Hà Nội kết nối

Bất an từ những cây cầu lớn tuổi ở TP Hồ Chí Minh

Hà Phạm 11/10/2024 - 07:20

Những cây cầu sắt có tuổi thọ hơn 50 năm của thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang được sử dụng và xuống cấp từng ngày khiến người dân lo lắng.

crd.jpg
Cầu Rạch Dơi nối huyện Nhà Bè (thành phố Hồ Chí Minh) với tỉnh Long An đã xuống cấp nghiêm trọng. Ảnh: M.Tuấn

Nguy hiểm rình rập

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) thành phố Hồ Chí Minh, đường Lê Văn Lương là tuyến giao thông huyết mạch cửa ngõ phía Nam thành phố, nối quận 7 với huyện Nhà Bè thẳng xuống tỉnh Long An. Với vị trí quan trọng, tuyến đường dễ dàng kết nối với cả một hệ thống cơ sở hạ tầng khu Nam, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, hệ thống cảng biển, cũng như kết nối linh hoạt với các tỉnh miền Tây.

Tuy vậy, trên tuyến này, trước đây có 4 cây cầu sắt gồm: Rạch Đỉa, Long Kiểng, Rạch Tôm và Rạch Dơi, đều được xây dựng trước năm 1975, cùng kết cấu bằng thép và xuống cấp. Hiện nay, ngoài cầu Long Kiểng mới đã thông xe, cầu Rạch Đỉa mới đang thi công, 2 cây cầu sắt còn lại vẫn chưa được xây mới.

Cụ thể, cầu Rạch Dơi bắc qua dòng sông Kinh, nối huyện Nhà Bè (thành phố Hồ Chí Minh) với tỉnh Long An. Cây cầu có kết cấu bằng sắt, rộng 3 - 3,3m, lưu thông 2 chiều, không có lề bộ hành. Đến nay, cây cầu đã có tuổi thọ hơn 50 năm, thế nhưng hằng ngày vẫn phải gồng gánh một lượng xe lớn lưu thông qua lại.

“Cứ đi qua cầu là hồi hộp, lo âu và rất bất an vì cây cầu đã xuống cấp lắm rồi, rất mất an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Rất mong nhà nước cho thay thế một cây cầu mới để người dân đi lại thuận lợi và an toàn”, ông Bá Thanh Hoàng (ngụ huyện Nhà Bè) mong mỏi.

Theo ghi nhận, cây cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, mỗi khi xe đi qua là mặt cầu lại rung lên bần bật, phát ra tiếng ồn lớn do các tấm sắt va vào nhau. Nhiều vị trí trên cầu sắt bị hoen rỉ nghiêm trọng, nhiều đoạn sắt nối bị lệch, bung ốc vít,…

crt2.jpg
Cầu Rạch Tôm nhỏ hẹp đang phải gánh một lượng lớn phương tiện lưu thông, kể cả xe tải, xe ô tô. Ảnh: M.Tuấn

Theo Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh, Sở đã đề xuất nhanh chóng hoàn tất các thủ tục để khởi công, hoàn thành, thông xe cầu Rạch Dơi năm 2028. Trong tổng mức đầu tư, thành phố sẽ đảm nhận chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 265 tỷ đồng, còn đoạn qua tỉnh Long An dự kiến chi phí khoảng 85 tỷ đồng sẽ do địa phương này thực hiện. Cầu mới sẽ dài 452m, rộng 15m với phần đường dẫn khoảng 300m.

Cách đó gần 3km, cầu Rạch Tôm cũng tồn tại hơn 50 năm, cùng chung số phận khi cây cầu nhỏ hẹp này mỗi ngày phải gánh một lượng lớn phương tiện lưu thông. Nhiều bộ phận trên cầu đã xuống cấp, hoen rỉ, phải cố định bằng dây thép. Mỗi khi xe đi qua, cầu rung lắc mạnh, phát ra các tiếng kêu lớn.

crt.jpg
Bản mặt cầu sắt rung lắc mỗi khi xe cộ lưu thông qua lại. Ảnh: M.Tuấn

Phó Giám đốc Sở GTVT thành phố Phan Công Bằng cho hay, Sở đề xuất UBND thành phố ưu tiên đầu tư bố trí xây dựng cầu mới khoảng 260 tỷ đồng, trong giai đoạn 2024-2025 giải phóng mặt bằng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2026.

Các cây cầu trọng điểm chờ "giải cứu"

Theo thống kê của Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh, trên địa bàn thành phố có hơn 220 cây cầu đang được sử dụng phục vụ người dân. Để tránh xảy ra sự cố, Sở đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, đảm bảo an toàn khai thác cầu, hầm đường bộ và cầu giao thông nông thôn trên địa bàn thành phố.

Trong đó, nhiều cây cầu có tuổi thọ cao như: Tân Thuận 1, Sài Gòn, Bình Triệu 1, Bình Phước 1, Vàm Sát (cũ)… đa số được xây dựng từ trước năm 1975 và được trùng tu, sửa chữa nhiều lần.

ctt.jpg
Cầu Tân Thuận 1 hiện đã xuống cấp cần được cải tạo, nâng cấp quy mô. Ảnh: Anh Tú

Thậm chí, cầu Tân Thuận 1 được xây dựng từ thời Pháp thuộc vào năm 1905. Tồn tại gần 120 năm, đây là một trong những cây cầu lâu đời nhất thành phố Hồ Chí Minh vẫn còn được sử dụng. Cầu dài 241m, bề ngang 8m, bắc qua kênh Tẻ (một nhánh của sông Sài Gòn). Trải qua nhiều lần sửa chữa sau khi có dấu hiệu xuống cấp, đến năm 2008, cầu được nâng tải trọng lên 30 tấn và chỉ cho phương tiện lưu thông một chiều hướng từ quận 7 sang quận 4.

Để giảm tải cho cầu Tân Thuận 1, năm 2005, thành phố hoàn tất xây dựng và đưa cầu Tân Thuận 2 vào khai thác. Cây cầu này được thiết kế gần như song song với cầu Tân Thuận 1 và chỉ cho phép các phương tiện lưu thông từ quận 4 sang quận 7.

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều đoạn cầu Tân Thuận 1 đã xuống cấp nhưng mỗi ngày vẫn phải gánh hàng ngàn lượt phương tiện qua lại. "Người dân mong lãnh đạo thành phố sớm đưa ra phương án tối ưu để giải quyết tình trạng xuống cấp, đem lại diện mạo mới cho cây cầu hơn trăm tuổi huyết mạch này", ông Trần Quốc Hưng (ngụ đường Trần Xuân Soạn, quận 7) mong mỏi.

Theo PGS.TS Nguyễn Bá Hoàng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường đại học GTVT thành phố Hồ Chí Minh, thành phố cần tổng kiểm tra, rà soát, sửa chữa và nâng cấp quy mô lớn ở những cây cầu trọng điểm có tuổi thọ cao, vì hiện nay đa số đã xuống cấp nhưng vẫn phải gánh lượng phương tiện tham gia giao thông lớn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bất an từ những cây cầu lớn tuổi ở TP Hồ Chí Minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.