Lương - Bảo hiểm

Chi bảo hiểm y tế tăng cao với nhóm bệnh nhân ung thư

Vũ Minh 07/10/2023 - 14:07

Số tiền đề nghị thanh toán bảo hiểm y tế (BHYT) cho nhóm bệnh nhân ung thư khoảng 3.677 tỷ đồng (chiếm 22,9% tổng mức chi BHYT).

Theo Bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố Hà Nội, từ đầu năm 2023 đến hết quý III, các cơ sở khám, chữa bệnh có hợp đồng khám, chữa bệnh BHYT với BHXH thành phố đã thực hiện khám, chữa bệnh cho gần 9,1 triệu lượt bệnh nhân.

benh-nhan.jpg
BHYT chi trả cho nhiều dịch vụ phẫu thuật sử dụng kỹ thuật cao.

Chi phí khám, chữa bệnh BHYT mà các cơ sở y tế đề nghị ngành BHXH thanh toán là gần 16.091 tỷ đồng, bằng 80% dự toán Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023, tăng khoảng hơn 20% so với những năm trước. Với mức tăng này, dự kiến số chi khám, chữa bệnh BHYT của thành phố Hà Nội trong năm là gần 22.637 tỷ đồng, vượt dự toán gần 2.536 triệu đồng.

Việc gia tăng chi phí khám, chữa bệnh BHYT do 3 nhóm nguyên nhân chính, trước hết là số người tham gia BHYT tăng. Tính đến hết quý III, Hà Nội có hơn 7,79 triệu người tham gia BHYT, tăng gần 215.000 người so với cùng kỳ năm 2022. So với quy mô dân số, tỷ lệ bao phủ BHYT ở Thủ đô đạt 93,29% dân số.

Lý do khác là do chính sách BHYT mở rộng quyền lợi cho người thụ hưởng, trong đó có chính sách thông tuyến. Theo đó, nhờ lợi thế có mạng lưới khám, chữa bệnh BHYT chất lượng cao, Hà Nội thu hút nhiều bệnh nhân chuyển tuyến điều trị.

Trong 9 tháng năm 2023, một số tỉnh chi phí BHYT chuyển đến Hà Nội rất cao, điển hình là tỉnh Nam Định với 752 tỷ đồng, tiếp đến là tỉnh Thanh Hóa với 573 tỷ đồng, tỉnh Hải Dương 493 tỷ đồng, tỉnh Thái Bình 438 tỷ đồng...

Nguyên nhân thứ 3 được chỉ rõ là do dịch sốt xuất huyết và đau mắt đỏ diễn biến phức tạp. Bệnh nhân mắc các loại bệnh này được hưởng một số quyền lợi về BHYT, dẫn đến chi phí tăng. Ước gia tăng BHYT cho bệnh nhân sốt xuất huyết và đau mắt đỏ trong năm 2023 là 55 tỷ đồng.

Về loại bệnh, chi phí BHYT tăng cao với nhóm bệnh nhân ung thư. Cụ thể, chi phí khám, chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân ung thư khoảng 3.677 tỷ đồng (chiếm 22,9% tổng mức chi), tăng 583,7 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 23% so với cùng kỳ năm 2022.

Đứng thứ 2 là bệnh đái tháo đường, cao huyết áp với mức chi 1.326 tỷ đồng (chiếm 8,2% tổng mức chi), tăng 188,8 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2022, tương ứng với mức tăng 17%.

Tiếp đến là bệnh tim thiếu máu cục bộ với mức chi 639 tỷ đồng, tăng 169,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, tương ứng với mức tăng 36%; bệnh cúm và viêm phổi với mức chi 538 tỷ đồng, tăng 151,5 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 36% so với cùng kỳ năm 2022...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chi bảo hiểm y tế tăng cao với nhóm bệnh nhân ung thư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.