(HNM) - Cuối năm 2022, thành phố Hà Nội đã phân bổ nguồn vốn cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2023 trên địa bàn là hơn 1.713 tỷ đồng. Tuy vậy, với mục tiêu đặt ra rất cao trong xây dựng nông thôn mới, các huyện đề xuất thành phố bổ sung 8.187 tỷ đồng. Hiện các sở, ngành chức năng đang rà soát thực tế về phương án tăng thêm nguồn vốn để có sự phân bổ hợp lý, tạo thêm nguồn lực cho các địa phương bứt phá trong xây dựng nông thôn mới.
Huy động 42.903 tỷ đồng xây dựng nông thôn mới
Xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) vừa hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022. Theo Chủ tịch UBND xã Hương Sơn Bùi Văn Triều, trong 2 năm 2021-2022, địa phương đã huy động được 253 tỷ đồng cho công tác xây dựng nông thôn mới. Từ nguồn kinh phí trên, xã Hương Sơn đã nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, như: Giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, y tế...
Còn tại xã Tân Hòa (huyện Quốc Oai), tính từ năm 2010 đến nay, địa phương đã sử dụng hơn 277 tỷ đồng cho xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Chủ tịch UBND xã Tân Hòa Vương Sỹ Trung thông tin, ngoài vốn ngân sách, xã đã huy động được 52,7 tỷ đồng vốn xã hội hóa để chỉnh trang diện mạo nông thôn. Năm 2022, xã Tân Hòa cũng đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao.
Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội, từ năm 2021 đến nay, toàn thành phố đã huy động được tổng kinh phí thực hiện xây dựng nông thôn mới là 42.903 tỷ đồng; trong đó, vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước là 2.598 tỷ đồng, chiếm 6,1%. Ngoài ra, ngân sách thành phố còn ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội 440 tỷ đồng để hỗ trợ các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh.
Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho biết, nhờ nguồn lực đầu tư lớn, kết quả xây dựng nông thôn mới năm 2022 và quý I-2023 của Hà Nội đạt được rất tích cực. Tính đến tháng 3-2023, Hà Nội có thêm 63 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 15 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với cấp huyện, Hà Nội đã có 15/18 huyện, thị xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. 3 huyện còn lại là Ứng Hòa, Mỹ Đức, Ba Vì cũng đang hoàn thiện hồ sơ, phấn đấu trình các cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2023.
Cân đối để bổ sung nguồn lực
Năm 2023, Hà Nội phấn đấu có thêm 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 61 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 33 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Văn Đức cho biết, HĐND thành phố đã ban hành Nghị quyết số 37/NQ-HĐND (ngày 10-12-2022), trong đó có nội dung điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025. Theo đó, thành phố phân bổ vốn năm 2023 cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố là hơn 1.713 tỷ đồng với 97 dự án (gồm 80 dự án chuyển tiếp với tổng số tiền hơn 1.313 tỷ đồng và 17 dự án khởi công mới với tổng kinh phí 400 tỷ đồng). Ngoài nguồn vốn trên, để bảo đảm mục tiêu đặt ra, các huyện đã đề xuất thành phố bổ sung 8.187 tỷ đồng. Trong đó, huyện Mỹ Đức đề nghị thành phố bổ sung 1.177 tỷ đồng; huyện Hoài Đức 40 tỷ đồng; 54/61 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đề nghị bổ sung 4.803 tỷ đồng; 28/33 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu đề nghị tăng thêm 2.167 tỷ đồng.
Theo Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Anh Dũng, huyện đang hoàn thiện hồ sơ trình thành phố và trung ương, đề nghị xem xét, công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới trong năm 2023. Tuy nhiên, để đạt trọn vẹn điểm chỉ tiêu văn hóa trong bộ tiêu chí, Mỹ Đức cần phải đầu tư xây dựng Trung tâm Thông tin, Văn hóa và Thể thao huyện đạt chuẩn. Bên cạnh đó, huyện cần vốn để tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, hướng đến xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu tại các xã.
Còn Bí thư Đảng ủy xã Yên Bài (huyện Ba Vì) Nguyễn Việt Giao cho hay, xã đã xây dựng kế hoạch hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2022, nhưng chưa thực hiện được do thiếu nguồn lực đầu tư. Về vấn đề này, theo Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng, năm 2023, huyện phấn đấu được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có thêm 4 xã nông thôn mới nâng cao và một xã nông thôn mới kiểu mẫu..., nên rất cần được thành phố tiếp tục quan tâm, hỗ trợ thêm vốn để hoàn thiện các tiêu chí về trường học, các trung tâm văn hóa xã, nhà văn hóa thôn.
Tại hội nghị giao ban quý I-2023 Ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội diễn ra mới đây, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Tài chính và các đơn vị liên quan rà soát, tổng hợp danh mục dự án cần đầu tư để tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả, chất lượng, đồng thời hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2023, báo cáo UBND thành phố theo đúng quy định.
Những tính toán, cân nhắc bổ sung nguồn lực cho các địa phương sẽ giúp Hà Nội hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2023 theo kế hoạch đề ra, qua đó tiếp tục nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân khu vực nông thôn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.