(HNM) - Trong khi người tiêu dùng chưa hết bức xúc do sữa liên tục tăng giá từ đầu năm đến nay thì lại có 3 đơn vị tiếp tục gửi hồ sơ đăng ký tăng giá lên Bộ Tài chính với mức tăng 2-15%.
Nếu đề xuất này được chấp nhận, sẽ có một đợt tăng giá sữa mới. Dường như bất chấp mọi tuyên bố kiểm soát giá sữa của các cơ quan chức năng, giá sữa trên thị trường vẫn "leo thang", nhất là các loại sữa ngoại nhập.
Giá sữa dồn dập tăng khiến nhiều trẻ em không có cơ hội sử dụng mặt hàng thiết yếu này. Ảnh: Xuân Phú |
Có 3 đơn vị mới gửi hồ sơ đăng ký tăng giá, gồm Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A Việt Nam (điều chỉnh tăng giá 2-9,5%), Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam (điều chỉnh tăng giá khoảng 9%), Công ty CP Sữa Việt Nam (tăng 3-15%). Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), lý do 3 doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký tăng giá là giá sữa thế giới tăng. Song thực tế cho thấy, giá sữa thế giới có tăng nhưng không tăng tương xứng với giá tăng của các hãng sữa trong nước. Giá sữa thành phẩm được tính từ giá nguyên liệu nhập khẩu, chi phí hoạt động (lương nhân viên, phân phối, chiết khấu, hoa hồng…), lợi nhuận định mức. Tính toán của các chuyên gia ngành sữa cho thấy, ngoài chi phí nhập khẩu sữa, các chi phí khác như vỏ hộp, nhân công, khấu hao thiết bị, máy móc, các chất bổ sung… chỉ hết khoảng 30.000 đồng. Như vậy, một hộp sữa loại 900g có giá thành từ 120.000 đến 130.000 đồng/hộp trong khi giá bán trên thị trường dao động từ 250.000 đến 510.000 đồng/hộp. Việc một số DN sản xuất, kinh doanh sữa liên tục tăng giá như hiện nay là điều khó hiểu và khó có thể chấp nhận.
Nhiều năm qua, mặc dù thu nhập của người dân nước ta ở mức thấp nhưng giá sữa lại luôn cao hơn giá sữa thế giới: bình quân giá sữa hiện nay tại Việt Nam ở mức 1,4 USD/lít, trong khi Trung Quốc là 1,1 USD/lít, Châu Âu - Mỹ là 0,5-0,9 USD/lít… Điều tra của các nhà nghiên cứu và một số cơ quan chức năng cũng cho thấy, giá sữa ở nước ta cao như vậy chủ yếu là do chi phí cho chiết khấu, tiếp thị, quảng cáo, tiền lương và một số chi phí khác. Thậm chí, không loại trừ có sự chuyển giá trong lĩnh vực này.
Một trong những nguyên nhân khiến giá sữa có thể tăng mà không gặp phải "sự can thiệp" của bất cứ cơ quan chức năng nào là do sự phối hợp của các cấp có thẩm quyền trong việc quản lý sữa chưa tốt. Trong đợt tăng giá mới đây, các hãng sữa chỉ thay đổi tên gọi từ "sữa" sang "thực phẩm dinh dưỡng bổ sung", hoặc "thức ăn công thức dành cho trẻ em"… Thực chất đây vẫn là sữa bột nhưng do có sự không thống nhất giữa Bộ Y tế và Bộ Tài chính về cách thức và tiêu chí phân loại sản phẩm nên hầu hết các DN trong nước cũng như đơn vị nhập khẩu đã lách luật để trục lợi? Theo quy định của Luật Giá, từ ngày 1-1-2013, DN phải kê khai giá mỗi lần điều chỉnh đối với mặt hàng sữa bột cho trẻ dưới 6 tuổi. Nếu không đăng ký là sản phẩm sữa bột thì DN không phải kê khai mỗi lần điều chỉnh giá. Trong khi đó, theo quy định của Bộ Y tế, chỉ những sản phẩm sữa bột có hàm lượng đạm đạt hơn 34% mới được coi là sữa, mà phần lớn sữa bột lưu hành trên thị trường chỉ có độ đạm từ 18% trở xuống. Ủy ban Tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế đã khuyến cáo sữa bột cho trẻ có tỷ lệ đạm dao động 11-18% là đạt, tại sao Bộ Y tế lại phải đòi hỏi quá cao như vậy? Bên cạnh đó, có biểu hiện của các liên doanh, hãng sữa ngoại "bắt tay" với nhau để đồng loạt tăng giá; khi sữa ngoại tăng giá thì sữa nội cũng "té nước theo mưa". Theo quy định của cơ quan chức năng, thời gian tối thiểu tăng giá là trong vòng 15 ngày liên tục; giá bán lẻ sữa tăng từ 20% trở lên so với giá thị trường trước khi có biến động, cơ quan chức năng có quyền áp dụng các biện pháp bình ổn. Để "lách" quy định, các hãng sữa đã điều chỉnh tăng giá bán mỗi lần không quá 20% nhưng tăng nhiều lần…
Sự buông lỏng và phối hợp chưa đồng bộ trong việc quản lý giá sữa của các cơ quan chức năng đã tạo kẽ hở cho các DN liên tục tăng giá sữa. Và đối tượng phải chịu thiệt không ai khác là NTD, nhất là trẻ nhỏ, người già và người bệnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.