(HNM) - Xây dựng kế hoạch và lộ trình thay thế xe buýt cũ, xe gây ô nhiễm môi trường bằng phương tiện chất lượng cao; tăng tần suất và hợp lý hóa luồng tuyến, tạo thuận lợi cho hành khách; phát triển thêm các tuyến xe buýt kết nối từ trung tâm ra ngoại thành và các tỉnh lân cận; cải thiện và đổi mới kỹ năng, tác phong giao tiếp của đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ... Đó là những việc làm cụ thể để hệ thống xe buýt Thủ đô thực sự hấp dẫn người dân.
100% quận, huyện, thị xã có tuyến buýt
Những năm qua, thành phố Hà Nội luôn kiên trì thực hiện mục tiêu phát triển vận tải hành khách công cộng nhằm từng bước hạn chế phương tiện cá nhân, kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông. Hàng loạt tuyến buýt được mở mới, trong đó có cả các tuyến chất lượng cao kết nối các khu vực nội thành và ngoại thành, kết nối trung tâm thành phố với sân bay Nội Bài. Ngoài ra còn có các tuyến buýt kế cận nối Hà Nội với các tỉnh, thành phố lân cận, giúp việc đi lại của người dân được thuận lợi hơn.
Cùng với việc mở mới các tuyến buýt và điều chỉnh, hợp lý hóa luồng tuyến, thành phố và các đơn vị xe buýt cũng đã có nhiều nỗ lực trong việc đầu tư đổi mới phương tiện, từng bước thay thế các xe cũ, gây ô nhiễm môi trường. Chỉ tính riêng năm 2018, Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) - đơn vị chủ lực của thành phố trong lĩnh vực vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt - đã đầu tư mới và đưa vào khai thác 172 phương tiện chất lượng cao, tiêu chuẩn khí thải Euro 4.
Ông Dương Thế Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông đô thị Hà Nội (Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội) cho biết, đến thời điểm này, toàn thành phố có 123 tuyến buýt với gần 2.000 phương tiện, bao phủ 100% các quận, huyện, thị xã; 100% các trường học; 86% khu công nghiệp và 90% khu đô thị hiện hữu. Tuy nhiên, trên địa bàn thành phố hiện còn gần 30 điểm ùn tắc giao thông, gây ảnh hưởng lớn tới hoạt động của xe buýt. Ùn tắc giao thông đã khiến nhiều lượt xe buýt phải bỏ chuyến, hoặc quay đầu, dẫn tới biểu đồ vận hành bị phá vỡ. Trên một số trục giao thông chính, tốc độ vận hành của xe buýt phải giảm dưới 20km/giờ. Đây là những bất cập cần giải quyết nhằm thu hút hành khách sử dụng dịch vụ nhiều hơn nữa.
Là người thường xuyên đi xe buýt, ông Nguyễn Thành Trung (số 670 đường Nguyễn Khoái, quận Hoàng Mai) cho rằng: "Xe buýt hiện nay đã chất lượng hơn, độ "phủ sóng" rộng giúp người dân đi lại dễ dàng, giá vé phù hợp. Tuy nhiên, để xe buýt thân thiện, an toàn và hấp dẫn người dân hơn, điều quan trọng là phải nâng được tính đúng giờ; bảo đảm an ninh trật tự trên xe cũng như tại các nhà chờ, điểm đỗ".
Trực tiếp khảo sát trên tuyến buýt số 02 (Bác Cổ - Bến xe Yên Nghĩa), theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, dù là tuyến có lưu lượng khách lớn, song quá trình vận hành ổn định, an toàn. Trên xe luôn có hệ thống loa phát thanh thông báo điểm dừng; phụ xe cũng nhiệt tình hỗ trợ, giải thích cho hành khách. Tại các nhà chờ có bảng điện tử tích hợp với hệ thống thiết bị giám sát hành trình (GPS) để hiển thị các thông tin nhằm giúp hành khách có thể chủ động thời gian trong việc chờ và lựa chọn tuyến xe cần đi.
Tiếp tục cải tiến chất lượng dịch vụ
Theo quy hoạch phát triển giao thông - vận tải Thủ đô, trong giai đoạn 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Hà Nội sẽ có thêm một số tuyến buýt nhanh - BRT và 8 tuyến đường sắt đô thị với tổng chiều dài 318km. Tuy nhiên, căn cứ tình hình thực tế hiện nay, thì đến năm 2020 thành phố mới chỉ có một tuyến BRT (Kim Mã - Yên Nghĩa) và tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông được đưa vào khai thác. Ngoài ra, đoạn tuyến trên cao của Dự án đường sắt đô thị Nhổn - Ga Hà Nội cũng sẽ hoàn thành.
GS.TS Từ Sỹ Sùa (Trường Đại học Giao thông Vận tải) tính toán, với kịch bản như vậy, dự báo tỷ lệ đáp ứng của vận tải hành khách công cộng đối với hai tuyến đường sắt đô thị và một tuyến BRT khi khai thác cực đại chỉ ở mức 4-5%. Như vậy, đến năm 2030, xe buýt vẫn đóng vai trò chủ lực với tỷ lệ đáp ứng ở mức 15-20%. Vì thế, nâng cao chất lượng dịch vụ xe buýt theo hướng ngày càng an toàn, thân thiện, hấp dẫn hành khách vẫn là nhiệm vụ quan trọng được đặt ra với Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội và các đơn vị xe buýt của Thủ đô.
Để đáp ứng đòi hỏi này, ông Nguyễn Công Nhật, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Transerco cho biết, từ nay đến cuối năm 2019 và các giai đoạn tiếp theo, tổng công ty tiếp tục đầu tư, đổi mới phương tiện hiện đại với tiêu chuẩn khí thải Euro 4, đồng thời kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm tiêu chuẩn khí thải của các phương tiện đang hoạt động; tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên lái xe, phụ xe...
Với mục tiêu đem lại sự tiện lợi hơn nữa cho người dân khi sử dụng dịch vụ và thu hút thêm hành khách, đồng thời nâng cao được công tác quản trị, vận hành, Transerco sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan trình thành phố cho phép triển khai nhân rộng thẻ vé điện tử cho toàn mạng xe buýt của Thủ đô; triển khai thí điểm bảng thông tin giờ xe xuất bến và thiết bị tra cứu dịch vụ xe buýt tại các bến xe...
Ngày 24-6-2019, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Văn bản số 739/TB-UBND thông báo kết luận cuộc họp tập thể lãnh đạo UBND thành phố về việc thực hiện các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng vào năm 2020. UBND thành phố giao Sở Giao thông - Vận tải Hà Nội chủ trì, phối hợp với các đơn vị xây dựng kế hoạch và lộ trình thay thế xe buýt cũ, gây ô nhiễm môi trường bằng xe buýt chất lượng cao; tăng tần suất hợp lý, tạo thuận lợi cho hành khách... Đồng thời, rà soát để có chính sách vé linh hoạt, khuyến khích sử dụng vé tháng, vé năm; tập trung cải thiện và đổi mới kỹ năng, tác phong giao tiếp của đội ngũ lái xe và nhân viên phục vụ...
Theo yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội tại Kế hoạch số 113/KH-UBND (ngày 20-5-2019), năm 2020 phải bảo đảm chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng đạt 20-25% tổng nhu cầu đi lại; năm 2030, chỉ tiêu vận tải hành khách công cộng khu vực đô thị trung tâm đạt khoảng 50-55% tổng nhu cầu đi lại, khu vực các đô thị vệ tinh đạt khoảng 40% tổng nhu cầu đi lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.