(HNM) - Từ năm 2019 đến nay, sau khi hạ ngầm đường dây điện, viễn thông, nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội đã và đang được cải tạo lát đá vỉa hè. Rút kinh nghiệm từ việc thi công trước đây, thành phố đặt ra yêu cầu cao hơn về chất lượng, đồng thời phân cấp cho các quận tăng cường quản lý sau khi đưa vào sử dụng.
Tuân thủ quy định
Chiều 16-12, khảo sát tại các tuyến phố đã được cải tạo, lát đá tự nhiên vỉa hè như: Lý Thường Kiệt, Dã Tượng, Trần Bình Trọng, Bà Triệu (quận Hoàn Kiếm), Trần Nhân Tông, Nguyễn Đình Chiểu, Hàng Chuối (quận Hai Bà Trưng)..., phóng viên Báo Hànộimới ghi nhận đường phố khang trang, sạch đẹp hơn. Chị Nguyễn Thu Hương (số 47 Hàng Chuối, quận Hai Bà Trưng) chia sẻ: Hè phố sau khi lát đá không còn tình trạng gồ ghề, người dân đi lại dễ dàng hơn. Tuy vậy, tại một số vị trí, như đoạn gần ngõ 44 phố Nguyễn Đình Chiểu (quận Hai Bà Trưng, dự án mới triển khai năm 2019-2020); cổng ra vào trụ sở Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh (số 62 Bà Triệu, quận Hoàn Kiếm, dự án triển khai cách đây đã 3-4 năm), có tình trạng đá lát bị bong tróc, nứt vỡ.
Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Hai Bà Trưng Nguyễn Mạnh Hùng cho hay: Việc lát đá vỉa hè tại tuyến đường Nguyễn Đình Chiểu, đoạn từ ngã 3 phố Tô Hiến Thành đến Đại Cồ Việt do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố làm chủ đầu tư, phần còn lại do quận triển khai. “Ban đã kiểm tra, xác định đoạn vỉa hè gần ngõ 44 Nguyễn Đình Chiểu thuộc dự án của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố, vẫn đang trong quá trình bảo hành”, ông Hùng thông tin.
Cũng theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, sau khi UBND thành phố ban hành Quyết định số 1303/ QĐ-UBND (ngày 21-3-2019) về thiết kế mẫu hè phố đô thị trên địa bàn, UBND quận Hai Bà Trưng đã và đang triển khai 35 dự án cải tạo vỉa hè. Đến nay, bên cạnh việc đã cơ bản hoàn thành 30 dự án, quận đang rà soát, kiểm tra, bảo đảm yêu cầu chất lượng theo quy định.
Với quận Cầu Giấy, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng quận Phạm Thị Kim Liên chia sẻ: Thực hiện theo Quyết định số 1303/QĐ-UBND, quận đã triển khai 5 dự án lát hè sử dụng vật liệu gạch giả đá. Các dự án sau khi đưa vào sử dụng đến nay vẫn bảo đảm chất lượng.
Để công trình bền vững
Phó Chi Cục trưởng phụ trách Chi cục Giám định xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) Nguyễn Quang Huy cho biết, qua kiểm tra 21 dự án lát hè được thực hiện từ đầu năm 2020 đến nay, về cơ bản chủ đầu tư, các đơn vị thi công tuân thủ thiết kế được duyệt và các quy định về quản lý chất lượng công trình. Tuy nhiên, tại một số dự án, việc vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị còn chưa được bảo đảm như: Thi công dàn trải; tập kết vật tư, thiết bị chiếm dụng lòng đường, vỉa hè; thi công gây bụi bẩn...
Về tình trạng một số tuyến phố, như tuyến Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) lát đá tự nhiên, tuyến Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) lát gạch giả đá, mặt hè phố bị hư hỏng được báo chí phản ánh gần đây, ông Nguyễn Quang Huy cho hay, đây là những tuyến phố được lát gạch, đá từ trước năm 2018, theo thiết kế mẫu hè phố đô thị ban hành tại Quyết định số 4340/QĐ-UBND ngày 20-8-2014. Ngày 21-3-2019, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1303/QĐ-UBND thay thế Quyết định 4340/QĐ-UBND, trong đó, rút kinh nghiệm quá trình triển khai lát vỉa hè trước đây, kỹ thuật thi công lát hè cũng như chất lượng vật liệu đã được chấn chỉnh, hướng dẫn cụ thể, nhất là về độ cứng vạch bề mặt, độ chịu mài mòn, cường độ nén uốn của loại đá hoa.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hoàng Cao Thắng, ngày 4-12, Sở Xây dựng đã có văn bản đôn đốc UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện đúng Quyết định số 1303/QĐ-UBND; rà soát, lựa chọn chủng loại vật tư, vật liệu lát hè phù hợp cho từng tuyến phố. Đối với các dự án sử dụng vật liệu đá lát vỉa hè, Sở Xây dựng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã quản lý chất lượng ngay từ khâu lập hồ sơ mời thầu, tổ chức quản lý, kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc các loại đá lát. Sở Xây dựng cũng lưu ý các quận, huyện thực hiện các văn bản hướng dẫn kỹ thuật của Sở Xây dựng, trong đó lưu ý công tác nghiệm thu tại 3 bước thi công (bước thi công mặt nền hè, bước đổ bê tông lót, bước thi công lát đá).
Về một số tuyến phố lát đá vỉa hè xảy ra tình trạng gạch lát nứt vỡ sau một thời gian đưa vào sử dụng, ông Hoàng Cao Thắng cho biết, theo quy định phân cấp quản lý, UBND cấp huyện cần kiểm tra rà soát, duy tu, sửa chữa kịp thời để bảo đảm chất lượng sử dụng công trình và cảnh quan đô thị. UBND các phường, các đơn vị liên quan cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng mặt hè bền đẹp, bảo đảm đúng công năng và thiết kế; nghiêm cấm việc sử dụng mặt hè trái công năng, như việc đỗ xe ô tô, gây hư hỏng, xuống cấp mặt hè.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.