Giáo dục

Đề xuất nhà giáo phải có chứng nhận nghề nghiệp: Còn nhiều băn khoăn

Hồng Hạnh 07/02/2024 - 07:20

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó có quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp. Xung quanh nội dung này còn nhiều ý kiến khác nhau, nổi lên là những băn khoăn phát sinh thủ tục hành chính, gây thêm áp lực cho nhà giáo, nhất là trong bối cảnh toàn ngành đang tích cực đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.

mot-tiet-hoc-cua-hoc-sinh-t.jpg
Một tiết học của học sinh Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (quận Long Biên). Ảnh: Nguyễn Quang

Vì sao nhà giáo cần có chứng nhận nghề nghiệp?

Một trong những thông tin đang thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội và trong ngành Giáo dục những ngày qua là dự thảo Luật Nhà giáo với quy định nhà giáo phải có giấy chứng nhận nghề nghiệp.

Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo - đơn vị được giao nhiệm vụ xây dựng dự thảo luật, giấy chứng nhận nghề nghiệp được cấp miễn phí cho nhà giáo, thay thế quyết định công nhận hoàn thành chế độ tập sự đang áp dụng hiện nay và được cơ sở giáo dục nhận xét, xác nhận đạt tiêu chuẩn từ mức đạt trở lên theo chuẩn nghề nghiệp nhà giáo của một cấp học hoặc trình độ đào tạo. Lãnh đạo Bộ cũng khẳng định, nếu đưa vào luật quy định này thì sẽ có điều khoản chuyển tiếp phù hợp, thuận tiện. Cụ thể, những nhà giáo đã có quyết định tuyển dụng và đang giảng dạy tại các cơ sở giáo dục thì sẽ được cấp giấy chứng nhận để ghi nhận sự cống hiến cho sự nghiệp giáo dục hoặc sử dụng để tiếp tục hoạt động nghề nghiệp.

Làm rõ thêm nội dung này, Cục trưởng Cục Nhà giáo (Bộ Giáo dục và Đào tạo) Vũ Minh Đức cho rằng, việc đưa vào sử dụng giấy chứng nhận nghề nghiệp sẽ tác động tích cực và thuận lợi cho cả nhà giáo và cơ sở giáo dục. Giấy chứng nhận này có giá trị sử dụng toàn quốc nên dù nhà giáo dạy học ở đâu cũng không cần thực hiện lại chế độ tập sự; giảm thủ tục cho nhà giáo khi thuyên chuyển và ký hợp đồng làm việc... Giấy chứng nhận nghề nghiệp nhà giáo còn có giá trị sử dụng trong suốt thời gian nhà giáo hoạt động giảng dạy, giáo dục, trừ trường hợp bị thu hồi hoặc tạm đình chỉ hoạt động.

Cũng theo ông Vũ Minh Đức, quy định này còn nhằm giải quyết những khó khăn, bất cập hiện nay trong việc thực hiện chế độ chính sách đối với nhà giáo. Bởi hiện nay, hầu hết nhà giáo của các cơ sở giáo dục ngoài công lập chưa được đánh giá công nhận hết thời gian tập sự và xác nhận thăng tiến về năng lực hoạt động để làm căn cứ cho việc bảo đảm các chế độ chính sách.

Nhiều trăn trở

Ghi nhận chung tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Hà Nội cho thấy, có nhiều ý kiến khác nhau về đề xuất nhà giáo phải có chứng nhận nghề nghiệp. Có ý kiến cho rằng, đây là quy định hợp lý, nhưng cách triển khai cần tránh gây phiền phức cho đội ngũ giáo viên.

Theo cô giáo Vũ Thị Thu Thủy, giáo viên Trường Tiểu học Nghĩa Đô (quận Cầu Giấy), nếu giáo viên đã tốt nghiệp các trường đại học chính quy đào tạo ngành Sư phạm thì nên xét cấp chứ không cần thi để cấp giấy chứng nhận. Quy định này cũng nên áp dụng với sinh viên tốt nghiệp các trường này. Còn đối với các giáo viên học các loại hình đào tạo sư phạm khác thì nên có hình thức thi, song việc này cần bảo đảm chất lượng, minh bạch, công bằng.

“Cơ quan quản lý cần có giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng đào tạo ở các trường, khoa sư phạm. Đây là vấn đề cốt lõi và là gốc của mọi vấn đề liên quan đến chất lượng đội ngũ và chất lượng giáo dục”, cô giáo Vũ Thị Thu Thủy nêu ý kiến.

Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng (quận Ba Đình) cho rằng, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa làm rõ mục đích của chứng nhận nghề nghiệp dành cho nhà giáo. Có thể, Bộ đang hướng đến việc nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, tức là những người làm nghề giáo phải được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao tay nghề và thẩm định trước khi hành nghề. Các trường sư phạm hiện nay mới chỉ tập trung đào tạo khoa học cơ bản, việc bồi dưỡng tay nghề còn yếu. Trong trường hợp các trường đã làm tốt việc này, cũng cần có bộ phận đánh giá độc lập, khách quan để khẳng định chất lượng đào tạo và trình độ tay nghề của giáo viên.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, không nên bắt buộc tất cả nhà giáo phải có chứng nhận nghề nghiệp. Những ai chưa đạt được mốc thời gian công tác hoặc chưa đạt chuẩn năng lực theo quy định mới bắt buộc thi để được cấp chứng nhận nghề nghiệp. Những người hành nghề dạy thêm cần bắt buộc phải có chứng chỉ này.

