Sau hơn 1 năm khai thác cầu Long Kiểng mới (thành phố Hồ Chí Minh), cầu sắt cũ sát bên có tuổi thọ hơn 50 năm được đề xuất tháo dỡ nhằm bảo đảm an toàn.
Ngày 29-10, Sở Giao thông Vận tải thành phố Hồ Chí Minh thông tin, sau khi cầu Long Kiểng mới hoàn thành và đưa vào sử dụng từ tháng 9-2023 đến nay, cầu sắt cũ sát bên chủ yếu phục vụ số ít xe máy, người đi bộ. Cầu cũng ít được bảo dưỡng nên xuống cấp nhanh.
Từ thực tế này, Sở đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố Hồ Chí Minh (chủ đầu tư) sớm thanh lý cầu nhằm tránh lãng phí chi phí quản lý và bảo đảm an toàn. Dự kiến, sau khi tháo dỡ cầu, những vật tư còn dùng được sẽ tận dụng cho các công trình khác hoặc lưu kho.
Cầu Long Kiểng cũ nằm trên đường Lê Văn Lương, được xây dựng từ trước năm 1975, nối hai xã Phước Kiển và Nhơn Đức (huyện Nhà Bè). Công trình có kết cấu bằng thép, rộng hơn 2m, từng bị sập, sau đó được gia cố.
Sau thời gian dài khai thác, công trình xuống cấp nên thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai dự án xây cầu mới thay thế với tổng mức đầu tư 589 tỷ đồng. Công trình nằm sát bên cầu sắt cũ, hoàn thành thông xe tháng 9-2023.
Sau một năm khai thác, cầu Phước Kiểng mới giúp người dân ở khu vực đi lại thuận lợi, tăng kết nối giao thông cho cửa ngõ phía Nam thành phố Hồ Chí Minh với tỉnh Long An.
Ngoài cầu Long Kiểng, trên đường Lê Văn Lương còn 3 cây cầu khác là Rạch Dơi, Rạch Tôm và Rạch Đỉa. Trong đó, cầu Rạch Đỉa đang được thành phố Hồ Chí Minh triển khai xây cầu mới thay thế, dự kiến hoàn thành cuối năm 2024. Hai cầu còn lại kết cấu bằng thép cũng đã xuống cấp nhưng chưa được đầu tư xây dựng.
Hiện nay, Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh đã đề xuất nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để khởi công, hoàn thành, thông xe cầu Rạch Dơi vào năm 2028.
Còn đối với cầu Rạch Tôm, Sở đề xuất UBND thành phố Hồ Chí Minh ưu tiên đầu tư bố trí xây dựng cầu mới, vốn đầu tư khoảng 260 tỷ đồng.
Trước đó, Báo Hànộimới đã có bài viết với tiêu đề: “Bất an từ những cây cầu lớn tuổi ở thành phố Hồ Chí Minh”, phản ánh về những cây cầu sắt có tuổi thọ hơn 50 năm vẫn đang được sử dụng và xuống cấp từng ngày khiến người dân lo lắng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.