Giao thông

Đề xuất thu phí xe vào nội đô Hà Nội theo 2 giai đoạn

Tuấn Lương 22/11/2023 16:02

Nhóm nghiên cứu Đề án "Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội" đề xuất thu phí xe vào nội đô từ năm 2027.

Ngày 22-11, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội phối hợp với Ngân hàng Thế giới (World Bank), Trường Đại học Giao thông vận tải tổ chức tọa đàm "Hướng đến hệ thống giao thông Hà Nội thông minh và bền vững". Tọa đàm nhằm góp phần xây dựng hệ thống giao thông Thủ đô an toàn, thông minh, hiện đại, bền vững.

nguyen-phi-thuong.jpg
Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường phát biểu tại buổi tọa đàm.

Tại buổi tọa đàm, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường cho biết, phát triển hệ thống giao thông thông minh và bền vững là xu hướng của tất cả đô thị trên thế giới và thành phố Hà Nội đã giao Sở Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan trong công tác tổ chức, quản lý điều hành giao thông; ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông, xây dựng hệ thống giao thông thông minh trong thành phố thông minh.

Trên cơ sở đó, Sở Giao thông Vận tải đã chọn Trường Đại học Giao thông Vận tải là đơn vị tư vấn xây dựng Đề án giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Tại toạ đàm, GS.TS. Lê Hùng Lân, Chủ nhiệm Đề án nghiên cứu "Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội" cho rằng, lộ trình phát triển giao thông thông minh ở Hà Nội nên chia thành 3 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 1 từ năm 2024-2026 sẽ xây dựng trung tâm quản lý và điều hành giao thông thành phố; đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị ngoại vi giao thông thông minh; kết nối nguồn dữ liệu; thẻ vé liên thông.

Giai đoạn 2 từ năm 2027-2030 sẽ triển khai thu phí nội đô giai đoạn 1. Bên cạnh đó, xây dựng trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp thành phố Hà Nội; đổi mới phương thức quản lý; phát triển các ứng dụng giao thông thông minh cơ bản; đầu tư lắp đặt hệ thống thiết bị ngoại vi giao thông thông minh.

Giai đoạn 3 đến năm 2045 sẽ triển khai thu phí nội đô giai đoạn 2, đồng thời vận hành, khai thác hiệu quả giao thông thông minh thành phố; hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông thông minh và tăng cường các ứng dụng khai thác dữ liệu giao thông số.

Góp ý đề án, đại diện World Bank cho rằng, giai đoạn 1 là quan trọng nhất cho dự án và cần phải mua sắm nhiều trang thiết bị. Sau khi được phê duyệt thì sẽ cần nghiên cứu kỹ tính khả thi, thi công, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật, hồ sơ mời thầu, khi xây dựng sẽ cần thiết kế các nút thi công. Vì thế cần tăng thời gian giai đoạn 1 lên 4-5 năm và cần thiết lập chương trình một cách chi tiết.

TS. Trần Thiện Chính, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết, người dân là đối tượng hưởng lợi chính của toàn bộ đề án. Đề án hứa hẹn sẽ nâng cao đáng kể chất lượng cung cấp dịch vụ thông tin cho cư dân, góp phần nâng cao chất lượng các dịch vụ đô thị cơ bản như an ninh, giáo dục, y tế, văn hóa, giao thông, cấp thoát nước... và đặc biệt nâng cao khả năng của người dân trong việc tham gia vào công việc quản trị thành phố, kết nối với chính quyền thành phố.

"Người dân có thể tham gia trực tiếp vào công tác quản trị đô thị, giúp giảm tải cho bộ máy chính quyền, cụ thể hóa quyền làm chủ của người dân đối với thành phố của mình.

Thông qua hệ thống đánh giá chất lượng dịch vụ hành chính công và các dịch vụ đô thị thiết yếu khác người dân sẽ có đánh giá công bằng hơn đối với những công chức làm tốt và nhắc nhở những công chức làm chưa tốt phải tự hoàn thiện mình, giúp chính quyền các cấp qua đó có đánh giá cán bộ khách quan hơn và tự hoàn thiện bộ máy và quy trình hoạt động hướng tới phục vụ nhân dân tốt hơn", TS. Trần Thiện Chính khẳng định.

Thành phố Hà Nội mới có 7 tuyến vành đai; 19 tuyến hướng tâm (7 tuyến cao tốc hướng tâm, 8 tuyến quốc lộ, 4 tuyến hướng tâm kết nối đô thị trung tâm với đô thị vệ tinh); mạng lưới đường sắt đô thị theo quy hoạch có 10 tuyến (tương ứng 417km), hiện nay mới hình thành và đưa vào khai thác được 12,5/417km theo quy hoạch (tuyến số 2A Cát Linh - Hà Đông).

Trong khi đó, số lượng ô tô tăng khoảng 10%, xe máy tăng 3%, tổng xe tăng khoảng 4% mỗi năm.

Còn theo thống kê của nhóm xây dựng Đề án, ùn tắc giao thông trong giờ cao điểm là phổ biến trong thành phố. Năm 2022 có tổng số 35 điểm ùn tắc trong giờ cao điểm, đã xử lý được 8/35 điểm. Năm 2023 có tổng số 37 điểm ùn tắc, đến nay đã xử lý được 9/37 điểm. Một số nghiên cứu cho thấy, thiệt hại do ùn tắc giao thông đối với Hà Nội dao động từ 1-1,2 tỷ USD/năm.

Theo Báo Dân trí

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất thu phí xe vào nội đô Hà Nội theo 2 giai đoạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.