(HNM) - Sau 2 năm công ăn việc làm và thu nhập gián đoạn vì dịch Covid-19, những tưởng năm nay đội ngũ công nhân sẽ có một năm hưởng niềm vui trọn vẹn. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp thông báo cho hàng loạt người lao động nghỉ việc, nhất là tại khu vực các tỉnh phía Nam, cho thấy vấn đề việc làm chưa bao giờ vơi áp lực, nhất là vào dịp cuối năm.
Qua khảo sát cho thấy, nhiều doanh nghiệp đã cố gắng cầm cự để giữ việc làm cho công nhân nhưng lực bất tòng tâm, từ đó buộc phải chọn giải pháp ngưng sản xuất hoặc giải thể, chấm dứt hợp đồng với người lao động.
Tuy nhiên cũng có tình trạng “té nước theo mưa”, lợi dụng khó khăn chung để tự ý cắt, giảm các chế độ, chính sách liên quan tới người lao động một cách trái quy định hoặc bất hợp lý như buộc lao động nữ cam kết không mang thai khi làm việc cho doanh nghiệp hoặc buộc phải tăng ca, làm thêm giờ trái quy định... nếu không sẽ bị giảm lương, giảm thưởng. Thậm chí, một số doanh nghiệp viện cớ không hợp lý rồi sa thải người lao động dịp cuối năm để đỡ phải chi trả tiền thưởng Tết cho công nhân cũng đã xảy ra.
Trong bối cảnh ấy, điều dư luận quan tâm là vai trò giám sát, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người lao động của tổ chức Công đoàn, chính quyền các cấp cần phải được thể hiện tốt hơn. Bởi công nhân mất việc cuối năm không những ảnh hưởng tiêu cực, rất nghiêm trọng đối với cuộc sống, quyền lợi của người lao động mà gây ra hệ lụy lớn cho xã hội.
Điều đáng nói đến ở đây là nhiều trường hợp khi các doanh nghiệp thực hiện hành vi trái quy định pháp luật, trái đạo lý nhưng ở không ít nơi, cơ quan quản lý nhà nước hoặc tổ chức Công đoàn chưa có biện pháp thiết thực, hữu hiệu để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động.
Vì vậy, tổ chức Công đoàn các cấp cần quan tâm đến quyền, lợi ích của người lao động, coi đây là chức trách, nhiệm vụ quan trọng nhất của mình. Khi có thông tin hoặc nhận được sự phản ánh của người lao động liên quan đến chế độ, chính sách chưa thỏa đáng, hợp lý, vi phạm pháp luật, quyền lợi của người lao động, Công đoàn các cấp cần phải vào cuộc quyết liệt, đến cùng để bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Trong đó tập trung yêu cầu doanh nghiệp phải bảo đảm các chế độ theo quy định hiện hành cho công nhân trong trường hợp cho thôi việc và kết nối thị trường để tạo thêm kênh việc làm cho người lao động.
Công đoàn các cấp cũng cần tổ chức tốt chương trình “Tết sum vầy - Xuân gắn kết” năm 2023 với những hoạt động thiết thực, bổ ích như trao quà Tết, trao vé xe và công bố hỗ trợ “Mái ấm công đoàn” cho đoàn viên, người lao độngcó hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động này cần chú trọng tại các khu công nghiệp chế xuất, cụm công nghiệp, doanh nghiệp, nơi có đông đoàn viên, người lao động làm việc, sinh sống, thuê trọ…
Song song với nỗ lực của tổ chức Công đoàn, các ngành chức năng cần theo dõi, nắm bắt tình hình lao động, việc làm, nhu cầu lao động, tuyển dụng, sử dụng, biến động lao động trong các doanh nghiệp; tăng cường sự phối hợp giữa địa phương, doanh nghiệp trong việc cung ứng, tuyển dụng lao động, đào tạo nghề cho người lao động. Đặc biệt, cần có phương án thăm hỏi, hỗ trợ thêm cho người lao động mất việc nhằm bảo đảm đời sống cho họ, để công nhân vơi bớt nỗi lo khi Tết đến, xuân về.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.