Triển khai Nghị quyết số 02-NQ/TƯ, ngày 12-6-2021 của Bộ Chính trị về đổi mới tổ chức và hoạt động của Công đoàn Việt Nam trong tình hình mới, tổ chức Công đoàn đã có nhiều sáng tạo nâng cao hiệu quả các hoạt động chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động. Nổi bật là đề xuất công đoàn tham gia phát triển nhà xã hội, không vì mục tiêu lợi nhuận, mà để chăm lo tốt hơn cho người lao động.
Gần 1/4 tiền lương để trả tiền thuê nhà
Hiện nay, công nhân làm việc tại các khu công nghiệp thường đến từ những địa phương có điều kiện kinh tế eo hẹp, việc tiếp cận với nhà ở xã hội hết sức khó khăn. Khảo sát mới nhất ở 200 doanh nghiệp thuộc 6 tỉnh về tình hình đời sống, việc làm, tiền lương của người lao động năm 2023 do Ban Chính sách - Pháp luật, Viện Công nhân và công đoàn phối hợp thực hiện cho thấy, trên 75% người được khảo sát có thu nhập không đáp ứng nhu cầu chi tiêu.
Trong khi đó, người lao động phải dùng 23,6% tiền lương và 17,9% thu nhập hằng tháng để trả tiền thuê nhà (bình quân trên 1,8 triệu đồng/tháng). Đời sống vất vả khiến mong ước an cư lạc nghiệp của người lao động khó trở thành hiện thực. Ngay tại Hà Nội, nhiều gia đình công nhân phải thuê nhà, có trường hợp 4-5 người ở vẻn vẹn trong hơn 10m2.
Trước thực tế ấy, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH SWCC SHOWA Việt Nam Nguyễn Minh Sơn cho biết, công nhân rất trông đợi vào gói hỗ trợ lãi suất tín dụng 120.000 tỷ đồng, áp dụng cho cả chủ đầu tư dự án và người mua, thuê nhà ở xã hội do Chính phủ vừa ban hành trong Đề án 1 triệu căn hộ. “Tuy nhiên, mức lãi suất 8,2%/năm vẫn là rất cao, quá sức chịu đựng của người có thu nhập thấp. Thời gian ưu đãi của gói tín dụng đối với người mua nhà chỉ trong 5 năm là quá ngắn. Thực tế, gần như công nhân, lao động chưa tiếp cận được nguồn vốn này”, ông Nguyễn Minh Sơn nhận định.
Ở góc nhìn khác, Trưởng ban Quản lý dự án thiết chế công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) Lê Văn Nghĩa cho biết, với mức lương như hiện nay (trung bình 6-9 triệu đồng/người/tháng), hầu hết gia đình công nhân không có nhiều khả năng tích lũy tài chính để mua nhà ở xã hội. Họ trông chờ vào việc trợ cấp của Nhà nước, doanh nghiệp, nhằm thuê những căn hộ phù hợp khả năng kinh tế, bảo đảm nhu cầu sinh hoạt, thay vì gánh nặng tài chính phải tự thuê nhà giá cao.
Muốn triển khai nhanh nhưng còn vướng luật
Lý giải vấn đề gói tín dụng 120.000 tỷ đồng khó tiếp cận, lãi suất cao, thời gian ưu đãi ngắn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh thông tin, do mới triển khai nên nguồn cung khó, một số thủ tục còn chưa thuận lợi.
Cho rằng có an cư mới lạc nghiệp, việc đẩy mạnh xây dựng các dự án nhà ở xã hội cho công nhân các khu công nghiệp là “chìa khóa” quyết định việc làm, năng suất lao động, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu cho biết, Công đoàn Việt Nam mong muốn tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội cho người lao động. Từ thực tế trên, Tổng Liên đoàn đã nêu nhiều kiến nghị liên quan đến việc sửa đổi Luật Nhà ở. Nếu được Quốc hội thông qua nội dung này, dự kiến đến năm 2030, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ xây dựng các dự án nhà ở công nhân dành cho công nhân ở ít nhất tại 7 địa phương, gồm: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh.
“Đây là hoạt động có tính chất kinh tế nhưng không nhằm mục đích lợi nhuận, không nhằm cạnh tranh với doanh nghiệp bất động sản, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Tổng Liên đoàn là chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động”, đồng chí Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đồng tình chăm lo nhà ở cho công nhân là chức năng quan trọng của công đoàn. Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bất động sản quy định chủ thể phải có chức năng kinh doanh mới có thể bán, cho thuê và thuê mua nhà ở. Theo Luật Đất đai, Tổng Liên đoàn cũng không phải tổ chức kinh tế nên không thuộc nhóm được giao đất để đầu tư dự án nhà ở. Vì vậy, nếu Tổng Liên đoàn muốn tham gia vào lĩnh vực này, cần điều chỉnh một số luật hiện hành.
Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Đồng Ngọc Ba cũng cho rằng, sự tham gia của Tổng Liên đoàn trong đầu tư nhà ở xã hội cho công nhân lao động xét trong hiện tại và tương lai là cần thiết, nhằm khẳng định vai trò, vị thế là tổ chức đại diện cho người lao động “trung tâm và lớn nhất” trong bối cảnh có sự ra đời của tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp sẽ trực tiếp cạnh tranh hoạt động với Công đoàn Việt Nam. Với điều kiện thu nhập người lao động hiện nay, dự thảo Luật Nhà ở cần xây dựng theo hướng nhà xã hội, nhà cho công nhân chỉ để thuê và thuê mua, nhất là với dự án do Nhà nước đầu tư. Nếu dự thảo cho phép Tổng Liên đoàn Lao động được tham gia phát triển nhà ở xã hội thì ngoài việc rà soát các quy định hiện hành, cần nghiên cứu theo hướng phát triển nhà ở thuê và thuê mua là chủ yếu để bảo đảm tính bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.