cố úng ngập, gãy đổ cây xanh. Các hạt quản lý đê, doanh nghiệp thủy lợi tăng cường kiểm soát, chủ động triển khai biện pháp bảo đảm an toàn hệ thống đê điều, công trình hồ đập thủy lợi.
Các quận, huyện, thị xã tăng cường tuyên truyền kỹ năng ứng phó những loại hình thời tiết nguy hiểm để người dân chủ động phòng tránh, như: Gia cố mái lợp nhà ở, chuồng trại chăn nuôi, biển quảng cáo, đề phòng dông, lốc gây hư hỏng công trình; hạn chế tham gia giao thông để giảm nguy cơ thương tích do cây xanh gãy đổ, sét đánh...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.