Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để sự sống hồi sinh

Vân Anh| 09/01/2012 08:09

(HNM) - Thực hiện thành công hơn chục ca ghép tạng từ người cho chết não, các bác sĩ Việt Nam (chủ yếu là ở Bệnh viện (BV) Việt - Đức đã mở ra hy vọng sống cho hàng trăm nghìn người bệnh bị suy tạng.

Rạng danh thầy thuốc Việt

Với 5 trường hợp chết não hiến tạng, các bác sĩ của BV Việt-Đức đã ghép thành công thận cho 10 người, ghép gan 2 người, ghép tim 1 người và ghép van tim cho 2 người. Kết quả ấn tượng của đề tài khoa học "Nghiên cứu triển khai ghép tim, gan, thận lấy từ người cho chết não" đã giúp nhóm bác sĩ của BV, do PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết đứng đầu, vinh dự nhận Giải thưởng Nhân tài Đất Việt năm 2011.

PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết thăm khám bệnh nhân tại phòng điều trị.


Chia sẻ về giải thưởng, vị trưởng nhóm cho rằng, đó là sự ghi nhận xứng đáng thành quả lao động miệt mài của cả tập thể bác sĩ BV, nhất là những bác sĩ trẻ - họ đã tiếp nối, thực hiện thành công ước nguyện của GS Tôn Thất Tùng và nhiều thầy, cô giáo lớp trước về ghép tạng cho người suy tạng. Ông rất tự hào vì 100% ca phẫu thuật ghép gan, thận, tim từ người cho chết não tại BV kể từ ca đầu tiên (tháng 5-2010) đến nay đều do bác sĩ "nội" thực hiện và 100% người bệnh đã trở về cuộc sống bình thường sau khi được ghép, tỷ lệ cao nhất thế giới.

Tham gia giải thưởng, các thầy thuốc chỉ có mong muốn giản đơn là "nói" với người bệnh rằng trình độ của các bác sĩ Việt Nam tương đương với thế giới. Họ có đủ năng lực, kinh nghiệm và điều kiện để hoàn toàn làm chủ kỹ thuật đỉnh cao của y học. Người bệnh có thể tin tưởng chữa bệnh ngay trong nước với hiệu quả điều trị cao, chi phí ghép chỉ bằng 1/3 ở nước ngoài (một ca ghép thận ở các nước cùng khu vực khoảng 35.000 USD, trong khi tại BV Việt - Đức chỉ từ 200 - 230 triệu đồng).

Là người đứng đầu BV, trực tiếp chỉ đạo, tham gia các ca ghép tạng từ người cho chết não trong hai năm triển khai đề tài, đối với PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết, ngày 12-4-2011 là một ngày lịch sử: Lần đầu tiên BV tiến hành cùng lúc 4 ca ghép tạng (tim, gan, thận) ngay khi một người chết não do tai nạn giao thông hiến tặng toàn bộ tạng. Hôm đó, BV phải hoãn gần 100 ca mổ phiên để dồn nhân lực, trang thiết bị cho 4 ca ghép. Hơn 150 nhân viên y tế của BV được huy động đã thực sự là những "chiến sỹ", "chiến đấu" hết mình trên "mặt trận" giành giật lại sự sống cho những người bệnh còn rất ít hy vọng sống nếu không được ghép tạng. Sau từ 2 đến 8 giờ phẫu thuật mỗi ca (lâu nhất là ghép gan), các ca ghép đều thành công trong sự hồi hộp, căng thẳng đến nghẹt thở của tập thể nhân viên y tế và hàng nghìn người bệnh đang điều trị tại BV.

Thơm thảo tấm lòng Việt

Không ngạc nhiên khi thành công cứ nối tiếp đến với người "thuyền trưởng" này, bởi trong mọi hoàn cảnh ông luôn quyết đoán và rất tận tâm, trách nhiệm với công việc. Để chèo lái vững "con thuyền" trung tâm ngoại khoa hàng đầu của cả nước, ông đã cùng các đồng nghiệp dành nhiều thời gian nghiên cứu về lĩnh vực ghép tạng, đặc biệt là ghép gan, vì kỹ thuật này phức tạp, nhất là trong điều kiện nước ta còn khó khăn, khan hiếm nguồn tạng thay thế. "Hình ảnh bệnh nhân bị suy gan giai đoạn cuối, ung thư gan vật vã, tuyệt vọng chờ chết vì không có tạng để ghép luôn ám ảnh tôi. Nguồn tạng ghép được lấy từ người cho sống và người cho chết não, nhưng lượng tạng từ người cho sống chỉ mới đáp ứng khoảng 10% nhu cầu nên phải trông chờ từ người cho chết não. Mặc dù Luật Hiến, ghép mô và bộ phận cơ thể người đã được ban hành nhưng vận động thân nhân người chết não hiến tạng người thân hiện vẫn là việc vô cùng khó khăn…", PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết trăn trở.

Thực tế tại BV Việt - Đức, hàng chục bệnh nhân nội trú có nhu cầu ghép gan, tim, hàng trăm người có nhu cầu ghép thận mỗi ngày, song số người chết não hiến tạng cho BV đến giờ mới chỉ đếm được trên đầu ngón tay dù một ngày BV tiếp nhận, điều trị từ 5-7 ca chết não. Đã không ít lần phòng mổ đã sẵn sàng, người nhận tạng đã nằm chờ nhưng cuối cùng thân nhân người chết não lại thay đổi ý định hiến tạng vì quan niệm "chết phải toàn thây". Khó khăn là vậy, yếu tố xã hội, tâm linh không dễ vượt qua, thế nhưng PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết đã rất nỗ lực cùng tập thể BV tổ chức hàng nghìn cuộc vận động, giải thích với thân nhân người chết não về ý nghĩa nhân văn, hữu ích của việc hiến tạng cứu đồng loại.

Ông tâm sự: "Những lúc như thế, lời giải thích, vận động luôn nặng trĩu đối với người thầy thuốc, vì chúng tôi hiểu nỗi đau mất mát của thân nhân người chết não. Có những khoảng lặng, cả bác sĩ và thân nhân người chết não đều rơi lệ…". Không phụ lòng những người thầy thuốc, ngày càng nhiều người nhà bệnh nhân và bệnh nhân trong BV chia sẻ gánh nặng với ông. Họ cũng tích cực tham gia tuyên truyền, vận động để hôm nay, hơn chục bệnh nhân suy tạng đã được sống từ nguồn tạng này.

Công sức, trí tuệ của PGS-TS Nguyễn Tiến Quyết cống hiến cho nền y học đã nhiều lần được ghi nhận, nhưng ông rất ít nói về mình. Ông luôn nói rằng, yếu tố tạo nên thành công trong ghép tạng từ người cho chết não chính là trình độ chuyên môn vững vàng của đội ngũ bác sĩ trẻ và quan trọng hơn là nhờ có những tấm lòng cao cả của thân nhân người chết não - nén nỗi đau để giúp hồi sinh một sự sống mới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để sự sống hồi sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.