Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất tăng phân cấp, phân quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất

Đình Hiệp| 30/10/2021 18:02

(HNMO) - Ngày 30-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ hai, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự kiến quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025). Quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch tài nguyên đặc biệt, vì vậy, đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm của người đứng đầu địa phương trong quản lý đất đai.

 Toàn cảnh phiên họp chiều 30-10 tại điểm cầu Nhà Quốc hội.

Cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, việc đánh giá trong thực hiện các chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thời gian qua cho thấy, nhiều chỉ tiêu chỉ mới được đề cập dưới dạng thống kê và phản ánh tình hình thực hiện, chứ chưa được đi sâu phân tích chất lượng của quy hoạch. Nhiều vấn đề tồn tại, yếu kém, bức xúc chưa được đề cập một cách đầy đủ, như vấn đề chất lượng quy hoạch, việc điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, có những trường hợp điều chỉnh còn tùy tiện, theo lợi ích của nhà đầu tư…

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn Quảng Bình) phát biểu.

Các đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn Quảng Bình), Trần Đình Văn (Đoàn Lâm Đồng) và nhiều ý kiến khẳng định, quan điểm quy hoạch sử dụng đất là quy hoạch tài nguyên đặc biệt, vì vậy, phải bảo đảm có tầm nhìn dài hạn, tổng thể, đáp ứng các mục tiêu của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước phát triển nhanh, bền vững; bảo đảm tính liên vùng, liên tỉnh; gắn kết hữu cơ giữa đô thị và nông thôn. Trong đó, phải thống nhất từ trung ương đến địa phương, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm an ninh lương thực…

Bày tỏ sự nhất trí với mục tiêu, phương án cũng như tầm nhìn trong quy hoạch, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) kiến nghị Quốc hội phân cấp cho cấp tỉnh quyết định việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất với đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ của các dự án có sử dụng đất mà trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được Chính phủ phê duyệt. Vì quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất đều đã được Chính phủ phê duyệt, khi chuyển đổi lại phải xin Thủ tướng Chính phủ là không phù hợp, chưa kể phát sinh thủ tục hành chính và tăng chi phí.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh cũng đề nghị cá thể hóa trách nhiệm người đứng đầu, có cơ chế giám sát để bảo đảm hiệu quả của cơ chế phân cấp; quy định thời gian Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các tỉnh, thành phố trước ngày 31-12-2021, để làm cơ sở cho các địa phương có cơ sở phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.

Việc tăng diện tích đất cho khu công nghiệp theo đề xuất của Chính phủ cho giai đoạn 2021-2030, lên tới trên 210.000ha, tăng 120.000ha so với năm 2020, khiến nhiều đại biểu lo ngại về tính khả thi và hiệu quả. Vì giai đoạn 2011-2020, chỉ tiêu đất khu công nghiệp đạt rất thấp (thực hiện trên 90.000ha trong số 191.420ha, mới đạt hơn 47,45%), tỷ lệ lấp đầy bình quân đối với các khu công nghiệp đã đi vào hoạt động chỉ đạt 75%.

 Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) phát biểu.

Về vấn đề này, đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) cho rằng, nên tăng diện tích đất cho khu kinh tế, cả khu kinh tế ven biển và khu kinh tế cửa khẩu, còn đất cho khu công nghiệp cần được tính toán lại. Lý do là diện tích đất tại khu kinh tế ven biển và khu kinh tế cửa khẩu là gần tương đương nhau, nhưng tỷ lệ lấp đầy tại khu kinh tế ven biển tương đối cao, cần tiếp tục mở rộng thêm, trong khi tỷ lệ lấp đầy tại khu kinh tế cửa khẩu rất thấp...

Lãm rõ nguyên tắc chuyển đổi đất lúa

Báo cáo của Chính phủ cho biết, trong năm 2020, cả nước có 3,92 triệu héc ta đất trồng lúa, trong đó đất chuyên trồng lúa nước (hai vụ lúa) có 3,18 triệu héc ta bảo đảm chỉ tiêu Quốc hội quyết định. Để bảo đảm an ninh lương thực theo kết luận của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến năm 2020 và trên cơ sở quy mô dân số cũng như các dự báo về an ninh lương thực, Chính phủ đề xuất quy hoạch đến năm 2030, diện tích đất trồng lúa và lúa kết hợp với các cây lương thực có 3,568 triệu héc ta, giảm 349.000ha.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) phát biểu.

Thảo luận về vấn đề này, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Đoàn Nam Định) bày tỏ lo ngại diện tích đất trồng lúa bị thu hẹp, nhiều lao động nông thôn thất nghiệp, trở thành lao động tự do. Nhiều dự án thu hồi đất trồng lúa xong thì bị bỏ hoang hoặc triển khai một thời gian rồi “đắp chiếu”, rất lãng phí, trong khi người dân không có đất để sản xuất. Đó là chưa kể một số địa phương tự ý chuyển đổi đất trồng lúa sang mục đích khác.

“Vì thế, đề nghị cần làm rõ nguyên tắc, tiêu chí cho phép chuyển đổi đất lúa, khu vực nào cần chuyển đổi, khu vực nào cần giữ. Theo tính toán của các nhà khoa học thì mỗi héc ta đất nông nghiệp dành cho khu đô thị, khu công nghiệp thường kéo theo 1 - 2ha đất liền kề không sử dụng được do ô nhiễm nước, khí thải. Do đó, về lâu dài, để phát triển kinh tế, cần có quỹ đất dành cho khu công nghiệp, nhưng cần hạn chế mức thấp nhất chuyển đổi đất trồng lúa sang đất khu công nghiệp, vì đất này khó có thể sử dụng cho nông nghiệp”, đại biểu Mai Thị Phương Hoa kiến nghị.

Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) là một vấn đề khó và được thực hiện trong thời gian ngắn. Vì thế, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu toàn bộ ý kiến của các đại biểu cũng như cơ quan thẩm tra để hoàn thiện quy hoạch, trên cơ sở rà soát các quy hoạch liên quan.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải chủ trì phiên họp chiều 30-10.

Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, phiên thảo luận đã có 23 đại biểu phát biểu ý kiến và 4 đại biểu tranh luận. Các đại biểu đánh giá cao kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2011-2020; nêu những bất cập, hạn chế trong việc thực hiện quy hoạch thời gian qua. Cùng với đó, các đại biểu cũng góp nhiều ý kiến về quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025) phải phù hợp với các quy hoạch khác.

“Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, thẩm tra nghiên cứu tiếp thu đầy đủ ý kiến thảo luận để hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết trình Quốc hội vào đợt họp trực tiếp kỳ thứ hai này”, Phó Chủ tịch Quốc hội kết luận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất tăng phân cấp, phân quyền chuyển đổi mục đích sử dụng đất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.