Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để trở thành lựa chọn số một

Đan Nhiễm| 13/09/2013 05:38

(HNM) - Diễn ra vào thời điểm kinh tế Thủ đô và đất nước chưa hết khó khăn nhưng "Hội chợ hàng Việt 2013" TP Hà Nội tại Triển lãm Giảng Võ (từ ngày 11 đến 15-9) vẫn thu hút đông đảo cộng đồng doanh nghiệp và người dân tham gia là sự kiện đáng mừng.



Khỏi phải nói nhiều bà nội trợ chờ đợi sự kiện này như thế nào. Bởi tại đây, họ được thỏa sức lựa chọn những sản phẩm "Made in Vietnam" với chất lượng tốt, giá cả hợp lý và đích thị đó không phải là hàng giả hoặc bán hàng kiểu "treo đầu dê, bán thịt chó".

Nhưng, hội chợ nào rồi cũng qua đi. Điều mong mỏi của cả doanh nghiệp và người tiêu dùng là làm sao để mô hình này lan tỏa được tới mọi ngõ ngách. Đó là các khu công nghiệp, thôn, xóm vốn lâu nay hàng Việt vì nhiều lý do chưa "với tay" tới trong khi nhu cầu tiêu thụ ở khu vực này rất lớn. Nói như Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao Vũ Kim Hạnh - người đã đi tiên phong tổ chức hàng trăm chuyến đưa hàng Việt về nông thôn, tới các khu công nghiệp - thì: Người tiêu dùng nông thôn đã bị lừa quá nhiều, hàng trôi nổi kém chất lượng luôn được đẩy về đây để tiêu thụ do họ không tiếp cận nhiều thông tin. Mở thị trường nông thôn còn đẩy lùi các loại hàng nhập lậu cấp thấp... Nói cách khác, nhiều nhà sản xuất hàng Việt bấy lâu đã mải mê chạy theo xu hướng sản xuất hàng xuất khẩu mà "bỏ quên" thị trường rộng lớn trong nước.

Những năm gần đây, Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác đã tổ chức không ít hội chợ hoặc điểm bán hàng Việt lưu động tại vùng nông thôn, khu công nghiệp. Sự kiện này được nông dân, công nhân hồ hởi đón nhận, nhưng đằng sau đó cũng còn không ít ưu tư. Đó là nhiều phiên chợ đơn thuần vẫn là giới thiệu và bán hàng thuần túy, chưa xây dựng được thương hiệu Việt đối với người tiêu dùng. Việc chọn thời gian, địa điểm tổ chức chợ, phương thức bán hàng phù hợp với lối sống của nông dân, công nhân ở đâu đó vẫn chưa hợp lý.

Về phía doanh nghiệp, phần lớn đơn vị tham gia đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, thiếu kinh phí để khảo sát, nghiên cứu thị trường. Mặt khác, dù có điều kiện để tiếp cận các nhà bán lẻ, các tiểu thương địa phương, nhưng do những khó khăn chung của nền kinh tế, doanh nghiệp chưa kết nối thường xuyên với các nhà phân phối để duy trì ổn định và liên tục các mặt hàng. Hơn nữa, đây lại là những thị trường phân tán, sức mua thấp, việc xây dựng mạng lưới phân phối tốn kém, chi phí vận chuyển cao… thế nên để tồn tại, đồng hành được cùng người dân ở nông thôn, khu công nghiệp thì rất cần một chiến lược và sự hỗ trợ từ phía ngành chức năng, giúp doanh nghiệp xây dựng hệ thống phân phối, chứ không chỉ tổ chức các đợt bán hàng lưu động hay tổ chức hội chợ kiểu "đến hẹn lại lên".

Mặt khác, với đại đa số người tiêu dùng với thu nhập còn hạn hẹp thì vấn đề quan tâm nhất của họ vẫn là giá cả. Do đó, để có chỗ đứng vững chắc ở thị trường trong nước đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự điều chỉnh nhất định về mẫu mã, công nghệ để có thể sản xuất hàng hóa giá rẻ nhưng vẫn bảo đảm chất lượng. Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần ngăn chặn triệt để hiện tượng tuồn hàng quá hạn sử dụng, phẩm cấp thấp về khu vực nông thôn, khu công nghiệp như đã từng xảy ra thời gian qua. Chỉ khi thực hiện tốt các công việc đó, hàng Việt mới thực sự trở thành sự lựa chọn số một của người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng không còn bế tắc khi sản phẩm làm ra quá phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để trở thành lựa chọn số một

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.