Góc nhìn

Để Thủ đô không còn hộ nghèo

Hà Trang 08/12/2023 - 06:09

Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền của thành phố Hà Nội đã nỗ lực thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở, tạo điều kiện cho hộ nghèo yên tâm lao động, sản xuất, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện thắng lợi chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước và thành phố về an sinh xã hội.

Tiếp tục cụ thể hóa chính sách này, ngày 6-12, HĐND thành phố đã thông qua Nghị quyết quy định về việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố giai đoạn 2022-2025. Mức kinh phí hỗ trợ là 50 triệu đồng/nhà xây, 30 triệu đồng/nhà sửa chữa. Ngoài ra, mức cho hộ nghèo, hộ cận nghèo vay xây dựng, sửa chữa nhà tối đa được 50 triệu đồng/nhà, lãi suất cho vay 3%/năm do ngân sách thành phố hỗ trợ, người vay không phải trả lãi suất.

Về tổng thể, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Thành ủy Hà Nội đã có Chương trình số 08-CTr/TU về phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của nhân dân Thủ đô giai đoạn 2021-2025. Trong kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2022-2025, thành phố đặt mục tiêu giảm 25-30% số hộ nghèo hằng năm; phấn đấu đến cuối năm 2025 thành phố không còn hộ nghèo.

Để huy động được nguồn lực của toàn xã hội, cách đây gần 1 tháng, nhân Tháng cao điểm “Vì người nghèo” năm 2023, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã có thư ngỏ gửi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân Thủ đô về việc vận động ủng hộ Quỹ "Vì người nghèo” thành phố Hà Nội năm 2023. Nội dung thư ngỏ kêu gọi sự đóng góp, bổ sung nguồn lực xã hội quan trọng để chăm lo, hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố.

Về phía thành phố, Nghị quyết quy định về việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố giai đoạn 2022-2025 một lần nữa khẳng định quyết tâm của Hà Nội trong việc thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.

Để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của HĐND thành phố, thời gian tới, đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo có thành viên thuộc đối tượng bảo trợ xã hội và có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có khả năng tự xây mới hoặc sửa chữa nhà ở, UBND cấp xã, phường sẽ phối hợp Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên để thống nhất phân công các đoàn thể, các cơ quan, đơn vị tổ chức xây mới hoặc sửa chữa nhà ở cho các đối tượng.

UBND cấp xã, phường có trách nhiệm giám sát để các hộ gia đình sử dụng tiền hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo đúng mục đích, bảo đảm chất lượng nhà ở. Các cấp, ngành, địa phương tiếp tục tổ chức vận động các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tích cực tham gia ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” và an sinh xã hội để có thêm nguồn lực hỗ trợ người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.

Có thể thấy, việc triển khai Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy đã và đang mang lại hiệu quả rõ rệt, các chính sách an sinh xã hội được thực hiện kịp thời, lan tỏa, người dân được thụ hưởng trực tiếp. Trong công tác giảm nghèo, thành phố luôn đặt mọi lợi ích của người dân lên trên, lấy sự thụ hưởng, niềm hạnh phúc của nhân dân là thước đo cho mọi hoạt động của hệ thống chính trị cũng như sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp ở mỗi địa phương, đơn vị.

Chính vì vậy, với quyết tâm thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của HĐND thành phố về việc hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn thành phố giai đoạn 2022-2025, chúng ta hoàn toàn tin tưởng Hà Nội sẽ đạt được mục tiêu đến năm 2025 không còn hộ nghèo.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để Thủ đô không còn hộ nghèo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.