Giao thông

Xây dựng giao thông thông minh - còn nhiều thách thức

Tuấn Lương 09/11/2023 - 05:58

Giao thông thông minh là một trong những nội dung quan trọng trong tổng thể thành phố thông minh. Tuy nhiên, các dự án đã và đang triển khai vẫn mang tính rời rạc, thiếu kết nối.

Nghị quyết số 10-NQ/TU (ngày 30-12-2022) của Thành ủy Hà Nội về “Chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác định mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội sẽ cơ bản trở thành thành phố thông minh, hiện đại, từng bước kết nối với mạng lưới đô thị thông minh trong khu vực và trên thế giới. Trong đó, giao thông thông minh là một trong những nội dung quan trọng trong tổng thể thành phố thông minh. Tuy nhiên, các dự án đã và đang triển khai vẫn mang tính rời rạc, thiếu kết nối.

dieu-khien-giao-thong.jpg
Cán bộ Trung tâm Điều khiển giao thông Hà Nội (Công an thành phố Hà Nội) trực hệ thống camera giám sát, bảo đảm trật tự an toàn giao thông. Ảnh: Thanh Hải

Những “viên gạch” đầu tiên

Theo báo cáo của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, việc ứng dụng khoa học, công nghệ trong quản lý, điều hành giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội bắt đầu được triển khai từ năm 2014, thông qua dự án cải tạo, nâng cấp Trung tâm Điều khiển đèn tín hiệu giao thông và thiết bị ngoại vi (giai đoạn 1) với tổng mức đầu tư khoảng 231 tỷ đồng.

Tính đến thời điểm này, trong số 2.310 nút giao thông trên toàn thành phố, đã có 540 nút lắp đèn tín hiệu điều khiển giao thông, trong đó có 474 nút kết nối với trung tâm điều khiển. Ngoài ra, tại 149 nút giao thông đang có 579 camera quan sát tình hình giao thông, xử lý vi phạm... Hệ thống camera được kết nối về Trung tâm Điều khiển giao thông của Công an thành phố Hà Nội, tại số 54 phố Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm).

Ngoài ra, một số đơn vị đã triển khai các tiện ích phục vụ quản lý như ứng dụng “Busmap Hà Nội” của Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thành phố Hà Nội (HPTC); camera giám sát, bảo đảm an ninh trật tự trên xe buýt; phần mềm trong quản lý duy tu, bảo trì hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ…; thí điểm thẻ vé điện tử trên một số tuyến buýt; tìm kiếm điểm trông giữ ô tô qua thiết bị di động - iParking (thí điểm từ năm 2017-2020); thí điểm hệ thống camera xử lý vi phạm tại Bến xe Giáp Bát…

Đáng chú ý, ứng dụng “Busmap Hà Nội” được người dân đánh giá rất cao, nhờ tính năng tìm đường thông minh, giúp hành khách tìm lộ trình di chuyển bằng phương tiện giao thông công cộng, biết chính xác vị trí của mình; tra cứu, theo dõi và thông báo xe đến điểm dừng; góp ý hoặc phản ánh về chất lượng dịch vụ...

hanh-khach-xe-buyt.jpg
Hành khách dễ dàng sử dụng ứng dụng “Busmap Hà Nội” để tìm xe buýt. Ảnh: Tuấn Khải

Hình thành trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp

Những “viên gạch” đầu tiên của hệ thống giao thông thông minh trên địa bàn Thủ đô đã được đặt nhưng theo đánh giá của Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội, đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu tổng thể nào về hiện trạng và định hướng ứng dụng các công nghệ hiện đại trong quản lý, điều hành giao thông mang tính đồng bộ, lâu dài. Các dự án đã và đang triển khai vẫn mang tính rời rạc, thiếu kết nối nên chưa phát huy được hiệu quả và chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý, điều hành giao thông của Thủ đô.

“Hiện vẫn chưa hình thành được trung tâm quản lý giao thông đô thị có các phần mềm chuyên dụng có khả năng phân tích dữ liệu về giao thông để đưa ra mô hình, kịch bản tổ chức giao thông. Các hệ thống chủ yếu hoạt động độc lập, rời rạc phục vụ cho nhu cầu riêng từng ngành, chưa có cơ sở dữ liệu tập trung, chuẩn hóa và chia sẻ thông tin”, Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường đánh giá.

Từ những bất cập nói trên, để từng bước hoàn thiện hệ thống giao thông thông minh, hướng tới xây dựng thành phố thông minh như mục tiêu Nghị quyết số 10-NQ/TU của Thành ủy, Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội đề xuất UBND thành phố Hà Nội giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì cùng các sở, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu thành phố ban hành khung kiến trúc, tiêu chuẩn giao thông thông minh, bảo đảm khả năng tương thích của các hệ thống được đầu tư từ những dự án khác nhau.

Từ nay đến năm 2030, hình thành trung tâm điều hành giao thông thông minh tích hợp của thành phố. Trung tâm này sẽ do cơ quan quản lý giao thông chuyên ngành trực tiếp vận hành (như ở thành phố Hồ Chí Minh và một số nước) và được kết nối, chia sẻ dữ liệu thường xuyên, liên tục đến các cơ quan khác, giúp xử lý sự cố khẩn cấp, bảo đảm an ninh trật tự, phòng, chống cháy nổ…

Các thiết bị ngoại vi (hệ thống camera, đèn tín hiệu…) do chủ đầu tư thực hiện trên các tuyến đường phải đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn chung, bảo đảm khả năng kết nối và sẵn sàng chia sẻ dữ liệu về trung tâm điều hành khi có yêu cầu… Với khối lượng công việc như vậy, có thể thấy việc xây dựng hệ thống giao thông thông minh còn khá nhiều thách thức, đòi hỏi các cấp, ngành phải nỗ lực, quyết tâm cao, mới có thể hoàn thành đúng mục tiêu đã đề ra.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng giao thông thông minh - còn nhiều thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.