Theo dõi Báo Hànộimới trên

"Để xảy ra oan, sai đối với người bị buộc tội ở mức án cao nhất là không thể chấp nhận"

Ngân Hạ| 21/11/2013 09:23

(HNMO)- “Để xảy ra oan, sai đối với người bị buộc tội ở mức án cao nhất như chung thân, tử hình… là không thể chấp nhận được” - Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình nêu quan điểm trước QH.

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình


ĐB Lê Thanh Vân (Hải Phòng) nêu chất vấn đầu tiên đối với Chánh án về giải pháp cụ thể, khả thi nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ xét xử.

Bộ trưởng nêu tóm tắt các giải pháp như tổ chức tốt công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng, tập huấn và sát hạch; Thường xuyên tổ chức hội nghị, hội thảo rút kinh nghiệm thực tiễn trong công tác xét xử; thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng về công tác quy hoạch, luân chuyển, đánh giá cán bộ; tăng cường kỷ luật kỷ cương công vụ, bảo đảm đội ngũ công chức ngành tòa án được rèn luyện thử thách qua việc thực hiện quy định về ứng xử, đồng thời phát động phong trào thi đua yêu nước, qua đó nhân lên các tấm gương điển hình tiên tiến xuất sắc; nghiên cứu để xuất chính sách trọng dụng nhân tài…

Trả lời chất vấn của ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) về tiến độ thụ lý vụ việc tồn đọng chậm, gây mất lòng tin của người dân, Chánh án cho biết, ngành tòa án đã giải quyết 63,3% đơn đề ngị tái thẩm, giám đốc thẩm, là con số cao nhất so với những năm trước đây. Với số lượng đơn mà ngành nhận được, cộng với số đơn cũ tồn lại chuyển sang, năm nay ngành thụ lý thêm gần 11.000 đơn, hiện xử lý còn chưa đầy 4.000 đơn. Số lượng đơn còn lại còn trong thời hạn giải quyết theo quy định của pháp luật.

“Về chất lượng giải quyết, ngành đang cố gắng tiếp tục nâng cao số lượng đơn được giải quyết và chất lượng đơn được giải quyết. Số khiếu nại bức xúc kéo dài hiện chỉ có 8 trường hợp. Nghĩa là chất lượng đã được nâng cao, nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu mà QH và nhân dân mong muốn. Do đó, ngành sẽ đẩy nhanh, đẩy mạnh hơn nữa” – Chánh án khẳng định

Vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn nhận được mối quan tâm của nhiều ĐB. Chánh án Trương Hòa Bình cho biết vụ án xảy ra đã có bản án hình sự phúc thẩm năm 2004. Vụ án sau khi xét xử, gia đình ông Chấn và ông Chấn có đơn kêu oan. Gần đây, ngày 4 -11- 2013, Viện KSND TC đã căn cứ vào các quy định của pháp luật về tố tụng hình sự, có quyết định kháng nghị tái thẩm số 01 đối với bản án hình sự phúc thẩm nêu trên.

Bản án này được Viện trưởng Viện KSND kháng nghị. TAND tối cao đã triệu tập phiên họp để xét xử tái thẩm đối với bản án. Hội đồng thẩm phán TAND tối cao, cơ quan xét xử cao nhất của ngành TAND, đã chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng để hủy án và điều tra lại

Hiện nay, các thủ tục về tố tụng đang được tiến hành để Viện KS thực hiện điều tra lại.

“Vụ án này được dư luận xã hội và các ĐB QH quan tâm liệu có oan sai hay không? Có ép cung, nhục hình hay không? Trách nhiệm các ngành liên quan như thế nào?” - Chánh án tự nêu ra các vấn đề sẽ giải trình rõ.

“Trong những năm gần đây, mỗi năm các cơ quan tiến hành tố tụng thụ lý giải quyết trên 100.000 vụ án hình sự. Việc điều tra đấu tranh vạch trần tội phạm là công việc khó khăn, vất vả, thậm chí có trường hợp cán bộ chiến sĩ phải hy sinh, hao tổn xương máu để hoàn thành nhiệm vụ. Kể cả các công tố, thẩm phán phải chịu áp lực rất lớn, bị khủng bố, đe doạ.

Với trách nhiệm được giao, đa số điều tra viên, thẩm phán được đào tạo bài bản, bổ nhiệm chặt chẽ, là những cán bộ tin cậy của đảng, nhà nước và nhân dân trên mặt trận phòng chống tội phạm, bảo vệ công lý, quyền con người và họ đã thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trên thực tế, do những nguyên nhân khác nhau, có để xảy ra oan sai.

Bất cứ nền tư pháp đất nước nào, kể cả đất nước có nền pháp luật tiên tiến đều không tránh khỏi oan sai. Việt Nam cũng nằm trong thực tế đó. Để xảy ra oan, sai đối với người bị buộc tội ở mức án cao nhất như chung thân, tử hình… là không thể chấp nhận được.

Đối với tòa án, các hội đồng xét xử dựa trên tài liệu chứng cứ, hồ sơ của các cơ quan có trách nhiệm truy tố, tòa án thụ lý và giải quyết theo đúng quy định của pháp luật. Việc hội đồng xét xử phát hiện ra có ép cung hay không rất khó, phải được bị can có yêu cầu xem xét thì mới có điều kiện phát hiện được.

Trong trường hợp cụ thể vụ án của ông Chấn, có hay không có ép cung, sẽ còn phải chứng minh một cách chặt chẽ, chính xác, khách quan. Chúng ta không thể kết luận ngay là có ép cung. Nếu có, cán bộ nào vi phạm, ta đều phải được xử lý tùy theo mức độ.

Còn nếu không phải như thế, thì chúng ta cũng không thể kết luận một cách vội vàng vì còn liên quan đến tinh thần, ý chí tiến công đối với tội phạm. Nếu không khéo, sẽ làm nhụt ý chí, chùn bước những người đang làm nhiệm vụ hết sức khó khăn, gian khổ, nguy hiểm” - Chánh án trả lời.

Cũng trong sáng nay, nội dung nâng cao chất lượng xét xử ngành tòa án; cho hưởng án treo đối với án tham nhũng và làm thế nào để giảm án oan, giảm chi phí không đáng có cho ngân sách… nhận được nhiều chất vấn của các ĐB

Bắt đầu từ 14h chiều nay, Chánh án Trương Hòa Bình sẽ tiếp tục trả lời các chất vấn còn lại trong sáng nay. Cùng tham gia trả lời với Chánh án còn có Bộ trưởng Bộ CA, Viện trưởng Viện KSND.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Để xảy ra oan, sai đối với người bị buộc tội ở mức án cao nhất là không thể chấp nhận"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.