(HNM) - Ngày 29-10, buổi sáng, Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể tại hội trường nghe tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra về dự án Luật Đất đai (sửa đổi); dự án Luật Phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai; dự án Luật Phòng chống khủng bố; dự án Luật Hòa giải cơ sở; dự án Luật Giáo dục quốc phòng - an ninh; dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và tờ trình về dự thảo Nghị quyết về việc lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Khẳng định việc lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn là cần thiết, phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành, thực hiện đúng các nghị quyết của Đảng, các ĐBQH cho rằng, đây là một bước cụ thể hóa các quy định hiện hành của Hiến pháp và luật, khắc phục những hạn chế, bất cập trong quy trình bỏ phiếu tín nhiệm hiện nay. Đại biểu Bùi Thị An (đoàn Hà Nội) nhấn mạnh, đây là vấn đề quan trọng, cấp thiết để có một đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh; tuy nhiên để tránh làm tràn lan, hình thức, chỉ nên tập trung vào những chức danh do QH bầu. Đối với QH, chỉ nên lấy phiếu, bỏ phiếu với các chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch và Chủ nhiệm, Phó chủ nhiệm các ủy ban. Về phía Chính phủ, nên bỏ phiếu từ cấp bộ trưởng và tương đương trở lên. Đại biểu đề nghị, trước mắt chỉ nên tập trung vào những chức danh có quyền ra quyết định và liên quan đến lĩnh vực kinh tế tài chính.
Đồng tình với quan điểm trên, các ý kiến thảo luận tại tổ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thanh Hóa đều cho rằng QH chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm đối với 49 chức danh gồm Chủ tịch QH, các Phó Chủ tịch QH, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các ủy ban của QH, các thành viên khác của Ủy ban TVQH; Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước; Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên khác của Chính phủ; Chánh án TAND tối cao; Viện trưởng Viện KSND tối cao; Tổng Kiểm toán nhà nước. Theo đó, việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện định kỳ hằng năm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Còn đối với bỏ phiếu tín nhiệm, sau hai lần lấy phiếu tín nhiệm liên tiếp nếu không đủ 50% thì mới thực hiện. Cũng có ý kiến cho rằng, nên lấy tín nhiệm vào kỳ họp cuối năm để có thể đánh giá sát sao kết quả thực thi nhiệm vụ.
Chốt lại phần thảo luận tại tổ của đoàn Hà Nội, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Phạm Quang Nghị đánh giá, đây là việc lớn, việc khó và rất quan trọng. Tán thành phương án QH chỉ lấy và bỏ phiếu tín nhiệm với 49 chức danh chủ chốt, Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Phạm Quang Nghị cho biết, trên thực tế khi giải quyết công việc cần tính đến quy trình pháp lý và yếu tố thực tiễn bởi thực tiễn phong phú hơn quy định của pháp luật rất nhiều. Dẫn ra ví dụ, nếu việc bỏ phiếu, lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện sau khi một cơn bão lớn vừa đổ bộ gây thiệt hại lớn về người và của, chắc chắn tín nhiệm của bộ chủ quản đó sẽ thấp, vì vậy để tránh trường hợp bị những tâm lý bột phát nhất thời chi phối đến quyết định của phiếu bầu, các quy trình và tiêu chí ngoài khách quan, trung thực cần tỉ mỉ, khoa học hơn nữa. Trưởng đoàn ĐBQH Hà Nội Phạm Quang Nghị cũng đề nghị, trong 49 chức danh dự định lấy và bỏ phiếu tín nhiệm, nên phân ra hai đối tượng. Đối với những người có vị trí đặc biệt quan trọng: Chủ tịch QH, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ cần có quy trình riêng vì các chức danh này có cương vị, trách nhiệm cao hơn rất nhiều so với các bộ trưởng, các chủ nhiệm ủy ban của TVQH. Và chỉ nên tiến hành đánh giá, bỏ phiếu tín nhiệm hai năm giữa của nhiệm kỳ.
Theo chương trình, ngày 10-11, QH sẽ thảo luận tại hội trường về nội dung này.
* Trong các dự án luật trình QH sáng 29-10, đáng chú ý là dự án Luật Đất đai (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày với nhiều điểm mới so với những quy định hiện hành. Đây là một trong những dự án luật được đông đảo người dân quan tâm, bởi đất đai hiện là một trong những "điểm nóng" của dư luận. Dự luật mới đã bỏ quy định mỗi năm HĐND ra quyết định về bảng giá đất dựa trên khung giá do Chính phủ quy định, đồng thời đưa ra quy định mới là UBND cấp tỉnh ban hành bảng giá đất để áp dụng cho tất cả các mục đích; không công bố bảng giá đất hằng năm nhưng điều chỉnh khi giá đất trên thị trường có sự biến động lớn. Dự thảo cũng quy định giá đất do Nhà nước quy định theo mục đích sử dụng đất tại thời điểm định giá, bảo đảm phù hợp với cơ chế thị trường.
Quy định mới về giá đất tại dự thảo đã được đa số ý kiến của Ủy ban Kinh tế QH tán thành. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế QH Nguyễn Văn Giàu, nhiều ý kiến đại biểu tán thành việc định giá đất để bồi thường cho người sử dụng đất phải theo mục đích sử dụng tại thời điểm thu hồi và có tính đến công sức đầu tư, bồi bổ của người sử dụng đất. Ủy ban cũng đề nghị quy định chặt chẽ việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm việc thu hồi đất được thực hiện công bằng và đúng pháp luật. Người sử dụng đất được bồi thường theo mục đích đang sử dụng hợp pháp và được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất để bảo đảm đời sống.
Đa số ý kiến trong Ủy ban Kinh tế QH cũng tán thành quy định tại dự thảo về việc Nhà nước chủ động thu hồi đất theo kế hoạch sử dụng đất hằng năm đã được phê duyệt, tán thành việc quy định cụ thể các trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào các mục đích quốc phòng, an ninh, phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển KT-XH; tuy nhiên, cần cân nhắc tính khả thi của việc thu hồi đất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.