(HNMCT) - "Dịch chuyển" - những ngày này, thực là cụm từ xa xỉ. Nhưng cũng vì xa xỉ, đọc và trải nghiệm những ngày dịch chuyển cùng nhà văn DiLi với cuốn du ký mới nhất của chị “Cô đơn trên Everest” mới thấy sự quý giá của những gì chúng ta đã, đang có...
Vẫn lối kể chuyện sinh động, có duyên và xem độc giả là một phần trên hành trình của mình, nhà văn DiLi đặt dấu chấm hết cho 15 chương của cuốn du ký nhẹ nhàng như thể đặt xuống một tách trà sau cuộc trò chuyện. Thấy những hài hước, dí dỏm, những trải nghiệm sống chết, những bài học dịch chuyển cân não của tác giả và các nhân vật trong cuốn sách làm nên hậu vị đậm ngọt của tách trà du ký...
“Cô đơn trên Everest” kể về hành trình qua các vùng đất đầy sức hấp dẫn, được xem là cái nôi của nhân loại như Ấn Độ, thách thức, kỳ vĩ như Tây Tạng, xứ sở núi non trùng điệp như Nepal... Và tâm điểm là chuyến chinh phục nóc nhà thế giới - đỉnh Everest, còn gọi là đỉnh Chomolungma, qua cung đường hiểm trở nhất Tây Tạng. Tại điểm dừng chân ghi dấu 5.200m so với mặt nước biển (tức cao hơn chừng 2.000m so với đỉnh Fansipan), những bài học về sự sống được thiên nhiên trao tặng qua lời kể của DiLi khiến người đọc ngồi nhà cũng thấy... choáng váng. Say độ cao, thiếu ôxy, nguy cơ ra đi vĩnh viễn sau một đêm ngủ trên trại nền ở Everest... là “món quà trải nghiệm” không phải ai cũng nhận được và ai cũng dám nhận. Hơi thở - điều giản dị mỗi ngày mà ta có để duy trì sự sống nhưng thường bị lãng quên, đã hiện diện mạnh mẽ và đầy thức tỉnh...
Cho dù chưa thể đặt chân lên đỉnh cao băng giá gần 9.000m của Everest nhưng những rủ rỉ của nhà văn quanh chuyện các tay leo núi chinh phục điểm cao nhất Chomolungma vẫn khiến độc giả có cảm giác... đóng băng. Hình dung trước mắt cả “những thi thể vẫn nguyên áo quần, giày mũ... mà băng giá đã giữ nguyên thanh xuân miên viễn cho họ”...
Có thể chăng, là người viết tiểu thuyết trinh thám không xa lạ với độc giả nên DiLi cứ thong thả mà vẫn tạo sự hồi hộp, câu chữ giản dị mà không ngừng lôi cuốn...
Không chỉ Everest, trong cuốn du ký này, bạn đọc có thể cùng tác giả đi qua những chặng đường mới mẻ và hấp dẫn khác, để thấu cảm với những điều có phần kỳ lạ của đời sống, con người ở nhiều vùng đất, lấp lánh ánh phản chiếu lịch sử hàng ngàn năm của nhân loại...
Là nhà giáo, nhà văn, DiLi có điều kiện chuyển tải tự nhiên thông điệp trải nghiệm trong giáo dục đích thực và cả trong Phật học - một sự hiểu biết chỉ thực sự là hiểu biết khi tự mình chứng thực. Tất nhiên, không phải tất cả mọi điều đều có thể trải nghiệm, nhưng tinh thần dấn thân trong đời sống, cho dù là trên mỗi bước đi, mỗi ánh nhìn, mỗi sự rung động... thì không bao giờ cũ. Những bức ảnh minh họa trong suốt hành trình của tác giả là một ví dụ. DiLi thường xuyên mua và mặc trang phục người bản địa, điều mà không phải lữ khách nào khi đặt chân tới những vùng đất mới cũng làm. Một điều nhỏ bé nhưng đầy những gửi gắm mến thương... Rằng, những chuyến du ký đừng chỉ nên là những cuộc check-in mà hãy là những bước chân khám phá, đồng cảm, sẻ chia để hiểu và trân trọng hơn những gì ta đang có. Như tác giả mượn lời tiểu thuyết gia Gustave Flaubert thốt lên: “Dịch chuyển khiến con người ta trở nên khiêm tốn”.
Trong những ngày thế giới cũng như cả nước quay cuồng vì đại dịch, mỗi bước dịch chuyển đều phải là một quyết định trách nhiệm vì mình và vì cộng đồng, thì việc yên lặng “bước đi” cùng nhà văn, nghĩ về những thời khắc mà ta đã có cũng là một cách sống thêm nhiều đời sống.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.