Mục đích của gói bảo hiểm y tế (BHYT) bổ sung là xây dựng các gói quyền lợi y tế ngoài phạm vi chi trả của BHYT, tăng quyền lợi, giảm chi từ “tiền túi” của người bệnh.
Ngày 10-10, Bộ Y tế phối hợp Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức tọa đàm chính sách bảo hiểm y tế (BHYT) bổ sung trong dự án Luật BHYT sửa đổi.
Bà Trần Thị Trang, Quyền Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết, loại hình BHYT hiện đang thực hiện là chính sách BHYT xã hội, bảo hiểm bắt buộc, do nhà nước bảo đảm.
“Chúng ta đang hướng tới bao phủ BHYT toàn dân. Do đó, chúng tôi mong muốn phát triển thêm BHYT bổ sung, dự kiến đề xuất thực hiện liên kết giữa BHYT xã hội và cơ sở kinh doanh BHYT thương mại để người dân có thêm lựa chọn”, bà Trần Thị Trang nói.
Dự kiến gói BHYT bổ sung này là BHYT tự nguyện, người dân có mong muốn có thể tham gia, trên cơ sở đã tham gia BHYT bắt buộc. Gói sẽ bao phủ chi trả giá trị tăng thêm như phần đồng chi trả, quyền lợi tăng thêm, dịch vụ tăng thêm so với các dịch vụ đang được BHYT cung cấp.
Cũng tại tọa đàm, Thạc sĩ Hoàng Anh Tuấn, Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết thêm, mục đích của gói BHYT bổ sung là xây dựng các gói quyền lợi y tế ngoài phạm vi chi trả của BHYT, tăng quyền lợi, giảm chi từ “tiền túi” của người bệnh. Từ đó, người bệnh tiếp cận dịch vụ tốt hơn, thậm chí có thể lựa chọn cơ sở cung cấp dịch vụ.
Phạm vi chi trả của gói không trùng lặp với phạm vi được hưởng và mức hưởng của BHYT bắt buộc. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân mua, hỗ trợ mua BHYT bổ sung. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức thực hiện BHYT bổ sung theo nguyên tắc phi lợi nhuận.
Hiện nay, số tiền bệnh nhân đồng chi trả chiếm khoảng 9% tổng chi phí khám chữa bệnh BHYT. Dự kiến, chi từ “tiền túi” khi đi khám chữa bệnh ngoại trú sẽ giảm 25% khi áp dụng hình thức BHYT tự nguyện. Mức giảm khi đi khám chữa bệnh nội trú sẽ là 41%. Như vậy, giảm tổng chi tiền túi sẽ là khoảng 20-31%.
Ngoài ra, BHYT bổ sung cũng giúp tăng tiếp cận dịch vụ y tế bao gồm cả dịch vụ theo yêu cầu, kỹ thuật cao (có mức đồng chi trả lớn), huy động thêm nguồn tài chính cho chăm sóc sức khỏe…
Về mức phí của gói BHYT bổ sung, theo bà Trần Thị Trang, sẽ do phía đơn vị kinh doanh bảo hiểm quy định. Tuy nhiên, nhà nước sẽ quy định nguyên tắc xây dựng mức phí để bảo đảm quyền lợi cho người bệnh, phạm vi chi trả không được trùng lắp với BHYT bắt buộc. Các doanh nghiệp tham gia cung cấp các gói BHYT bổ sung sẽ không được loại trừ người bệnh, không chỉ chọn người khỏe mạnh để bán bảo hiểm.
Ngoài gói bảo hiểm y tế bổ sung, hiện Bộ Y tế đang nghiên cứu việc đa dạng hóa các gói BHYT phù hợp với mức đóng. Điều này nhằm chi trả cho một số dịch vụ chưa được BHYT chi trả như gói khám sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe dài hạn cho người già, khám, chẩn đoán phát hiện một số bệnh…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.