(HNMO) - Sở Giao thông Vận tải Hà Nội vừa đề xuất UBND thành phố Hà Nội cho phép Sở mua phần mềm mô phỏng hoạt động giao thông, phần mềm đo đếm lưu lượng phương tiện làm công cụ phân tích một cách trực quan, giúp cho công tác tổ chức giao thông hiệu quả hơn, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố. Dự kiến, kinh phí mua phần mềm và thiết bị phục vụ (flycam, máy quay phim…) phục vụ công tác tổ chức giao thông khoảng hơn 1 tỷ đồng.
Ùn tắc giao thông ngày càng phức tạp
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường, hiện nay, các phần mềm mô phỏng giao thông không chỉ dùng trong khuôn khổ nghiên cứu, lý thuyết, mà còn được triển khai ngày càng mạnh mẽ trong hầu hết các lĩnh vực giao thông như công tác quy hoạch, thiết kế, xây dựng và quản lý điều hành giao thông nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông. Việc ứng dụng các phần mềm để mô phỏng giao thông trong lĩnh vực nghiên cứu về quy hoạch và quản lý điều hành giao thông được hầu hết các nước phát triển áp dụng, một số nước đã có những quy định, tiêu chuẩn, hướng dẫn sử dụng các mô hình giao thông trong công tác quy hoạch và quản lý điều hành giao thông.
Tại Việt Nam, nhiều đơn vị cũng đã đầu tư thiết bị, các phần mềm mô phỏng giao thông nhằm ứng dụng trong công tác giảng dạy, quy hoạch, thiết kế, xây dựng, tổ chức và điều hành giao thông và đạt được những kết quả tích cực.
Trong những năm qua, UBND thành phố Hà Nội đặc biệt quan tâm đến công tác giải quyết ùn tắc giao thông và đã có nhiều chương trình, nghị quyết và kế hoạch tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp lâu dài.
Để giải quyết tình trạng ùn tắc, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã phối hợp với Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan tham mưu thành phố triển khai thực hiện một số giải pháp cấp bách nhằm khắc phục các nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ùn tắc giao thông, trong đó có công tác tổ chức giao thông để giải quyết các bất cập, các xung đột về giao thông tại các nút giao, các tuyến giao thông.
Các giải pháp thực hiện đã cải thiện tình trạng giao thông, góp phần giảm ùn tắc. Tuy nhiên, tình hình ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố ngày càng phức tạp và diễn ra trên phạm vi rộng với thời gian kéo dài, trong khi đó, các phương pháp tổ chức giao thông truyền thống thiên về kinh nghiệm, tính đồng bộ và gắn kết của các giải pháp chưa thực sự mạnh mẽ, chưa xem xét hết mối liên quan giữa các tuyến đường, các nút giao thông lân cận. Do vậy, hiệu quả chưa cao, đòi hỏi phải có một công cụ trực quan có khả năng phân tích tổng hợp và đưa ra những giải pháp tổ chức giao thông hiệu quả hơn.
Phần mềm mô phỏng giúp tối ưu hóa hạ tầng
Phần mềm mô phỏng sẽ giúp mô phỏng hoạt động của các phương tiện giao thông trên các tuyến đường, nút giao thông... để đánh giá và đưa ra các giải pháp về tổ chức giao thông nhằm tối ưu hóa khai thác hạ tầng giao thông, cải thiện tình trạng giao thông; đánh giá sự hiệu quả của các công trình hạ tầng giao thông được xây dựng mới theo quy hoạch.
Phần mềm được sử dụng với mục đích mô phỏng sự vận hành hệ thống giao thông đô thị bằng nhiều tình huống giao thông khác nhau, cho phép mô phỏng các khu vực giao thông đô thị từ vĩ mô (trong phạm vi nhiều nút và tuyến đường) đến chi tiết. So với nhiều giải pháp phần mềm tương tự, các giải pháp của phần mềm nêu trên đặc biệt phù hợp với các đô thị của Việt Nam nhờ tính năng mô phỏng dòng giao thông bao gồm nhiều loại phương tiện: Ô tô con, xe tải, xe buýt, xe điện, xe trọng tải nặng, xe máy, xe đạp và người đi bộ; mô phỏng các nút đèn tín hiệu giao thông; mô phỏng các trường hợp không tuân thủ Luật Giao thông đường bộ (vượt đèn đỏ, đi sai làn...).
“Việc áp dụng phần mềm mô phỏng hệ thống giao thông sẽ cho thấy trực quan các dòng giao thông hiện trạng cũng như các phương án dự kiến tổ chức giao thông, từ đó có những đánh giá các giải pháp cụ thể để chọn phương án tối ưu và đưa ra nhiều thông số giúp đánh giá tác động của phương án tổ chức giao thông trước và sau khi thực hiện”, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Nguyễn Phi Thường đề xuất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.