(HNMO) - Tiếp tục Phiên họp thứ 6, ngày 20-3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế.
Theo Tờ trình về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ trình bày, qua 4 năm thực hiện đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc quy định thống nhất chính sách quản lý thu thuế; tạo môi trường thuận lợi cho người nộp thuế tuân thủ pháp luật về thuế… Nhưng quá trình phát triển KT - XH đã nảy sinh một số vấn đề cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Dự kiến, Chính phủ chỉnh lý, làm mới 31 điều trong tổng số 120 điều của Luật Quản lý thuế hiện hành. Trong đó, có 21 nội dung nhằm mục tiêu giảm chi phí, thời gian của người nộp thuế. Đồng thời tăng cường tính hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý hành chính thuế nhằm chống thất thu, giảm nợ thuế… Đáng chú ý là, quy định xử lý linh hoạt nợ thuế; thời gian thủ tục hoàn thuế được rút ngắn khá nhiều, từ 60 ngày còn 40 ngày kể từ khi nhận đủ hồ sơ.
Phiên họp thứ 6 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. |
Tuy nhiên, khi xem xét tổng thể các đề xuất, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng, nhiều nội dung trong Dự thảo Luật chưa bảo đảm tính cụ thể. Có vấn đề quan trọng còn giao Chính phủ hoặc Bộ Tài chính quy định bằng văn bản dưới luật. Chế tài xử phạt chậm nộp thuế 0,05% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp là quá nhẹ. Vì vậy, đề nghị sửa đổi theo hướng nâng mức phạt lên 0,1% mỗi ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.
Đồng tình với quan điểm này, Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng, cần đẩy cao các chế tài xử lý vi phạm về trốn thuế, khai thiếu thuế, chậm nộp thuế mới đủ sức răn đe. Dự án Luật nên hạn chế giao cho Chính phủ quy định những vấn đề về chính sách quản lý thuế, đặc biệt là nội dung xóa nợ cần giao thẳng cho Bộ trưởng Bộ Tài chính.
Chiều cùng ngày, UBTVQH cho ý kiến về phương án phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ từ năm 2012 đến 2015. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh báo cáo, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn này chỉ đáp ứng được 47,1% nhu cầu các bộ, ngành, địa phương đề nghị.
Về vấn đề này, theo đánh giá của cơ quan thẩm tra - Ủy ban Tài chính Ngân sách, nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, với nhu cầu vượt quá khả năng đáp ứng vốn, có thể ảnh hưởng đến an ninh tài chính quốc gia. Trong khi đó, Chính phủ chưa giải quyết được các yêu cầu theo tinh thần Nghị quyết số 12/NQ-QH13 ngày 09/11/2011 của Quốc hội.
Chủ nhiệm Ủy ban, ông Phùng Quốc Hiển đã chỉ ra khá nhiều thiếu sót, kể cả ở báo cáo của Chính phủ và qua giám sát thực tế. Đó là chưa làm rõ các công trình, dự án không đưa vào chương trình trái phiếu chính phủ và phương án xử lý hậu quả sau cắt, giảm. Một số bộ, ngành và địa phương chưa thực sự cương quyết thực hiện rà soát, cắt, giảm, giãn, hoãn, chuyển đổi hình thức đầu tư các công trình, dự án đã có trong danh mục vốn TPCP theo Chỉ thị 1792 của Thủ tướng Chính phủ. Đang nổi lên hiện tượng ưu tiên bố trí cho các công trình, dự án có khối lượng hoàn thành, đưa vào sử dụng trước ngày 31/12/2011. Các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2012 lại thiếu sự kiểm soát. “Điều này đã dẫn đến các địa phương chỉ đạo thi công vượt khối lượng khá lớn so với số vốn được phê duyệt, gây khó khăn cho các nhà thầu, tạo gánh nặng nợ rất lớn cho ngân sách nhà nước”- ông Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh...
Ủy ban Tài chính Ngân sách đề nghị Chính phủ thực hiện phân bổ vốn trái phiếu chính phủ 180.000 tỷ đồng cho cả giai đoạn 2012 - 2015 để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia và ổn định kinh tế vĩ mô. Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị UBTVQH ban hành nghị quyết về nguyên tắc, tiêu chí, kế hoạch và phương án phân bổ vốn cho 4 năm và năm 2012. Còn về lâu dài "không nên thực hiện chương trình trái phiếu Chính phủ như hiện nay. Trường hợp phát sinh công trình, dự án theo Nghị quyết TU4 thì xin phép Quốc hội cho phát hành công trái, trái phiếu công trình đối với từng dự án, công trình cụ thể và bảo đảm nguyên tắc ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh tài chính quốc gia.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.