Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất hay, cần được ủng hộ

Minh Thúy| 18/02/2013 06:23

(HNM) - Những cảnh báo về sự mất cân bằng giới tính khi sinh liên tục được đưa ra song hình như đó vẫn chỉ là việc của các cơ quan chức năng...

Để góp phần điều chỉnh sự mất cân bằng này, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) vừa đưa ra đề xuất hỗ trợ kinh tế cho gia đình sinh một bề hai con là gái... Nhiều người đã có quan điểm khá tương đồng, Báo Hànộimới xin được giới thiệu cùng bạn đọc.



Chị Nguyễn Thị Thu, đường Nguyễn Xiển (Thanh Xuân): Hỗ trợ phải xuyên suốt, trong thời gian dài

Tư tưởng "trọng nam" ăn sâu vào suy nghĩ của nhiều gia đình, dòng họ. Đặc biệt, ở các vùng quê và với người làm nghề tự do, tư tưởng này vẫn rất nặng nề, họ suy nghĩ đơn giản rằng họ đẻ con, họ nuôi, Nhà nước không hỗ trợ thì không nên can thiệp… Điều này cho thấy họ không nghĩ cho tương lai, mà chỉ nhằm thỏa mãn niềm mong mỏi có người thờ cúng gia tiên… Theo tôi, hỗ trợ về kinh tế cho người sinh con một bề là gái đã thể hiện sự quan tâm của Nhà nước và là điểm "nhấn" để thấy rằng, con gái cũng có một vị trí quan trọng để dần thay đổi nhận thức… Song nếu chỉ là sự hỗ trợ hời hợt bằng một vài hiện vật, bằng một chút tiền trong thời điểm ngắn sẽ không mang lại hiệu quả vì nhiều người sinh con không phải vì kinh tế. Tôi cho rằng, khi đã có chính sách hỗ trợ, phải có quá trình thực hiện xuyên suốt, nhất quán trong một thời gian dài mới có tác động đến suy nghĩ của người dân.

Chị Nguyễn Thị Linh, phường Trung Liệt (Đống Đa): Đề xuất này cần được ủng hộ

Tôi cho rằng, đây là một cách tác động tích cực trên nhiều mặt và cần thực hiện càng sớm càng tốt. Việc hỗ trợ có thể chưa được nhiều, chưa đáp ứng được mong mỏi của người dân song cách làm này sẽ tác động đến ý thức của những người còn đang mang nặng suy nghĩ "trọng nam". Chúng ta không thể kỳ vọng biện pháp này sẽ làm thay đổi ngay nhận thức của người dân nhưng "mưa dầm, thấm lâu", nhiều người sẽ dần có cách nhìn nhận công bằng hơn về giới tính. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền luôn phải được coi trọng, các cơ quan thông tấn báo chí phải tích cực nêu gương những người phụ nữ thành danh, những gia đình sinh con một bề là gái hạnh phúc. Ngoài ra, trong việc quy hoạch cán bộ, phụ nữ cần được tạo điều kiện, cơ cấu phải bảo đảm để quyền lợi của người phụ nữ luôn được coi trọng.

Ông Vũ Ngọc Côn, phường Định Công (Hoàng Mai): Chế độ thưởng, phạt phải công minh

Điều tôi quan tâm là có thưởng thì phải có phạt. Tôi cho rằng phần lớn số người cố sinh con trai là vì họ còn nặng tư tưởng phải có người "nối dõi tông đường" nên họ sẽ không coi trọng việc hỗ trợ về kinh tế. Do vậy, đối tượng đầu tiên phải tuân thủ nghiêm túc các chế độ, chính sách về thực hiện kế hoạch hóa gia đình phải là các cán bộ, công chức, viên chức. Nếu những đối tượng này vi phạm thì cơ quan chức năng phải áp dụng những chế tài cứng rắn, đủ sức răn đe. Thực tế, nhiều năm qua số cán bộ sinh con thứ 3 vẫn nhiều và phần lớn họ cố để có "quý tử" song chỉ bị kiểm điểm qua loa, nhẹ nhàng nên tính giáo dục không cao, người dân thấy đó là chuyện hết sức bình thường. Do đó, đi đôi với biện pháp hỗ trợ, cần phải có chế độ thưởng phạt công minh để bảo đảm cơ chế hỗ trợ phát huy được hiệu quả.

Chị Nguyễn Thị Hồng, xã Đức Thượng (Hoài Đức): Xử lý nghiêm việc can thiệp, tư vấn lựa chọn giới tính thai nhi

Hỗ trợ kinh tế đối với gia đình sinh hai con gái là ý tưởng khá hay, nhưng cũng rất phức tạp khi thực hiện trong thực tế. Nếu biện pháp hỗ trợ chỉ thực hiện khi họ sinh con thứ 2 là gái thì có ràng buộc gì để bảo đảm họ không sinh con lần thứ 3? Sau khi đã hỗ trợ, họ lại sinh thêm con nữa thì khoản đã hỗ trợ thu hồi lại bằng cách nào? Bên cạnh đó, vấn đề nhức nhối vẫn đang tồn tại hằng ngày như chẩn đoán giới tính thai nhi, loại bỏ thai nhi vì giới tính… không bị xử lý triệt để đã khiến giới tính ngày càng chênh lệch. Việc tiết lộ giới tính thai nhi chỉ bác sỹ và khách hàng mới biết theo cách lợi cả đôi đường nên các cơ quan chức năng buộc phải "khoanh tay đứng nhìn" vì không có bằng chứng vi phạm... Ở đây, những phòng khám, những bác sỹ này đã bị mua chuộc, thậm chí coi đây là "chiêu" để giữ chân khách hàng… Nếu chúng ta không xử lý những tồn tại này thì biện pháp hỗ trợ kinh tế cũng không thể mang đến sự cân bằng giới tính khi sinh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất hay, cần được ủng hộ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.