(HNMO) - Tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ chín, ngày 27-5, sau khi nghe Báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em”, Quốc hội đã tiến hành thảo luận trực tuyến về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em. Các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp bảo vệ trẻ em trước những nguy cơ bị xâm hại.
Tiềm ẩn nhiều nguy cơ trên môi trường mạng
Việc thiếu kiểm soát các nội dung trên môi trường internet, mạng xã hội được đa số các đại biểu đề cập đến như là một nguy cơ gia tăng các vụ xâm hại trẻ em. Đại biểu Hoàng Thị Hoa (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, nhiều kết quả nghiên cứu trên thế giới và trong nước cho thấy không ít tác động tiêu cực, thậm chí có nguy cơ rủi ro cho trẻ em trên môi trường mạng.
“Theo Bộ Công an, 3 năm vừa qua, lực lượng công an đã phát hiện và xử lý 156 vụ xâm hại trẻ em trên môi trường mạng. Tuy nhiên, số liệu này chưa phản ánh thực sự bức tranh mà trẻ em bị lạm dụng, bị ảnh hưởng trên môi trường mạng”, đại biểu Hoàng Thị Hoa nói.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) cho biết, 1/3 người dùng internet tại Việt Nam là đối tượng chưa thành niên và thanh niên ở độ tuổi từ 15 đến 24. Mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh xâm hại trẻ em được đưa lên mạng, với hầu hết là các hình ảnh bạo lực, xâm hại tình dục. Kết quả khảo sát cho thấy, cứ 4 trẻ thì có 1 trẻ chia sẻ từng có trải nghiệm đau buồn khi sử dụng mạng xã hội, 1/3 số trẻ cho biết từng là nạn nhân bị bắt nạt trên mạng và số trẻ em gái bị bắt nạt cao gấp 3 lần số trẻ em nam.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy lo ngại, với công nghệ phát triển như vũ bão, chưa bao giờ việc tiếp cận với trẻ em và xâm hại trẻ em lại dễ dàng như hiện nay.
Về vấn đề này, đại biểu Phạm Trọng Nhân (Đoàn Bình Dương) nêu thực tế, các mạng xã hội tràn ngập video clip của những đối tượng bất hảo, các kênh Youtube tự dựng, phỏng vấn với những hình ảnh, nội dung dung tục, phát hành tràn lan, vô tội vạ với hàng triệu lượt người xem, trong đó không tránh khỏi đối tượng là trẻ em. Thực tế có không ít trẻ em làm theo những clip sai trái, dung tục.
“Trong khi các hành vi bị nghiêm cấm ở đời sống thực thì trên không gian mạng vẫn tiếp tục ngang nhiên hoành hành, thách thức hành lang pháp lý an ninh mạng”, đại biểu Phạm Trọng Nhân bày tỏ.
Từ đó, các đại biểu đã kiến nghị một số giải pháp để giải quyết tình trạng này. Đại biểu Hoàng Thị Hoa đề nghị Chính phủ cần phải xây dựng chiến lược, chương trình dài hạn, tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng. Đặc biệt, cần chú trọng phân công cụ thể cơ quan, đơn vị chủ trì ở Trung ương để quản lý các vấn đề liên quan đến sự an toàn của trẻ trên môi trường mạng nhằm điều phối các bộ, ngành thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan của Chính phủ và khu vực tư nhân trong vấn đề này.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) cho rằng, các bậc phụ huynh cần dành sự quan tâm thỏa đáng để hướng dẫn cho con sử dụng mạng an toàn và hướng cho con trở thành công dân có trách nhiệm trên mạng xã hội.
Báo động tình trạng trẻ em bị người thân xâm hại
Tình trạng trẻ em bị người thân xâm hại cũng là vấn đề khiến nhiều đại biểu lo lắng. Đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai (Đoàn Trà Vinh), đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Đoàn Hà Nội) bày tỏ, những tưởng trẻ em được an toàn trong vòng tay yêu thương của người thân thì bị chính người thân của mình hãm hại…, cho thấy đạo đức con người xuống cấp.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho biết, đối tượng xâm hại trẻ em rất đa dạng, có trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau. Nhiều đối tượng có mối quan hệ với trẻ như người ruột thịt, người thân thích và người quen biết với trẻ chiếm trên dưới 90%, có đối tượng là giáo viên, nhân viên cơ sở giáo dục, cán bộ, công chức, viên chức, người cao tuổi…
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) cho rằng, cần có giải pháp liên quan đến 3 môi trường. Về môi trường gia đình phải có biện pháp giám sát chặt chẽ trách nhiệm ông bà, người thân, đồng thời, bản thân trẻ phải được giáo dục kỹ năng phòng, chống xâm hại, có hình phạt thật nặng đối với những người thân thiếu trách nhiệm.
Về phía nhà trường, tất cả giáo viên từ mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở phải được đào tạo các kỹ năng cơ bản, được xét tuyển kỹ lưỡng, nhất là kiến thức pháp luật về quyền con người, quyền trẻ em…
Đối với môi trường xã hội, người lớn phải làm gương; các bộ phận có trách nhiệm liên quan đến công tác trẻ em cần phải được định rõ trách nhiệm quản lý, nhất là khu vực ở xã, phường, xóm, ấp cần khoanh vùng trẻ em có hoàn cảnh thuộc nhóm nguy cơ cao để có biện pháp phòng ngừa.
Cho rằng hình thức, mức xử phạt còn nhẹ, chưa tương thích với hành vi phạm tội và hậu quả tổn thất nặng nề đến thể chất và tinh thần hiện tại và sau này đối với trẻ em, đại biểu Dương Minh Tuấn (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) và một số đại biểu khác đề nghị tăng mức xử phạt, hình phạt, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong phòng, chống tình trạng xâm hại trẻ em.
Theo thống kê của Đoàn giám sát của Quốc hội, trong 6 tháng đầu năm 2019, số trẻ em bị xâm hại tăng đột biến, với 1.400 trẻ, gần bằng 80% số lượng trẻ em bị xâm hại trong cả năm 2018 (1.779 trẻ). Tính trung bình cứ 1 ngày cả nước có 7 trẻ em bị xâm hại.
Trong các hình thức xâm hại trẻ em nổi lên gây bức xúc nhất trong giai đoạn 2015-2019 là xâm hại tình dục với 6.364 vụ và 6.432 trẻ em là nạn nhân, chiếm tới 75,38% tổng số vụ xâm hại trẻ em được cơ quan công an các cấp tiếp nhận, xử lý.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.