(HNM) - Thời gian gần đây, xuất hiện một số cơ sở tư nhân thực hiện việc giáo dục, đào tạo kỹ năng cho trẻ bị rối loạn phổ tự kỷ (hay trẻ tự kỷ) không đúng cách, khiến không ít gia đình tin tưởng gửi gắm trẻ rơi vào cảnh "tiền mất, tật mang". Thực trạng này đòi hỏi các cơ quan chức năng, gia đình, xã hội cần phối hợp, cộng đồng trách nhiệm hiệu quả hơn nữa, để trẻ tự kỷ có cuộc sống, tương lai tốt đẹp hơn.
Chưa đáp ứng được nhu cầu
Sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, lại có biểu hiện tự kỷ, cháu Lã Nguyễn Như Ph. (xã Hòa Bình, huyện Thường Tín) được đưa vào nuôi dưỡng thường xuyên tại Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ khuyết tật Hà Nội (thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ). Tại đây, Ph. và những trẻ đồng cảnh ngộ được chăm sóc, giáo dục, hỗ trợ phục hồi chức năng bằng chương trình riêng biệt, phù hợp nên các cháu dần bộc lộ cảm xúc yêu thương bạn bè, thầy cô, biết cất đồ dùng sau giờ học; có những cháu biết tập tô, vẽ, múa, hát…
Nhận được sự quan tâm, chăm sóc về nhiều mặt, hơn 20 trẻ tự kỷ được nuôi dưỡng thường xuyên tại Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn (xã Đông Yên, huyện Quốc Oai) cũng đang phát triển theo hướng tích cực. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Nguyễn Kim Cam, Giám đốc Trung tâm cho biết, trẻ tự kỷ thường có khả năng nổi trội ở một lĩnh vực nào đó, nếu được phát hiện, can thiệp sớm, quan tâm chăm sóc, giáo dục đúng cách, nhiều trẻ có thể hòa nhập cộng đồng.
Tuy nhiên, theo ông Phạm Đại Đồng, Trưởng phòng Chính sách xã hội, Cục Bảo trợ xã hội (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), cả nước hiện có khoảng 200.000 trẻ tự kỷ và con số này có chiều hướng gia tăng. Trong khi đó, số trẻ được chăm sóc, phục hồi chức năng mới chiếm một phần nhỏ.
Nguyên nhân là nước ta chưa có quy định chính thức nào công nhận người tự kỷ là người khuyết tật, khiến các cơ quan chức năng không có cơ sở pháp lý để triển khai giải pháp hỗ trợ trẻ tự kỷ. Hệ thống dịch vụ trợ giúp xã hội có khả năng thực hiện việc chăm sóc, phục hồi chức năng cho trẻ tự kỷ còn thiếu về số lượng, yếu về chất lượng. Bên cạnh đó, cộng đồng, gia đình, nhà trường chưa dành sự quan tâm, chăm lo đúng mức đối với trẻ tự kỷ.
Trước thực trạng trên, cùng việc nắm bắt được nhu cầu hỗ trợ chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ của người dân, trong những năm gần đây, trên địa bàn Hà Nội và cả nước đã xuất hiện nhiều cơ sở đào tạo trẻ tự kỷ hoạt động tự phát.
“Theo thống kê chưa đầy đủ, thành phố Hà Nội hiện có gần 200 cơ sở dạy trẻ tự kỷ. Chất lượng hoạt động của các cơ sở này như thế nào phụ thuộc vào cái tâm của người lập ra. Vì vậy, phụ huynh nào không may gửi con vào cơ sở không tốt sẽ rơi vào cảnh "tiền mất, tật mang". Mất mát lớn hơn cả, là trẻ tự kỷ bị mất giai đoạn vàng để can thiệp, hỗ trợ”, bà Đinh Nguyễn Trang Thu, giảng viên Khoa Giáo dục đặc biệt (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) phản ánh.
Trách nhiệm không của riêng ai
Với kinh nghiệm nhiều năm dạy trẻ tự kỷ, thầy giáo Nguyễn Hữu Tuấn, Phòng Giáo dục và Hướng nghiệp, Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn cho rằng, những người có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục trẻ phải căn cứ vào đặc điểm của từng cháu để có phương pháp dạy kỹ năng cho phù hợp. Nội dung giảng dạy phải linh hoạt theo từng tình huống, ưu tiên tiết chế những hành vi tiêu cực, hướng trẻ đến những hành vi tích cực.
Còn bà Đỗ Thị Minh Hiền, công tác tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, có con trai bị tự kỷ nhấn mạnh: “Bố, mẹ và gia đình chính là “bác sĩ’ tốt nhất đối với trẻ tự kỷ. Do đó, phụ huynh nên dành nhiều thời gian quan tâm, chăm sóc con cái”.
Dưới góc độ nghiên cứu, ông Nguyễn Hiệp Thương, giảng viên Khoa Công tác xã hội (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) mong muốn các ngành, đơn vị, địa phương tích cực tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, giúp mỗi người có thể nhận biết sớm dấu hiệu của trẻ tự kỷ, từ đó đưa ra giải pháp can thiệp sớm.
Ngoài ra, đội ngũ cán bộ, nhân viên công tác xã hội tại cộng đồng cần được quan tâm phát triển về số lượng, nâng cao về chất lượng. Các cơ quan chức năng cần phối hợp nghiên cứu, xây dựng chương trình giáo dục phù hợp đối với trẻ khuyết tật trí tuệ, tâm thần, tự kỷ; tăng cường trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở tổ chức dạy trẻ tự kỷ...
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Bộ đã giao Cục Bảo trợ xã hội phối hợp với các cơ quan hữu quan nghiên cứu xây dựng, đề xuất các chính sách trợ giúp phù hợp với nhóm đối tượng là trẻ tự kỷ.
Bộ cũng đã ban hành, giới thiệu tài liệu về “Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em tự kỷ ở Việt Nam”, giúp các bên liên quan có cách nhìn thống nhất, hiểu đúng về trẻ tự kỷ, từ đó định hướng cách hỗ trợ phục hồi tốt nhất cho trẻ…
Những thông tin nêu trên cho thấy, việc chăm sóc, giáo dục trẻ tự kỷ là trách nhiệm của tất cả các bên liên quan, trước hết là gia đình, sau đó đến nhà trường, cộng đồng và cơ quan quản lý nhà nước. Khi tất cả đều nỗ lực vào cuộc, dành sự quan tâm, chăm lo thỏa đáng, trẻ tự kỷ sẽ có cuộc sống, tương lai tốt đẹp hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.