(HNM) - Theo phản ánh của người dân xã Võng La (huyện Đông Anh), thời gian qua, trên tuyến đê tả Hồng qua địa bàn xã có hàng trăm xe ô tô chở cát quá tải trọng hoạt động suốt ngày đêm.
Xe tải vô tư đi trên đê tả Hồng, đoạn qua xã Võng La (huyện Đông Anh). |
Tuyến đê tả Hồng trên địa bàn thôn Đại Độ, xã Võng La mới được đầu tư nâng cấp cứng hóa bằng bê tông, có tổng chiều dài hơn 700m, mặt cắt ngang 5,5m, dày 0,25m, hoàn thành và đưa vào sử dụng cuối tháng 1-2015. Mặt đê được giới hạn cho xe có tải trọng dưới 10 tấn lưu thông. Tuy nhiên, hiện tuyến đê đang trong thời gian bảo dưỡng nhưng hằng ngày vẫn phải cõng hàng trăm lượt ô tô chở cát vượt quá tải trọng tới 5-6 lần.
Bà Hồ Thị T. ở thôn Đại Độ, xã Võng La cho biết, nguyên nhân chính là do sự tồn tại ngang nhiên của 4 bãi tập kết VLXD hoạt động 24/24h với hàng trăm lượt xe qua lại. Điều này không những ảnh hưởng đến chất lượng công trình mới được đưa vào sử dụng mà còn làm đảo lộn cuộc sống của người dân. Cũng theo bà T trước đây đã xảy ra nhiều vụ TNGT trên tuyến đường này mà nguyên nhân chính là do mặt đường quá xấu, đất cát rơi vãi kín mặt đường. Bức xúc trước tình trạng này, người dân xã Võng La đã nhiều lần kiến nghị UBND xã nhưng không hiểu vì lý do gì các bến bãi VLXD không phép vẫn ngang nhiên tồn tại và những chiếc xe chở quá tải vẫn cứ hoạt động?
Có mặt trên tuyến đê lúc 9h ngày 8-2, chúng tôi thấy hàng chục xe tải chất đầy cát được che chắn sơ sài rầm rập đi trên đê mà không có bóng dáng của lực lượng chức năng và chính quyền địa phương. Tìm hiểu được biết, trước đây UBND xã Võng La đã nhiều lần phối hợp với lực lượng Công an, Thanh tra Xây dựng tuần tra xử lý vi phạm này. Tuy nhiên mỗi khi các lực lượng chức năng rút đi, tình trạng vi phạm lại tái diễn. Ông Nguyễn Xuân Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội khẳng định: Mặt đê xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng là do hoạt động cố ý của con người. Việc ngăn chặn hoạt động phá hoại này lâu nay chẳng khác nào "đá ném ao bèo". Bởi các lực lượng chức năng cũng như chính quyền các địa phương chưa có sự phối hợp, vào cuộc quyết liệt. Chi cục Đê điều và PCLB thành phố đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu địa phương cùng vào cuộc, song chính quyền địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, tuyến đê tả sông Hồng khu vực xã Võng La đi Hải Bối do xuống cấp nghiêm trọng nên năm 2014 đã được Bộ Nông nghiệp & PTNT đưa vào dự án cần được xử lý cấp bách phục vụ công tác phòng chống lụt bão. Ngày 26-9-2014, dự án được Ban quản lý dự án kè cứng hóa bờ sông Hồng (Sở NN&PTNT) khởi công nâng cấp mặt đê đoạn từ K56+600 đến K60+850 (địa bàn xã Võng La, Đông Anh). Tuy nhiên, ngày 8-1-2015, khi nhà thầu tiến hành đổ trụ bê tông nhằm hạn chế xe quá khổ, quá tải trọng lưu thông đã bị một số người đến cản trở, đưa máy phá 2 trụ giới hạn giao thông. Những người này còn hành hung công nhân, đập phá máy móc, cướp dụng cụ lao động của đơn vị thi công gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, an toàn công trình.
Cũng theo ông Hải, để chấm dứt tình trạng trên, ngày 29-10-2014, Bộ Công an đã có Công điện yêu cầu Công an các tỉnh, thành phố xử lý nghiêm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chở hàng quá trọng tải gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều. Ngoài ra, Công an cấp huyện nơi có tuyến đê tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật về đê điều, khai thác, tập kết, vận chuyển cát, sỏi trái phép... Thế nhưng vi phạm trên địa bàn xã Võng La vẫn diễn ra và không được xử lý. Dư luận và người dân địa phương có quyền đặt câu hỏi: Trách nhiệm của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng ở đâu khi những vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.