(HNMO) - Sáng 15-9, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội lấy ý kiến các sở, ngành, quận, huyện, chuyên gia pháp luật về dự thảo Luật Trưng cầu ý dân.
Đa số ý kiến nhất trí sự cần thiết ban hành luật nhưng cũng góp ý vào một số nội dung, điều khoản, đề nghị dự thảo bám sát các quy định của Hiến pháp 2013, tránh chung chung dẫn đến khó khả thi khi thực hiện.
Theo Hội Phụ nữ TP Hà Nội, Hội Cựu chiến binh TP Hà Nội trưng cầu ý dân là một phương thức để người dân trực tiếp thể hiện ý chí và quyền lực của mình đối với các vấn đề quan trọng của đất nước trong từng thời điểm cụ thể. Việc ban hành Luật trưng cầu ý dân sẽ tạo cơ sở pháp lý cho người dân trực tiếp tham gia vào các công việc của Nhà nước, trực tiếp thể hiện ý chí và thực hiện quyền làm chủ của mình đối với các vấn đề hệ trọng của đất nước. Đây là dấu mốc quan trọng đánh dấu sự phát triển của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam bởi từ Hiến pháp năm 1946 đến nay vấn đề trưng cầu ý dân mới được cụ thể hóa thành luật của Quốc hội.
Song để bảo đảm tính khả thi, Ban soạn thảo cần bổ sung những quy định khái quát, mang tính nguyên tắc, điều kiện và tiêu chí những vấn đề có thể được đề nghị đưa ra trưng cầu ý dân, tránh quy định chung chung, khó cho việc thực hiện sau này.Kết quả trưng cầu ý dân nên có hiệu lực ngay sau khi công bố. Đối với cơ quan có quyền đề nghị trưng cầu ý dân, bên cạnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, đại diện Hội phụ nữ TP đề nghị đưa thêm Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam chứ không như phương án của dự thảo là không có tổ chức này.
Về phía Liên Đoàn Lao động TP Hà Nội, Công an TP Hà Nội cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải xây dựng thiết chế dân chủ, đảm bảo cho các cơ quan nhà nước có cơ sở đưa ra trưng cầu ý dân các vấn đề lớn của đất nước trên phạm vi toàn quốc ngay trong dự thảo. Riêng với vấn đề ảnh hưởng đến lợi ích của một số địa phương như xây dựng nhà máy điện hạt nhân gây ô nhiễm môi trường, trao thẩm quyền đặc biệt cho đơn vị hành chính- kinh tế biên giới, hải đảo tạo ra những lợi ích kinh tế cho các tỉnh, thành phố nhưng tiềm ẩn những nguy hiểm cho lợi ích, vận mệnh của đất nước, quan điểm của Công an TP là cần lấy ý kiến của nhân dân địa phương để cơ quan có thẩm quyền tham khảo trước khi quyết định phương án cuối cùng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.