Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đề xuất chỉ những người được định danh trên môi trường số mới được livestream

Mai Hữu| 04/11/2022 11:51

(HNMO) - Sáng 4-11, tại kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, trả lời chất vấn với các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, sẽ quy định rõ, livestream chỉ dành cho những người được định danh trên môi trường số; người thực hiện livestream phải công bố địa điểm, thời gian; livestream bán hàng có thu phải cung cấp thông tin cho cơ sở thu thuế.

Đại biểu Đinh Công Sỹ (Đoàn Sơn La) chất vấn.

Trả lời chất vấn của đại biểu Đinh Công Sỹ (Đoàn Sơn La) về giải quyết dứt điểm tình trạng thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhắc đến quy định trong Luật An toàn thông tin, mỗi người dân cần ý thức rõ và bảo vệ quyền lợi của cá nhân mình. Bộ trưởng cho rằng, thời gian qua, chúng ta khá dễ dãi trong việc chia sẻ thông tin cá nhân, nhất là số điện thoại. Doanh nghiệp làm gì với dữ liệu cá nhân thì cũng còn thiếu các cơ chế quản lý. Trong năm 2022, Bộ thanh tra toàn diện các nhà mạng viễn thông về thu thập, xử lý, bảo đảm an toàn dữ liệu cá nhân; đến năm 2023, sẽ thanh tra các doanh nghiệp bưu chính và các nền tảng mạng xã hội.

Về hành lang pháp lý, Bộ Công an đang xây dựng Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân trước khi xây dựng Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, đặc biệt là các quy định về xử lý vi phạm bảo đảm mang tính răn đe. Vừa qua, chúng ta đã tăng gấp đôi mức phạt đối với doanh nghiệp, cá nhân vi phạm thu thập thông tin cá nhân. Trong khi đó, đối với nước ngoài, sẽ tiến hành xử phạt theo phần trăm doanh thu, có thể lên tới 1 tỷ USD; những doanh nghiệp này kinh doanh, sử dụng, thu lợi chủ yếu dựa trên dữ liệu cá nhân, nếu vi phạm thì mức phạt rất lớn. Bộ trưởng đề nghị cần xem xét quy định phạt trên phần trăm doanh thu của các doanh nghiệp vi phạm, thay vì phạt theo giá trị tuyệt đối.

“Năm 2022, 11 đoàn liên ngành kiểm tra về dữ liệu cá nhân đã chuyển 2 vụ việc sang Bộ Công an để xử lý hình sự. Bộ sẽ đề xuất Chính phủ lấy năm 2023 là năm Dữ liệu số Việt Nam để nâng cao nhận thức và làm tốt công việc bảo vệ dữ liệu cá nhân”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn.

Trả lời chất vấn của đại biểu Tạ Minh Tâm (Đoàn Tiền Giang) về việc các nền tảng mạng xã hội nước ngoài thu thập nhiều dữ liệu cá nhân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, có tình trạng mạng xã hội kinh doanh trên dữ liệu cá nhân.

“Giải pháp đột phá là chúng ta phải có mạng xã hội của Việt Nam, không thể bỏ nền tảng này được”, Bộ trưởng nói và cho biết, năm 2019, tất cả nền tảng mạng xã hội Việt Nam có chưa đến 40 triệu tài khoản, đến nay, 10 mạng xã hội Việt Nam lớn nhất có khoảng 130 triệu tài khoản, tương đương Facebook và Youtube cộng lại. “Đây cũng là giải pháp giữ lại dữ liệu cá nhân tại Việt Nam”, Bộ trưởng cho biết.

Tham gia trả lời chất vấn về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an nhận định, việc mua bán dữ liệu cá nhân đang diễn ra phức tạp. Bộ Công an kiến nghị 4 giải pháp cụ thể để giải quyết thực trạng này, trong đó, cần hoàn thiện hành lang pháp lý, đề xuất Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm cho ý kiến về Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương chủ động đầu tư, hiện đại hóa hạ tầng bảo vệ an ninh mạng, lưu trữ thông tin, dữ liệu; xây dựng chiến lược bảo đảm nguồn nhân lực chất lượng cao về an ninh mạng, không chỉ ở Bộ Công an mà ở cả các cơ quan liên quan đến dữ liệu thông tin cá nhân; đồng thời, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về lĩnh vực này.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tham gia trả lời chất vấn.

Đối với chất vấn của đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) về xử lý vấn nạn hàng giả, hàng nhái, quảng cáo sai sự thật trên mạng xã hội như Facebook, Zalo, Tiktok, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện rất nhiều quảng cáo sai sự thật. Thời gian tới, Bộ sẽ tiến hành thanh tra các nền tảng xuyên biên giới về quảng cáo; những thông tin quảng cáo sai sự thật, nhất là về thực phẩm chức năng lại thuộc phạm vi quản lý của các bộ chuyên ngành, thì các cơ quan quản lý phải xác minh xem các quảng cáo đã đúng pháp luật hay chưa. Bộ trưởng mong, các bộ, ngành, địa phương cùng vào cuộc rà soát, thẩm tra, đánh giá để xử lý.

Về chất vấn trách nhiệm quản lý nhà nước đối với mạng xã hội của đại biểu Lê Hoàng Anh (Đoàn Gia Lai), Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, Bộ đang trình Chính phủ sửa đổi Nghị định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng sẽ quy định rõ, livestream chỉ dành cho những người được định danh trên môi trường số; livestream phải công bố địa điểm, thời gian; livestream bán hàng có thu phải cung cấp thông tin cho cơ sở thu thuế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề xuất chỉ những người được định danh trên môi trường số mới được livestream

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.