(HNMO) - Trao đổi bên hành lang Quốc hội trong phiên chất vấn về lĩnh vực giao thông vận tải chiều 7-6, các đại biểu Quốc hội cho rằng, những nội dung được lựa chọn chất vấn là cơ hội để Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng chia sẻ, đề xuất các giải pháp để xử lý những vướng mắc, tồn tại đang diễn ra lâu nay.
Đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai):
Nội dung chất vấn là những vấn đề thực tiễn đang xảy ra
Những vấn đề đặt ra cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cũng rất đúng, rất trúng và rất khó dù mới nắm vị trí được 7 tháng, lần đầu tiên đăng đàn trước Quốc hội. Đây đều là những vấn đề đòi hỏi phải xử lý ngay, thực tiễn đang xảy ra như câu chuyện đăng kiểm cấp giấy phép lái xe và vấn đề mang tính cốt lõi cho phát triển kinh tế - xã hội là đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông.
Tôi cho rằng, chắc chắn Bộ trưởng sẽ gặp phải sức ép không nhỏ từ các đại biểu Quốc hội với mong muốn phải có nhiều giải pháp hơn nữa để phát triển hệ thống giao thông; đặc biệt là trước những đòi hỏi cấp thiết từ cuộc sống. Tuy nhiên, đây cũng là điều kiện để Bộ trưởng có cơ hội chia sẻ, đề xuất các giải pháp, cùng với Quốc hội có những đột phá để có được hệ thống kết cấu giao thông phát triển, xử lý được những vướng mắc, tồn tại đang diễn ra lâu nay.
Đối với vấn đề đăng kiểm, cấp giấy phép lái xe, tôi cho rằng cần có những giải pháp cần làm ngay cũng như những giải pháp mang tính lâu dài, bài bản; phải làm tốt khâu kiểm tra, giám sát để không xảy ra sai phạm như trong thời gian qua.
Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn Bắc Giang):
Muốn tăng tốc phát triển phải đồng bộ về giao thông
Trong thời gian ngắn trả lời chất vấn chiều 7-6, mặc dù đây là lần đầu tiên đăng đàn trước nghị trường, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng đã trả lời trúng, đúng các nội dung mà đại biểu Quốc hội đưa ra, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân. Tôi cũng hy vọng trong thời gian trả lời chất vấn còn lại, Bộ trưởng sẽ trả lời thấu đáo, toàn diện, thẳng thắn các vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu.
Vấn đề tôi quan tâm tại phiên chất vấn là muốn tăng tốc phát triển phải đồng bộ các lĩnh vực khác để kết nối lĩnh vực giao thông, khi có đường cao tốc rồi phải kết nối với các đầu mối cảng biển, cảng đầu mối, đường sắt kết nối một hệ thống logistic đồng bộ. Như vậy, nguồn lực đầu tư cho giao thông là rất lớn và làm thế nào để có nguồn lực đầu tư cho giao thông là một thách thức hiện nay.
Hầu như nguồn lực này đang trông chờ chủ yếu vào đầu tư công, trong khi nguồn lực ngân sách cũng có mức độ và đã tăng quy mô đầu tư trong thời gian vừa rồi nhưng so với nhu cầu còn quá thấp, đặc biệt là những nhu cầu tới đây để phát triển đường sắt, đường thủy đồng bộ với đường cao tốc.
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn Thừa Thiên - Huế):
Giao thông vận tải là nền tảng cho thúc đẩy phát triển
Lĩnh vực giao thông vận tải là lĩnh vực cần thúc đẩy mạnh hơn từ khâu quy hoạch, kế hoạch, xây dựng cho đến khâu chỉ đạo điều hành quản lý, tổ chức thực hiện từ cấp bộ, ngành cho đến cấp địa phương và các ngành. Đây chính là lĩnh vực cần phát triển mở rộng bởi đó là nền tảng cho thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại, xã hội.
Những năm gần đây, Quốc hội ngày càng có sự quan tâm tạo cơ chế chính sách, điều kiện để thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông. Chưa tính đến các chương trình đầu tư công theo các giai đoạn quy hoạch, các chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau Covid-19… không chỉ tạo dựng hạ tầng giao thông, còn là vận tải hàng hóa, thương mại với nhiều hình thức: Hàng không, đường bộ, đường thủy nội địa, đường ven biển, đường sắt… với những chính sách toàn diện. Thông qua chất vấn có thể đánh giá được đội ngũ lãnh đạo ngành có thể thực hiện nhiệm vụ và kỳ vọng của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.