(HNM) - Một trong những điểm đáng chú ý là Nghị định số 105/2017/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh rượu (có hiệu lực thi hành từ ngày 1-11-2017) quy định: Kinh doanh rượu thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; tổ chức, cá nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu, bán rượu tiêu dùng tại chỗ phải có giấy phép theo quy định; tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại phải đăng ký với UBND cấp xã…
Quy định này không chỉ phù hợp với “thông lệ quốc tế” mà còn đáp ứng yêu cầu quản lý hoạt động kinh doanh rượu. Trước hết, nói về “thông lệ quốc tế”, rất nhiều quốc gia đều ban hành các quy định rất chặt chẽ ngăn chặn tình trạng lạm dụng rượu, bia như Mỹ, Nhật Bản, Anh… và ngay trong khu vực Đông Nam Á là một số nước như Singapore, Malaysia… Nhờ đó, dù vẫn còn diễn ra nhưng hiện tượng lạm dụng rượu, bia tại những nước này hầu như nằm trong tầm kiểm soát.
Thứ hai, thực tiễn cho thấy, vấn nạn lạm dụng rượu, bia ở nước ta mà hệ lụy với vô số hậu quả về kinh tế - xã hội đã được cảnh báo, cho thấy yêu cầu phải siết chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực này.
Dù vậy, giữa quy định với hiệu lực, hiệu quả; giữa yêu cầu, mong muốn (khi ban hành Nghị định về kinh doanh rượu) với thực tế luôn có khoảng cách. Đây là tình trạng diễn ra trên địa bàn cả nước nói chung, ở Hà Nội nói riêng. Đó chính là lý do mới đây, thành phố đã có công văn yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố, UBND quận, huyện, thị xã thực hiện nghiêm, có hiệu quả Nghị định số 105/2017/NĐ-CP.
Không chỉ “vướng” khó khăn như thói quen, thậm chí lạm dụng rượu, bia đã “ăn” vào tập quán sinh hoạt của không ít người, Hà Nội còn phải đối mặt với yêu cầu quản lý số lượng lớn nhà hàng, cơ sở có hoạt động kinh doanh rượu, bia và hàng nghìn cơ sở sản xuất rượu thủ công, mà phần lớn là nhỏ lẻ, quy mô hộ gia đình. Công cụ pháp lý (với các quy định được ban hành) là điều kiện cần. Điều kiện đủ chính là quyết tâm của cơ quan chức năng mà nhìn từ Nghị định số 105/2017/NĐ-CP, trách nhiệm của từng cơ quan rất rõ ràng, bao gồm các ngành Công Thương, Y tế, Tài chính, chính quyền địa phương... Cùng với các cuộc kiểm tra liên ngành, rất cần những đợt kiểm tra chuyên đề hoặc đột xuất. Đồng thời, nên chăng lồng ghép các cuộc kiểm tra này với sự tham gia giám sát của cộng đồng nhằm ngăn chặn hiện tượng làm ngơ, dung túng sai phạm.
Cùng với các cơ quan chức năng, sự vào cuộc của chính quyền cơ sở đóng vai trò quan trọng. Bởi lẽ, không cơ quan chức năng nào đủ nhân lực, thời gian, kinh phí... để thực hiện liên tục các đợt thanh tra, kiểm tra. “Nắm địa bàn” là một ưu thế để chính quyền cơ sở nhanh chóng phát hiện cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu vi phạm (nếu có), từ đó có biện pháp xử lý hoặc kiến nghị cơ quan chức năng xử lý kịp thời.
Bên cạnh đó, nhận thức, ứng xử của cộng đồng trước những biểu hiện không lành mạnh, vi phạm pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu thủ công là cần thiết. Người dân có thể kịp thời thông tin đến cơ quan chức năng về sai phạm, đồng thời “bảo nhau” tẩy chay những cơ sở này… Phương tiện phản ánh không chỉ là "đường dây nóng" mà còn ở ngay những mặt tích cực của mạng xã hội mang lại.
Thực hiện tốt những nội dung trên thì Nghị định số 105/2017/NĐ-CP sẽ thực sự có hiệu lực, hiệu quả; tạo ra sự chuyển biến rõ nét hơn trong quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.