(HNMO) - Sáng 27-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ năm, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân (CAND) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Tăng hạn tuổi phục vụ
Trình bày tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết: Dự thảo Luật quy định sĩ quan CAND được xét thăng cấp bậc hàm từ Đại tá lên Thiếu tướng phải còn ít nhất đủ 3 năm công tác. Trường hợp không đủ 3 năm công tác do Chủ tịch nước quyết định. Bổ sung việc Chính phủ quy định cụ thể tiêu chí, tiêu chuẩn thăng cấp bậc hàm cấp Tướng trước thời hạn đối với sĩ quan CAND có thành tích đặc biệt xuất sắc.
“Bổ sung quy định cụ thể về 6 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là cấp Tướng trong CAND, gồm: 1 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thượng tướng và 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng; quy định Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Trung đoàn trưởng có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá”, Đại tướng Tô Lâm nói.
Theo dự thảo Luật, Thượng tướng không quá 7, gồm: Thứ trưởng Bộ Công an, số lượng không quá 6; Sĩ quan Công an nhân dân biệt phái được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
Thiếu tướng không quá 162 bao gồm: Cục trưởng của các đơn vị trực thuộc Bộ Công an và chức vụ, chức danh tương đương; Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ở địa phương được phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh loại I và là địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự, diện tích rộng, dân số đông, số lượng không quá 11; Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Phó Giám đốc Công an thành phố Hồ Chí Minh, số lượng mỗi đơn vị không quá 3...
Bộ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, dự thảo Luật bổ sung quy định và tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của CAND: Tăng 2 tuổi với sĩ quan, hạ sĩ quan; riêng nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Đại tá tăng 5 tuổi, nữ sĩ quan có cấp bậc hàm Thượng tá tăng 3 tuổi; bổ sung quy định kéo dài hạn tuổi phục vụ cao nhất đối với sĩ quan CAND trong trường hợp đặc biệt. Nâng tuổi được kéo dài hạn tuổi phục vụ đối với sĩ quan CAND là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, chuyên gia cao cấp từ 60 tuổi lên 62 tuổi đối với nam; từ 55 tuổi lên 60 tuổi đối với nữ.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, Ủy ban cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND. Về việc bổ sung 5 vị trí có cấp bậc hàm cao nhất là Thiếu tướng, có ý kiến đề nghị đánh giá đầy đủ, toàn diện, bảo đảm tương quan về cấp bậc hàm cao nhất và phân cấp chỉ huy.
Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội cũng nhận định, Luật CAND hiện hành đã quy định Trưởng Công an quận trực thuộc thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá. Do đó, dự thảo Luật quy định Trưởng Công an thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương có cấp bậc hàm cao nhất là Đại tá là phù hợp.
Nâng thời hạn của thị thực điện tử
Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Bộ trưởng Tô Lâm cho biết: Dự thảo Luật có 3 điều, sửa đổi 13 điều, khoản của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam năm 2019, tập trung vào 2 nhóm nội dung; Sửa đổi 7 điều, khoản của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), tập trung vào 2 nhóm nội dung.
Dự thảo Luật bổ sung hình thức nộp hồ sơ trên môi trường điện tử đối với thủ tục đề nghị cấp hộ chiếu phổ thông, báo mất hộ chiếu phổ thông trên môi trường điện tử, khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông. Bãi bỏ quy định nộp bản chụp Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân đối với trường hợp có sự thay đổi thông tin về nhân thân so với thông tin trong hộ chiếu đã cấp lần gần nhất và bãi bỏ quy định nộp Bản sao giấy khai sinh hoặc Trích lục khai sinh đối với người chưa đủ 14 tuổi đã được cấp mã số định danh cá nhân.
“Sửa đổi, bổ sung quy định để phân cấp giải quyết việc trình báo mất hộ chiếu phổ thông từ Cục Quản lý xuất nhập cảnh về Công an cấp tỉnh, từ Công an cấp tỉnh về Công an cấp huyện, từ Công an cấp huyện về Công an cấp xã”, Bộ trưởng Bộ Công an nói.
Về nhóm nội dung sửa đổi Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), Đại tướng Tô Lâm cho biết: Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung quy định để nâng thời hạn của thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; sửa đổi, bổ sung quy định để mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ và giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phù hợp với chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung để nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác của Luật.
Cơ bản thống nhất với dự thảo Luật, báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày nêu, một số ý kiến cho rằng, như hiện nay, Việt Nam đơn phương miễn thị thực có thời hạn đối với công dân của 25 nước là thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực nên đề nghị mở rộng hơn diện và điều kiện đơn phương miễn thị thực.
“Đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu hoàn chỉnh dự thảo Luật”, ông Lê Tấn Tới nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.