Cả nước hiện có hơn 1 triệu giáo viên đang công tác tại các cơ sở giáo dục, nếu yêu cầu tất cả đội ngũ này phải bổ sung giấy chứng nhận nghề nghiệp thì cần phải xem xét ở nhiều khía cạnh. Nhiều người lo lắng, giấy chứng nhận này có thể trở thành một loại “giấy phép con”, làm phát sinh thêm thủ tục hành chính cho nhà giáo. Vì thế, những băn khoăn, trăn trở nói trên cần phải được xem xét, nghiên cứu kỹ lưỡng với những đánh giá tác động đa chiều để có được quyết định phù hợp nhất.

Nhà giáo Vũ Đình Hà, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo - Thanh Xuân (quận Thanh Xuân):
Tránh gây thêm áp lực

t3-ykien-vu-dinh-ha.jpg

Yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo cùng việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông hiện nay đặt ra cho nhà giáo nhiều việc với những yêu cầu mới, vì thế việc ban hành thêm quy định về giấy chứng nhận nghề nghiệp cần xem xét kỹ để bảo đảm tính khả thi, đồng bộ, không chồng chéo và đặc biệt là không gây áp lực về mặt hành chính cho nhà giáo.

Để bảo đảm tính khả thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần nghiên cứu kỹ về lộ trình thực hiện để đội ngũ nhà giáo có sự chủ động trong việc tham gia đào tạo, bồi dưỡng; đồng thời phân chia đối tượng áp dụng cho phù hợp. Những sinh viên theo học các trường, khoa sư phạm thì việc cần phải có chứng nhận nghề nghiệp mới được coi là tốt nghiệp, đủ điều kiện hành nghề. Riêng với những giáo viên đang công tác, cần tính toán để việc cấp chứng chỉ được thuận lợi, đơn giản, tránh gây thêm áp lực. Theo đó, có thể tổ chức cho đội ngũ này tham gia một khóa bồi dưỡng, kết thúc khóa học thì làm bài kiểm tra và cấp giấy chứng nhận.

Nhà giáo Nguyễn Cao Cường, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thái Thịnh (quận Đống Đa):
Cần rà soát các quy định liên quan

t3-ykien-nguyen-cao-cuong.jpg

Việc ban hành giấy chứng nhận nghề nghiệp góp phần quy chuẩn các điều kiện để hành nghề, giúp giáo viên bảo đảm trình độ chuẩn nhất định. Khi có giấy chứng nhận này, các cơ sở giáo dục công lập hay ngoài công lập sẽ có sự yên tâm khi nhận hoặc luân chuyển giáo viên đủ điều kiện trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Quy định này cũng góp phần thúc đẩy quá trình bồi dưỡng, học tập suốt đời của giáo viên nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng.

Thực tế, hầu hết giáo viên đều mong muốn được giảm bớt các yêu cầu về văn bằng, chứng chỉ để tập trung cho chuyên môn. Trong khi hiện có khá nhiều quy định yêu cầu về trình độ đào tạo, kỹ năng giáo viên, do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát lại toàn bộ các quy định liên quan nhằm đồng bộ và quy chuẩn mọi việc; đồng thời, cần nghiên cứu kỹ về những tác động đa chiều, dài hơi, bảo đảm việc cấp giấy chứng nhận nghề nghiệp mang tính khả thi, giúp nhà giáo có thời gian nghiên cứu và lộ trình phấn đấu rõ ràng.

Bà Vũ Ánh Nguyệt, phụ huynh học sinh lớp 11 Trường Trung học phổ thông Phạm Hồng Thái (quận Ba Đình):
Bảo đảm đời sống giáo viên

t3-ykien-vu-anh-nguyet.jpg

Với góc độ là phụ huynh học sinh, tôi cho rằng, để nâng cao chất lượng giảng dạy và kỹ năng giáo dục của đội ngũ giáo viên, điều quan trọng nhất và ưu tiên thực hiện là làm thế nào bảo đảm đời sống của đội ngũ này. Khi có thu nhập tương xứng, giáo viên mới có thể yên tâm và cố gắng đầu tư công sức, trí tuệ cho bài giảng; từ đó góp phần hạn chế những tiêu cực hoặc các hành vi vi phạm quy định nghề nghiệp hiện nay trong việc dạy thêm, thu chi tài chính, mua sắm thiết bị dạy học...

Tại nhiều văn bản, chủ trương tiền lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, tuy nhiên trên thực tế việc này vẫn chưa trở thành hiện thực. Ở nhiều nơi, không ít giáo viên đã bỏ nghề vì thu nhập không đủ sống. Vì vậy, điều quan trọng nhất là tạo nguồn động lực để họ cống hiến, chuyên tâm gắn bó với nghề chứ không nên gây thêm áp lực hành chính.

Thống Nhất ghi

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất nhà giáo phải có chứng nhận nghề nghiệp: Còn nhiều băn khoăn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.